Theo dữ liệu của Bộ Năng lượng Nga mà Bloomberg có được, nước này bơm trung bình 1,285 triệu tấn dầu thô mỗi ngày trong tháng 3, tương đương 9,4 triệu thùng dầu mỗi ngày. Như vậy, so với sản lượng 10,1 triệu thùng dầu được bơm mỗi ngày vào tháng 2 thì sản lượng đã giảm 700.000 thùng. Nếu tính cả khí ngưng tụ, sản lượng giảm 740.000 thùng mỗi ngày.
Đầu tháng 3, Điện Kremlin tuyên bố hạn chế sản lượng dầu thô 500.000 thùng mỗi ngày từ tháng 3 đến tháng 12 để trả đũa lệnh áp trần giá dầu của phương Tây. Mức giảm tháng trước theo dữ liệu của Bộ Năng lượng đã cao hơn 40% mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, các ước tính khác cho thấy sản lượng dầu Nga tháng trước không suy giảm. Khi Nga hạn chế công bố các số liệu liên quan đến ngành dầu sau xung đột Ukraine, các nhà quan sát bắt đầu theo dõi hoạt động xuất khẩu trên biển và sản lượng chế biến của các nhà máy lọc dầu ở Nga để tính sản lượng dầu thô hàng tháng của nước này. Số liệu theo dõi của Bloomberg cho biết cả hai chỉ số đều không có dấu hiệu suy giảm trong tháng trước.
Nga phụ thuộc nhiều vào doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt. Năm ngoái, nước này thu về hơn 154 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 2 là 11,6 tỷ USD, giảm 2,7 tỷ USD so với tháng 1. Theo Bộ tài chính Nga, doanh thu tài chính của Moskva từ việc bán dầu chỉ bằng 45% so với cùng kỳ tháng 2/2022.
Hôm 2/4, Tổ chức OPEC+ đã đồng ý nâng sản lượng cắt giảm tự nguyện từ tháng 5 lên 1,6 triệu thùng mỗi ngày để ổn định thị trường toàn cầu. Giá dầu Brent sau đó phục hồi và hiện đang giao dịch quanh mức 85 USD mỗi thùng.
Theo Reuters, công ty Kaztransoil, nhà điều hành đường ống nhà nước Kazakhstan, có kế hoạch tăng nguồn cung dầu cho Đức thông qua đường ống Druzhba của Nga lên 100.000 tấn trong tháng này. Tuy nhiên, lượng cung hiện đang thiếu hụt so với kỳ vọng.
Berlin đã chuyển sang Kazakhstan như một nhà cung cấp dầu thay thế sau khi EU cấm gần như toàn bộ hoạt động nhập khẩu dầu thô từ Nga vào đầu tháng 12. Đức, Ba Lan, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc được phép tiếp tục nhận dầu qua đường ống Druzhba, nhưng Đức và Ba Lan đã chọn giảm quy mô nhập khẩu dầu thô của Nga nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.
Dầu Kazakhstan hấp dẫn Đức vì có thành phần tương tự như loại dầu Urals của Nga mà nước này sử dụng. Cơ sở hạ tầng đường ống Druzhba hiện tại cũng được coi là loại bỏ các vấn đề hậu cần bổ sung cho Berlin. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng Kazakhstan đang phải vật lộn để tìm đủ dầu đáp ứng các yêu cầu của châu Âu và có thể không đủ khả năng tăng sản lượng để thay thế các nguồn cung cấp từ Nga.
Dữ liệu từ Enterprise Singapore, Refinitiv, Vortexa và một nhà phân tích cho thấy khối lượng nhập khẩu dầu diesel của Singapore trong tháng 3 đạt 46.000 tấn (342.700 thùng) sau khi tàu chở dầu Stemnitsa cập cảng Singapore vào ngày 24/3 từ cảng Nadhodka của Nga và dỡ lô hàng duy nhất trong tháng.
Gần đây nhất, khối lượng dầu diesel của Nga nhập khẩu vào Singapore trong tháng 12/2021 đã đạt mức kỷ lục là 95.000 tấn, nhưng Singapore chỉ nhận được 20.000 tấn nhiên liệu công nghiệp này từ Nga vào năm 2022, theo dữ liệu của Refinitiv.
Theo dữ liệu, ít nhất một lô hàng 44.000 tấn dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cực thấp từ Kaliningrad cũng sẽ đến Singapore vào tháng 4, sau khi trung chuyển từ tàu này sang tàu khác.
Các thương nhân dự đoán rằng các chuyến hàng nhập khẩu dầu diesel của Nga vào Singapore sẽ không thường xuyên do loại dầu này đang cạnh tranh với nguồn cung từ khu vực có khoảng cách vận chuyển ngắn hơn.
Singapore không tham gia lệnh cấm vận của EU, nhưng một quan chức chính phủ nước này cho biết, các công ty trong nước sẽ cần phải xem xét và quản lý mọi tác động tiềm ẩn đối với hoạt động kinh doanh, giao dịch và quan hệ khách hàng khi giao dịch với dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga.
Singapore thường nhập khẩu dầu diesel từ Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc và xuất khẩu chủ yếu sang Malaysia, Việt Nam và Australia.
Tham khảo: Bloomberg, AFP