Quốc định chính thức được đưa ra sau cuộc họp của các giới chức hàng đầu PBoC hôm 1/7. Ông Pan, 59 tuổi, là Phó Thống đốc PBoC với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng thương mại. Ông Pan sẽ thay thế vai trò Bí thư Đảng ủy của ông Guo Shuqing, người mới nghỉ hưu.
Trong tuyên bố, Thống đốc PBoC Yi Gang cũng không còn giữ các chức vụ trong đảng.
Trước đó, tờ WSJ dẫn các nguồn thạo tin cho rằng ông Pan sẽ được bổ nhiệm vào vị trí Thống đốc nhiệm kỳ tiếp theo. Tuy nhiên, thông báo chính thức của PBoC không đề cập tới bất cứ thông tin nào tương tự như vậy.
Trên thực tế, một người cần có sự bổ nhiệm của Chính phủ Trung Quốc để có thể trở thành thống đốc PBoC. Trước ông Yi, ông Zhou Xiaochuan vừa đảm trách cương vị Bí thư đảng ủy vừa là Thống đốc PBoC.
Ông Yi được bổ nhiệm vào cương vị Thống đốc PBoC nhiệm kỳ thứ 2 hồi tháng 3/2023 tại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc – cuộc họp quốc hội thường niên của Trung Quốc. Một số người nói rằng ông Yi, 65 tuổi, đã đến tuổi nghỉ hưu chính thức với các quan chức cấp bộ ở Trung Quốc. Việc ông được bổ nhiệm sẽ giúp giám sát quá trình chuyển đổi sau khi Trung Quốc thành lập cơ quan quản lý mới để tăng cường giám sát với hệ thống tài chính trị giá 60.000 tỷ USD.
Nếu được xác nhận, ông Pan sẽ nhậm chức vào thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thúc đẩy củng cố nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Trước đó, hôm 30/6, PBoC cũng tuyên bố sẽ tăng cường nỗ lực ổn định đồng tệ sau khi nó giảm xuống mức thấp nhất 15 năm. Cơ quan này cũng khẳng định tăng cường hỗ trợ nền kinh tế một cách rộng khắp hơn nhất là khi nhu cầu trong nước không mạnh.
PBoC đã thực hiện cách tiếp cận vừa phải với nới lỏng tiền tệ kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020. Cơ quan này hạn chế cắt giảm lãi suất nhưng thay vào đó là khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn. Họ cũng sử dụng nhiều công cụ cấu trúc hơn để đưa tín dụng vào các lĩnh vực mục tiêu của nền kinh tế, chẳng hạn như doanh nghiệp nhỏ.
Tham khảo: Bloomberg