Theo đó, các ngân hàng cơ bản đã công bố thông tin về lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, song một số nhà băng vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện việc công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác (nếu có).
Tổ chức tín dụng tự chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, kịp thời, chính xác của thông tin, số liệu công bố trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng; giải thích rõ ràng về nội dung thông tin, số liệu công bố; chủ động tiếp nhận, giải đáp và xử lý các vướng mắc từ khách hàng (nếu có).
Tổ chức tín dụng có trách nhiệm thường xuyên giám sát để đảm bảo thực hiện đúng các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Hiện lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,8-10,1%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4%/năm).
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 5/3/2024 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024. Công điện được ban hành trong bối cảnh mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng chưa tương xứng với mức giảm của mặt bằng lãi suất huy động; tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm giảm so với cuối năm 2023.
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại để có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất năm nay hiệu quả, khả thi, kịp thời hơn nữa.
Thủ tướng lưu ý, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm. Trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng nhà nước kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành chính sách tiền tệ và tăng trưởng tín dụng.