Ngân hàng “ngóng” M&A năm 2022

Khả Doanh | 00:30 04/01/2022

Dù đang hạn chế về nhiều mặt như "room" ngoại hẹp, nền kinh tế bị ảnh hưởng do đại dịch nhưng các nhà băng vẫn đang nỗ lực để có thể bán được vốn cho các nhà đầu tư ngoại.

Ngân hàng “ngóng” M&A năm 2022
Nhìn toàn cảnh, các nhà băng cũng đang bày tỏ sự quyết tâm để bán được vốn cho nhà đầu tư ngoại.

Cả năm 2021 vừa qua, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực tài chính ngân hàng khá sôi động ở phân khúc bán vốn các công ty tài chính. 

“Nhả” vốn công ty tài chính thuận lợi

Cuối tháng 10/2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chính thức hoàn tất thương vụ bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn.

Như vậy, sau 6 tháng kể từ khi VPBank và SMBCCF ký hợp đồng chuyển nhượng vốn vào tháng 4/2021, hai bên đã hoàn thành các bước và thủ tục cần thiết để SMBCCF chính thức nắm giữ 49% vốn điều lệ tại FE Credit. Đồng thời, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng sẽ được đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC.

VPBank vẫn nắm giữ 50% vốn điều lệ tại FE Credit, trong khi 1% vốn điều lệ còn lại thuộc về một nhà đầu tư khác.

Giao dịch này mang về cho ngân hàng gần 1,4 tỷ USD, trong đó khoảng 90% sẽ được thanh toán trong năm 2021. Với giá trị này, đây là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng. Thương vụ này sẽ góp phần đẩy lợi nhuận năm 2021 của VPB lên rất cao. 

Trước đó, hồi tháng 8/2021, SHB cũng đã ký kết thỏa thuận chuyển nhượng 50% vốn tại SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya của Thái Lan - thuộc tập đoàn MUFG (Nhật Bản) và sẽ tiếp tục bán nốt 50% còn lại sau 3 năm.

Thương vụ này ước tính khoảng 5,1 tỷ baht (155,77 triệu USD), tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng. 

Kế hoạch thoái vốn khỏi các công ty tài chính đã được các ngân hàng lên kế hoạch từ những năm trước, tuy nhiên phải đến năm 2021 mới có thành quả đáng chú ý, nhất là khi các thương vụ đều có mức giá ở mặt bằng cao hơn hẳn so với nhiều thương vụ bán vốn các năm trước đây. 

Ngân hàng vẫn kẹt “room”ngoại

Ngược lại với những sôi động của các công ty tài chính, việc mua bán cổ phần tại các nhà băng cho nhà đầu tư nước ngoài lại khá "lặng lẽ".

Mặc dù trong năm qua hoạt động mua bán cổ phần trong nước vẫn diễn ra trên sàn chứng khoán khiến thị trường đồn đoán nhóm nhà đầu tư này kia đang thâu tóm cổ phần nhà băng nhưng tuyệt nhiên bóng dáng nhà đầu tư ngoại vẫn chưa hề xuất hiện. 

Thực tế, không ít nhà băng muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại thế nhưng thực tế lại không hề dễ dàng, đặc biệt còn khó khăn hơn khi room ngoại ngân hàng hạn chế - một yếu tố cản trở sự thu hút nhà đầu tư ngoại muốn đi đường dài, còn nếu không khóa room, nhà đầu tư ngoại gom mua nhỏ lẻ trên sàn cũng làm giảm bớt cơ hội bán được lượng cổ phần lớn. 

Hồi hội chờ đợi cơ hội M&A năm 2022

Hút vốn ngoại gần như là câu chuyện sống còn trong cạnh tranh của các ngân hàng hiện tại trong khi room ngoại tối đa tại các ngân hàng thương mại là 30%.

Nhìn toàn cảnh, các nhà băng cũng đang bày tỏ sự quyết tâm để bán được vốn cho nhà đầu tư ngoại. 

Một số ngân hàng đã khóa luôn room ngoại như SHB, HDBank, VPB, BVB trong khi chờ được nới thêm.

Vừa qua, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho biết, HDBank là một trong số ít ngân hàng đang được xem xét nới giới hạn sở hữu nước ngoài lên 49% theo lộ trình quy định trong thỏa thuận thương mại EVFTA.

Nếu hoàn tất, các ngân hàng khác cũng sẽ dần được tháo gỡ rào cản về room, thu hút thêm nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, đẩy quá trình M&A trong lĩnh vực tài chính vào thời kỳ sôi động hơn bao giờ hết.

Mới đây, VPB cho biết, trong tháng 1/2022 này, ngân hàng sẽ chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 15% lên 17,5%. Sau khi điều chỉnh, VPB sẽ đủ tỷ lệ để phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài tối đa 15% sau khi phát hành. 

Động thái này đưa đến sự mong chờ về một thương vụ M&A mới trong lĩnh vực ngân hàng.

Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2020, ban lãnh đạo VPB cho biết ngân hàng có kế hoạch bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, dự kiến thực hiện trong nửa đầu 2022.

Một đánh giá của Maybank Kimeng cho rằng, kỳ vọng mức định giá cho thương vụ này ít nhất sẽ bằng với mức định giá của VPB khi IPO vào năm 2018, tương đương 2,2x P/B.

Lãnh đạo VPBank cũng đã khẳng định, năm 2022, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên tối thiểu 75.000 tỷ đồng.

Hay như phía lãnh đạo OCB, SCB cũng tiết lộ, ngân hàng đang trong quá trình đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài để bán cổ phần. 

Ở nhóm tài chính tiêu dùng, nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi thương vụ bán vốn đến từ nhà MSB. Trước đó MSB chia sẻ dự kiến vào cuối năm 2021 - đầu năm 2022 sẽ chốt việc bán 100% vốn tại Công ty Tài chính tiêu dùng cộng đồng (FCCOM) cho đối tác ngoại.

Trước đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thương vụ bán vốn ở FCCOM đã lỡ hẹn về với Hyundai Card. 

Xét về trung dài hạn, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục có tăng trưởng cao, kéo theo đó là thu nhập người dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao.

Do đó, tiềm năng của ngành tài chính tiêu dùng sẽ còn rất lớn, và đây có thể là lý do mà các ông lớn trong ngành tài chính thế giới liên tục tiến hành thâu tóm các công ty tài chính hàng đầu Việt Nam từ năm 2020 đến nay. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ngân hàng “ngóng” M&A năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO