NCB với khoản nợ ngắn hạn 584 tỷ đồng của FLC

Lê Khanh | 16:05 30/03/2022

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, mã chứng khoán: NVB) là một trong những chủ nợ lớn của Công ty CP Tập đoàn FLC. Vậy “người của Sun Group” - bà Bùi Thị Thanh Hương (cựu Tổng Giám đốc Sun Group) vừa ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT NCB sẽ xử lý như thế nào khi Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt giam.

NCB với khoản nợ ngắn hạn 584 tỷ đồng của FLC
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của NCB tăng từ mức 1,51% thời điểm đầu năm lên 3% vào cuối 2021.

Tỷ lệ nợ xấu tăng cao

Theo báo cáo tài chính, NCB đang cho FLC của ông Trịnh Văn Quyết vay 584 tỷ đồng, đây là khoản vay ngắn hạn lớn nhất của FLC, có nghĩa là FLC phải trả nợ gấp cho NCB.

Hầu hết các khoản nợ của FLC tại các ngân hàng đều được thế chấp bằng bất động sản, các dự án hình thành trong tương lai.

Ngoài ra, FLC còn dùng 60 triệu cổ phiếu BAV của Bamboo Airways để làm tài sản đảm bảo cho một khoản vay tại NCB.

Đến thời điểm này có hai chủ nợ khác của FLC là Sacombank và OCB đã lên tiếng khẳng định các khoản nợ của FLC đang trong vùng an toàn với các nhà băng này. Còn NCB chưa lên tiếng dù là nhà băng có khoản tín dụng ngắn hạn lớn với FLC. 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của NCB, tính đến hết 2021, dư nợ cho vay khách hàng của NCB chỉ tăng 3% so với thời điểm đầu năm. Quy mô tiền gửi của khách hàng gồm cả cá nhân và tổ chức đều giảm mạnh gần 10%.

Tổng tài sản của NCB chỉ ở mức 73.700 tỷ đồng, giảm hơn 15.00 tỷ so với cuối năm trước.

Chất lượng tài sản của NCB cũng giảm mạnh khi nợ nhóm 2 tăng gấp 4,4 lần lên 3.155 tỷ đồng, nợ xấu nhóm 3 tăng gần gấp 10 lần lên 600 tỷ đồng, nợ xấu nhóm 4 tăng gấp đôi lên 180 tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của NCB tăng từ mức 1,51% thời điểm đầu năm lên 3% vào cuối 2021.

 Sun Group chính thức trở thành cổ đông của NCB

Ngày 21/3/2022, NCB chính thức có báo cáo kết quả đợt chào bán cổ phiếu từ 11/3 đến 14/3/2022.

Theo đó, NCB chào bán 150 triệu cổ phiếu NVB với tổng khối lượng vốn huy động dự kiến là 1.500 tỷ đồng.

Có 533 nhà đầu tư đã mua hơn 148,5 triệu cổ phiếu NVB. Trong đó, 515 nhà đầu tư trong nước mua vào 132,1 triệu cổ phiếu, 18 nhà đầu tư nước ngoài mua vào 17,9 triệu cổ phiếu.

Còn 1,47 triệu cổ phiếu còn lại không phân phối hết của đợt chào bán đã được phân phối lại cho hai nhà đầu tư tổ chức là Công ty Cổ phần Chứng khoán Everest (737,4 cổ phiếu) và Công ty TNHH Đầu tư Tập đoàn Mặt Trời (737,4 cổ phiếu).

Sau đợt chào bán nói trên, tỷ lệ sở hữu của Công ty TNHH Đầu tư Tập đoàn Mặt trời và người có liên quan tại NCB là hơn 827,7 nghìn cổ phiếu NVB, tương đương 0,15%.

Công ty TNHH Đầu tư Tập đoàn Mặt trời là một thành viên của Tập đoàn Sun Group.

Như vậy, sau kết quả của đợt chào bán cổ phiếu này của Ngân hàng NCB, thành viên Sun Group đã chính thức góp mặt trong danh sách cổ đông của nhà băng này.

Việc thành viên Sun Group trở thành cổ đông của của NCB đã được dự đoán từ trước. Hồi tháng 7/2021, HĐQT Ngân hàng NCB đã bầu bà Bùi Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc tại Sun Group, nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT NCB.

sun-group-va-ncb-ky-ket-thoa-t-9580-8170-1634264121.jpg
Sun Group và NCB ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện.

Sau đó, vào tháng 10/2021, Sun Group và NCB đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện.

Như vậy, với việc nắm giữ cổ phần tại NCB, "Người của Sun Group" đang là Chủ tịch NCB sẽ phải đối diện với nỗi lo về khoản nợ của FLC khi mà Chủ tịch HĐQT FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt giam.

Đáng nói là FLC đang mang trong mình khoản nợ ngắn hạn khá lớn. Cụ thể theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021, tính đến cuối tháng 12/2021, Tập đoàn FLC có gần 24.065 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm hơn 71% tổng nguồn vốn, trong đó nợ ngắn hạn chiếm tới 66%.

Bài liên quan

(0) Bình luận
NCB với khoản nợ ngắn hạn 584 tỷ đồng của FLC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO