Ngân hàng tuần qua: Lãi suất đồng loạt giảm, giao dịch đột biến tại cổ phiếu ACB, VIB và SGB

Quốc Thụy | 19:54 13/08/2023

Trong tuần qua, một loạt ngân hàng đã thông báo giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng diễn biến sôi động với nhiều giao dịch "khủng" tại ACB, VIB và SGB.

Ngân hàng tuần qua: Lãi suất đồng loạt giảm, giao dịch đột biến tại cổ phiếu ACB, VIB và SGB

Mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm

Trong tuần qua, một loạt ngân hàng như ACB, NCB, HDBank, SHB, MSB, Eximbank….đã thay đổi biểu lãi suất huy động. Phần lớn các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm 0,1-0,3 điểm % so với trước.

Hiện DongABank là ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất hệ thống, tới 8,3%/năm dành cho kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi trên 1 tỷ đồng. Với các kỳ hạn khác, DongABank cũng dẫn đầu thị trường, chẳng hạn như kỳ hạn 6 tháng có lãi suất cao nhất 7,55%/năm, trong khi những ngân hàng cao tiếp theo chỉ quanh mức 7%/năm.

Ngoài DongABank, một số ngân hàng nhỏ khác cũng niêm yết lãi suất từ 7%/năm và thường kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng cao, có thể kể đến Bảo Việt Bank, BVBank, VietABank, NCB, GPBank, VietBank, NamABank, BacABank.

Nhóm Big4 (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) không có biến động lãi suất trong thời gian gần đây. Các ngân hàng này  vẫn giữ nguyên mức cao nhất là 6,3%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.

Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay

Thời gian gần đây, một loạt ngân hàng cũng đã công bố giảm thêm lãi suất cho vay hoặc tung các gói vay ưu đãi quy mô lớn.

Vietcombank thông báo tiếp tục giảm lãi suất cho vay với mức giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thời gian áp dụng trong 5 tháng từ ngày 1/8/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Agribank cũng mới triển khai chương trình tín dụng ưu đãi dành cho các khách hàng xuất, nhập khẩu với quy mô lên tới 25.000 tỷ đồng. Theo đó, lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Agribank tương ứng đối với từng dải kỳ hạn.

Với VietinBank , ngân hàng này vừa tăng quy mô gói ưu đãi lãi suất SME UP lên 15.000 tỷ đồng và giảm thêm lãi suất cho vay với mức lãi suất ưu đãi mới chỉ từ 6,8%/năm.

Bên cạnh nhóm ngân hàng quốc doanh, các nhà băng tư nhân cũng tích cực triển khai các gói cho vay ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân tiếp cận nguồn vốn.

Theo đó, MSB vừa thông báo chương trình giảm thêm 2% lãi suất vay thế chấp dành cho khách hàng cá nhân. Chương trình được áp dụng từ nay đến hết 31/12/2023 đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu vay thế chấp mục đích mua nhà, xây sửa nhà, tiêu dùng mua sắm trang thiết bị gia đình, du học, chi trả học phí,…

Mới đây, Sacombank cũng thông báo triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân nhằm tiếp sức hỗ trợ người dân, kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng phục vụ đời sống từ nay đến cuối năm 2023.

OCB vừa triển khai gói cho vay ưu đãi lãi suất áp dụng cho khách hàng có nhu cầu sản xuất kinh doanh ngắn hạn, mua nhà đất và ô tô với hạn mức 5.000 tỉ đồng. Theo đó, từ tháng 8, những khách hàng cá nhân vay với mục đích sản xuất kinh doanh sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi từ 7,5%. Khách hàng mua nhà để ở được hưởng lãi suất 8,5% một năm.

Ngân hàng Bản Việt (BVBank) cũng đã triển khai gói vay 7.000 tỷ đồng kích cầu tiêu dùng với lãi suất chỉ từ 8,8%/năm, giảm đến 2%/năm so với lãi suất thông thường. Thời gian áp dụng từ ngày 04/8 - 31/12/2023.

"Không nước nào có lãi suất cho vay thực cao như Việt Nam"

Chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2023 (VWAS) do Báo Đầu tư và Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức ngày 8/8, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những rủi ro lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao, bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực giảm lãi suất điều hành.

Theo ông Nghĩa, chính sách tiền tệ của Việt Nam bắt đầu chuyển sang hướng hỗ trợ phục hồi, lãi suất tiền gửi đã giảm sâu nhưng lãi suất cho vay vẫn còn cao.

Lấy ví dụ một doanh nghiệp trong lĩnh vực điện mặt trời vẫn phải trả lãi suất đi vay lên tới 17%/năm và mới chỉ được ngân hàng hứa giảm xuống 14%/năm vào tháng 9 này, ông Nghĩa cho biết: "Nếu trừ 4% lạm phát thì lãi suất thực là 10%, không có nước nào trên thế giới có lãi suất thực khủng khiếp như vậy".

Vị chuyên gia này nhận định, một trong những nguyên nhân thấy lãi suất vẫn đang khá cao là do ngành ngân hàng vẫn đang phải lo ngại về biến động tỷ giá. Tuy vậy, tỷ giá năm nay dự báo sẽ ổn định, USD khó “sốt” trở lại.

“Với một quốc gia mở cửa như Việt Nam, tỷ giá ổn định là điều kiện để thị trường tài sản, thị trường chứng khoán có thể đứng vững, phục hồi nhẹ”, TS. Nghĩa đánh giá.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nhiều khả năng cuối năm nay Fed dừng tăng lãi suất và có thể giảm lãi suất từ cuối năm sau. Châu Âu cũng có thể dừng tăng lãi suất từ cuối năm nay do lạm phát giảm nhanh hơn dự đoán. Đây là cơ hội để NHNN giảm thêm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế.

Dragon Capital bán ròng hơn 120 triệu cổ phiếu ACB

Dragon Financial Holdings Limited - quỹ ngoại thuộc sở hữu của Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL - thành viên do Dragon Capital quản lý) thông báo đã bán ra 120,98 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Á Châu (mã ACB) trong ngày 7/8. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của quỹ ngoại này đã giảm từ 6,92% xuống còn 3,8% tương ứng lượng nắm giữ còn lại 147,77 triệu đơn vị.

Chiều ngược lại, 2 quỹ thành viên khác thuộc Dragon Capital là KB Vietnam Focus Balanced Fund và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust [Equity] đã mua vào lần lượt 150.000 và 587.000 cổ phiếu ACB. Như vậy, nhóm Dragon Capital đã bán ròng 120,24 triệu cổ phiếu ACB qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 8,26% xuống còn 5,16%.

Nhiều khả năng, số cổ phiếu trên đã được sang tay cho các nhà đầu tư nước ngoài khác. Cùng ngày diễn ra giao dịch (7/8), thị trường cũng xuất hiện giao dịch thoả thuận khủng trên cổ phiếu ACB với tổng khối lượng 122,67 triệu đơn vị. Tổng giá trị giao dịch lên đến hơn 3.200 tỷ đồng tương ứng giá thoả thuận bình quân 26.100 đồng/cp. Tạm tính theo mức thị giá này, nhóm Dragon Capital có thể thu về hơn 3.100 tỷ đồng từ thương vụ trên.

Gần 19% cổ phần Saigonbank được sang tay trong 1 phiên

Trong phiên giao dịch (8/8), hơn 58 triệu cổ phiếu SGB của Saigonbank đã được trao tay giữa các nhà đầu tư theo phương thức thỏa thuận, giá trị hơn 1.400 tỷ đồng và chiếm gần 19% vốn cổ phần ngân hàng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 44 triệu cổ phiếu SGB, giá trị hơn 1.000 tỷ đồng. Số cổ phiếu mà khối ngoại mua vào trong phiên hôm nay chiếm 14,3% vốn Saigonbank. Theo đó, khối ngoại nâng sở hữu tại ngân hàng này lên 14,8%.

Trước đó, phiên 1/8 cũng có hơn 58,7 triệu cổ phiếu SGB được giao dịch thỏa thuận, với giá trị 863 tỷ đồng.

SGB của Saigonbank là cổ phiếu nhỏ đang giao dịch trên UPCoM, thường có thanh khoản rất thấp, chỉ vài trăm triệu đồng/phiên. Vốn hóa Saigonbank khoảng 6.100 tỷ đồng. Cổ phiếu này “nổi sóng” thời gian gần đây khi ghi nhận chuỗi 8 phiên tăng giá liên tục, có những phiên suýt tăng trần.

Sau khi tăng liên tục từ ngày 27/7 đến 7/8 với mức tăng tổng cộng 56%, cổ phiếu này đã quay đầu giảm trong tuần qua, đóng cửa ở mức 17.300 đồng/cp (giảm 12,6%).

Với những biến động thời gian gần đây, cơ cấu cổ đông Saigonbank có thể đã có những thay đổi lớn.

Con trai chủ tịch VIB đã bán toàn bộ hơn 124 triệu cổ phiếu

Ông Đặng Quang Tuấn, con trai Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ, đã bán hết hơn 124,7 triệu cổ phiếu VIB đang sở hữu, hoàn thành 100% lượng đăng ký. Giao dịch được thực hiện trong thời gian 21/7 - 9/8 theo phương thức thỏa thuận.

Ước tính, số cổ phiếu mà ông Đặng Quang Tuấn bán ra có giá trị gần 2.600 tỷ đồng.

Trước đó hồi tháng 7, con trai ông Đặng Khắc Vỹ đã đăng ký bán toàn bộ hơn 124,7 triệu cổ phiếu VIB sở hữu trong thời gian 21/7 - 21/8. Trong cùng thời gian này, CTCP Funderra, tổ chức có liên quan đến ông Đặng Khắc Vỹ, đã đăng ký mua 124,7 triệu cổ phiếu VIB để đầu tư. Tại thời điểm đăng ký mua nói trên, Funderra không sở hữu bất kỳ cổ phiếu VIB nào.

Liên tiếp trong 10 ngày cuối tháng 7 và từ 4-9/8, cổ phiếu VIB ghi nhận các phiên có giao dịch thỏa thuận khối lượng lớn.

Ngày 21/7, hơn 31 triệu cổ phiếu được sang tay với giá trị hơn 650 tỷ đồng. Ngày 25, 27 và 31/7, mỗi phiên ghi nhận hơn 21 triệu cổ phiếu VIB được thỏa thuận với quy mô đều trên 400 tỷ đồng. Đầu tháng 8, quy mô thỏa thuận ghi nhận vài triệu đơn vị mỗi phiên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ngân hàng tuần qua: Lãi suất đồng loạt giảm, giao dịch đột biến tại cổ phiếu ACB, VIB và SGB
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO