Ngân hàng cấp tập lên kế hoạch tăng vốn đầu năm mới

Hoàng Kim | 10:11 13/01/2022

Trong những ngày đầu năm 2022, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã bắt đầu triển khai kế hoạch tăng vốn qua nhiều phương thức

Ngân hàng đầu tiên đưa ra phương án phát hành cụ thể đầu năm là Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB).

Cấp tập lên kế hoạch tăng vốn

Ngân hàng NCB đã lên phương án chào bán 150 triệu cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tổng giá trị vốn huy động 1.500 tỷ đồng. Hiện NCB đang được giao dịch trên thị trường đang gần chạm đến mốc 4x. 

Cổ đông đăng ký mua cổ phiếu từ ngày 7/2 đến hết ngày 28/2 với số lượng không giới hạn. 

Nếu chào bán thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên 5.600 tỷ đồng, theo đúng kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. 

Ngày 12/01, HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). 

Theo đó, OCB sẽ chào bán 5 triệu cổ phiếu ưu đãi cho cán bộ công nhân viên với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ phát hành là 0,365%. Số cổ phiếu ESOP này chịu hạn chế chuyển nhượng 4 năm kể từ ngày phát hành, sau mỗi năm được chuyển nhượng 25%.

Được biết, đợt phát hành này dự kiến sẽ thực hiện ngay trong quý 1/2022 khi được cơ quan quản lý chấp thuận. 

Cũng trong quý này, OCB sẽ chào bán thêm 882.341 cổ phiếu riêng lẻ cho Ngân hàng Aozora - cổ đông lớn nhất của OCB hiện tại khi đang sở hữu 15% cổ phần. 

Sau khi 2 đợt phát hành trên hoàn tất, vốn điều lệ của OCB sẽ đạt mức  13.757 tỷ đồng. 

Trước đó, ngày 31/12/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xác nhận hồ sơ phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - ABB).

Đây là phương án tăng vốn giai đoạn 2 sau khi hoàn tất việc tăng vốn giai đoạn 1 qua việc chào bán hơn 114.26 triệu cổ phiếu đưa vốn điều lệ tăng lên gần 6.970 tỷ đồng cuối năm 2021. 

Ở giai đoạn 2, ABBank sẽ tiến hành chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Nguồn sử dụng để phát hành cổ phiếu thưởng gồm 2.256 tỷ đồng được trích từ lợi nhuận chưa phân phối và 183,4 tỷ đồng trích từ Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Số cổ phần thưởng phát hành là hơn 243,9 triệu cổ phần phổ thông, tỷ lệ 35% trên số cổ phần sau tăng vốn giai đoạn 1.

Sau khi hoàn thành tăng vốn giai đoạn 2, vốn điều lệ ABBank dự kiến sẽ đạt gần 10.000 tỷ đồng theo phương án tăng vốn đã được Đại hội đồng Cổ đông ABBank thông qua và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận. 

Gia tăng nguồn lực cho thời kỳ phát triển mới

Sau giai đoạn 2015 - 2020 tập trung xử lý nợ xấu, cơ cấu lại sở hữu tại các ngân hàng đã đi vào ổn định, các nhà băng đang trong thời kỳ thay đổi mạnh chiến lược để tăng mức độ cạnh tranh trong ngành. Mỗi ngân hàng có một chiến lược phát triển và cần thiết tăng nguồn lực đầu tư để thu hút khách hàng. 

Hiện tại, các ngân hàng đều đã tự xây dựng khung quản trị rủi ro và ban hành các quy định về tỷ lệ an toàn vốn để đảm bảo tuân thủ các hạn mức Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Tuy tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống duy trì ở mức tích cực trong giai đoạn từ 2011-2021, vốn chủ sở hữu các ngân hàng mới chỉ tăng 9-10%, do đó nhu cầu gia tăng tiềm lực tài chính ở các NHTM là thiết yếu. 

Các ngân hàng buộc phải tăng vốn để đáp ứng quy định của Basel II và tương lai là Basel III với mức xét chặt chẽ hơn. Việc vốn chủ sở hữu mở rộng cũng nâng cao năng lực cung ứng tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước phục hồi sau dịch Covid- 19. 

Theo ước tính, năm 2021, khoảng 75% hoạt động tăng vốn đến từ chia tách cổ phiếu, 22% thông qua hoạt động phát hành riêng lẻ và phát hành quyền chọn mua cổ phiếu, 3% đến từ phát hành ESOP. Việc tăng vốn nhằm cải thiện các chỉ tiêu an toàn vốn, đạt được biên độ an toàn vốn lớn bên cạnh duy trì đà tăng trưởng.

Cùng với đó, chuyển đổi số, ngân hàng số cũng một mục tiêu lớn cần đạt được. Trong cùng ngành, các ngân hàng tiên phong về công nghệ đã áp dụng công nghệ ngân hàng tự động, eKYC, corebank mở … càng thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự ứng dụng công nghệ ở nhóm ngân hàng còn lại để thu hút khách hàng, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh, hoạt động tại các các phòng giao dịch bị hạn chế. Vậy nên không ít phần vốn gia tăng được các ngân hàng tập trung cho lĩnh vực này. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ngân hàng cấp tập lên kế hoạch tăng vốn đầu năm mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO