Napoleon Hill: Cái kết thảm cho cuộc đời 1 kẻ lừa đảo từ thiện, qua đời trong đơn độc và nghèo khó

Băng Băng | 09:23 23/02/2023

Napoleon Hill có là là một trong những kẻ tiên phong trong mảng lừa đảo từ thiện, và cái tên Thomas Edison cũng bị vạ lây chỉ vì một tấm hình chụp chung.

Napoleon Hill: Cái kết thảm cho cuộc đời 1 kẻ lừa đảo từ thiện, qua đời trong đơn độc và nghèo khó

Cố vấn Tổng thống?

Sau khoảng thời gian làm giáo viên luật, Hill bỏ việc và lại một lần nữa mở trường George Washington Institute vào năm 1915, chuyên dạy học cách làm giàu và sự tự tin vào bản thân. Rút kinh nghiệm từ lần trước, Hill đã lừa đảo theo kiểu khác chặt chẽ hơn.

Tạp chí Postage mô tả trường học của Hill như một công ty cổ phần khi nhà sáng lập đính giá chúng 100.000 USD, chia thành 10.000 cổ phiếu. Ông Hill giữ 51% cổ phần và bán số còn lại cho sinh viên với giá 10 USD/cổ. Tuy nhiên mác công ty được Hill định giá 100.000 USD hoàn toàn chẳng có giá trị gì.

Tháng 3/1918, các cơ quan chức năng bắt đầu vào cuộc điều tra ngôi trường của Hill với tội danh lừa đảo tài chính. Tờ Chicago Daily Tribune đăng tải báo cáo điều tra cho thấy ngôi trường của Hill chỉ có vài cái bàn, ghế, máy in cùng một số thứ đồ linh tinh khác trị giá khoảng 1.200 USD.

Tuy nhiên đây mới chỉ là một cách kiếm tiền của Hill khi ông còn lừa học phí của sinh viên. Cụ thể, Hill đã thành lập nên quỹ First National Trust Association và mời gọi sinh viên vay tiền từ họ để đóng học phí với lãi suất 5%.

Tài liệu nói về vụ lừa đảo của Napoleon Hill tại George Washington Institute

Như vậy là các sinh viên sẽ vay tiền từ chính tiền học phí họ đóng cho Hill để đóng lại cho ông, sau đó hoàn trả lại số nợ này cộng thêm 5% lãi suất.

Tháng 6/1918, lệnh bắt Hill được Tòa án ký và ông bị truy tố. Hiện chưa rõ Hill đã giải quyết vụ việc thế nào và có hoàn tiền cho sinh viên không nhưng từ những cuộc lừa đảo tiếp theo trong các năm sau, chứng tỏ Hill đã bằng cách nào đó thoát tội.

Bất chấp thực tế trên, cuốn hồi ký của Hill nhớ về những năm tháng cuối Thế chiến I rất khác. Vị tác giả này cho biết mình đã được mời làm cố vấn cho Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson để giúp chấm dứt chiến tranh. Ông Hill cho biết mình nhận lời đề nghị này mà không lấy một đồng nào, làm việc chỉ vì lòng yêu nước.

Hài hước thay là trong tình trạng gần như phá sản, Hill lại đi làm không công vì lòng yêu nước, trong khi ngài Tổng thống còn chẳng biết chuyên ngành của Hill là gì.

Theo điều tra của Novak, câu chuyện cố vấn này cũng là trí tưởng tượng bởi không có một dữ liệu nào ghi lại việc Tổng thống Wilson bổ nhiệm Hill làm cố vấn.

Lừa đảo từ thiện 

Sau khi trường George Washington Institute đổ bể, Hill sáng lập nên tờ tạp chí Hill’s Golden Rule chuyên giúp các công ty lừa nhà đầu tư. Tháng 10/1919, Ủy ban thương mại liên bang Mỹ đã phạt tờ báo của Hill về tội lừa đảo quảng cáo.

Thế rồi Hill lại một lần nữa mở trường Intra Wall Correspondence School năm 1922 với mục tiêu kêu gọi quyên góp để giáo dục các tù nhân trong trại giam Ohio, qua đó giúp họ tái hòa nhập cộng đồng dễ hơn. Thế nhưng ngôi trường này chỉ là một bình phong để Hill lừa đảo tiền từ thiện, chào bán tạp chí của mình cũng như các khóa học làm giàu khác.

Tờ Mansfield News tại Ohio vào ngày 21/12/1923 đã ghi lại rằng Hill dễ dàng kiếm được 1,000 USD, tương đương 14.000 USD theo tỷ giá hiện nay, chỉ bằng một chuyến đi kêu gọi từ thiện. Ông thường nhắm đến các nhà thờ và người theo đạo, đồng thời không ở quá lâu tại mỗi thị trấn để kêu gọi quyên góp.

Dĩ nhiên, chẳng có đồng nào được chuyển cho nhà tù bang Ohio cả. Trả lời tờ mansfield năm 1923, quản lý nhà tù P.E.Thomas cho biết họ chưa bao giờ nhận được một xu nào từ Hill.

Tuy nhiên lần này Hill đã học khôn khi để một kẻ nhiều tiền án là Butler R Storke làm hiệu trưởng trường Intra, bởi vậy khi vụ việc vỡ lở, chính Storke phải quay lại nhà tù chứ chẳng ảnh hưởng gì đến Hill.

Thomas Edison

Một trong những bức hình hiếm hoi mà Hill có được với người nổi tiếng là Thomas Edison. Tờ Specialty Salesman Magazine vào năm 1923 đã mô tả cuộc gặp này khá bình thường khi Hill tự nhận là chủ biên tạp chí muốn trao huy chương cho Edison vì những đóng góp của ông. Tất nhiên nhà phát minh đồng ý, ngay cả với việc chụp ảnh chung.

Thế nhưng những gì Hill chú thích về tấm ảnh lại khác xa thực tế: “Hai người Mỹ nổi tiếng - Thomas A.Edison (trái) và Napoleon Hill (phải). Ông Edison là nhà phát minh của máy ghi âm, đèn điện, ảnh động và nhiều nhiều thứ khác nữa phục vụ cho nhân loại. Ông Hill là chủ bút của tạp chí Napoleon Hill và tờ The New Philistine. Ông tin tưởng vào Quy Luật Vàng (Golden Rule), quy luật của mọi hành vi ứng xử của con người. Edison sinh ra trong một gia đình nghèo và bắt đầu sự nghiệp như một cậu bé rao báo trên tàu. Hill bắt đầu sự nghiệp làm việc trong một mỏ than. Cả hai đều đã đạt được đỉnh cao danh vọng nhờ những nỗ lực tự thân."

Sau khi nhận được huy chương, Edison quyết định trả lại nó cho Hill mà không có lời bình luận nào thêm.

Trên thực tế, hầu hết những nhân vật mà Hill nói rằng mình đã gặp, ngoài Thomas Edison ra thì chẳng có bằng chứng nào cả. Phía Hill cho biết ông có nhiều giấy tờ, ảnh chụp để chứng minh nhưng chúng đã cháy rụi trong một vụ hỏa hoạn giữa thập niên 1920.

Self Help

Vào đầu năm 1928, Hill đánh hơi được cơ hội kiếm tiền từ mảng xuất bản sách tự phát triển bản thân (Self Help) cũng như bí quyết làm giàu. Đây là giai đoạn kinh tế Mỹ bắt đầu lâm vào cuộc Đại suy thoái thập niên 1930 và tất nhiên ai cũng muốn quên đi nỗi đau thực tại để học về cách làm giàu.

Nhờ nhà vợ giàu có mà Hill vay tiền viết cuốn “Law of Success”. Vì đã phá sản nên Hill phải đi mượn tiền của anh rể để may một bộ vest tử tế, thuê phòng khách sạn hạng sang ở Philadelphia nhằm tạo ấn tượng cho nhà xuất bản Andrew Pelton trong việc đồng ý xuất bản cuốn sách. Mỗi lần gặp mặt Pelton là Hill lại vung tiền boa khắp khách sạn, từ cậu bé sách hành lý cho đến nhân viên lễ tân để chứng tỏ sự “thành công” của bản thân.

Cuối cùng Pelton cũng đồng ý và cuốn sách bán chạy vì hợp thị hiếu người đọc, dù chính Pelton cũng phải thừa nhận chúng không thực sự là một cuốn sách hay.

Đầu năm 1929, nhờ tiền bán sách mà mỗi tháng Hill kiếm được khoảng 2.500 USD, tương đương 35.000 USD hiện nay. Tuy nhiên số tiền này chẳng là gì so với lối sống xa hoa, mong chứng tỏ độ thành công của mình trong giới thượng lưu của Hill.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, Hill đưa người vợ Florence cùng các con về một căn hộ hạng sang ở New York sinh sống. Tuy nhiên cuộc Đại suy thoái 1930 đã tác động đến Hill khi ông chẳng làm ăn gì ngoài tiền bán sách.

Giữa thập niên 1930, bà vợ Florence cùng các con lại một lần nữa phải dọn về nhà mẹ đẻ khi Hill bán căn hộ sang trọng đi trả nợ. Cuốn “The Magic Ladder to Success” mà Hill trông chờ để vực lại sự nghiệp chẳng thể xuất bản và ông chính thức phá sản, quay lại đời ăn bám nhà vợ.

Think and Grow Rich

Sau thất bại này, Hill tiếp tục mở một tờ tạp chí mới mang tên Inspiration Magazine để đi lừa đảo. Năm 1933, Hill tự hào tuyên bố chính quyền Tổng thống Mỹ Franklin D Roosevelt đã tiếp cận mình để mời làm cố vấn khôi phục lại nền kinh tế Mỹ. Tất nhiên, câu chuyện này lại là bịa đặt khi Hill phá sản, ăn bám nhà vợ trong khi Novak chẳng tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho sự kiện trên.

Năm 1935, gia đình nhà vợ Florence chịu hết nổi với người con rể ăn bám nên đã yêu cầu ly hôn.

Năm 1936, Hill đi bước nữa với một người phụ nữ mang tên Rosa Lee Beeland. Vì không có tiền nên cặp đôi đã chuyển đến căn hộ nhỏ của người con của Hill, ông Blair, đứa duy nhất còn nói chuyện với người cha lừa đảo này trong số những người con.

Chính Beeland là người phụ nữ đã trau chuốt lại từ ngữ và ý tưởng cho Hill để viết lên cuốn sách, sau đó một lần nữa lại giới thiệu đến nhà xuất bản Pelton. Ban đầu Pelton ngần ngại vì đang suy thoái kinh tế, tiền ăn còn chẳng đủ nữa là mua sách.

Thế nhưng khi được xuất bản vào năm 1937, “Think and Grow Rich” lại gây sốt bởi người dân đang tuyệt vọng vào cuộc sống và họ rất thích những ấn phẩm cổ vũ rằng mọi sự rồi sẽ tốt lên. Vậy là cuốn sách như một thứ gây nghiện, khiến mọi người quên đi cái đói vì tin rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn, giúp họ suy nghĩ tích cực, tiếp tục làm việc chăm chỉ.

Dù thu được lợi nhuận lớn từ cuốn sách nhưng Hill lại chuyển hết tiền bản quyền đứng tên cho bà Beeland nhằm tránh phải thanh toán bất kỳ nghĩa vụ tài chính nào với chủ nợ hay người vợ cũ cùng các con.

Sau khi có được khoản tiền lớn, Hill và vợ mới bắt đầu sống hoang phí cho xe sang, trang sức, quần áo...và nhanh chóng trở lại giai đoạn gần như phá sản vào năm 1939.

Mệt mỏi vì người chồng vô dụng, bà Beeland quyết định ly dị Hill. Trong lúc ông chồng đi vắng, bà đã bán sạch tài sản, kể cả chiếc xe mà Hill yêu quý, và không để lại cho ông bất cứ thứ gì. Bà thuê một thám tử tư theo dõi chồng để lấy bằng chứng cáo buộc ông ngoại tình, đồng thời sau này cưới chính người luật sư đã bào chữa vụ ly dị này.

Hồi ức huy hoàng

Sau khi bị vợ bỏ, Hill quay lại nhà vợ cũ Florence và xin được làm bất cứ thứ gì để có được vài đồng sống qua ngày nhưng bị từ chối.

Năm 1941, Hill xuất bản cuốn “Mental Dynamite” nhưng không ai thèm đoái hoài.

Năm 1943, Hill cưới người vợ thứ 5 mang tên Annie Lou Norman khi người phụ nữ này có một khối bất động sản dù nhỏ nhưng nguồn thu nhập khá ổn định. Trước năm 1952, Hill tiếp tục công cuộc đi diễn thuyết và rao giảng kiếm tiền, bán những tư tưởng tích cực, vốn là thứ ông vẫn làm nhiều năm nay.

Tháng 1/1952, Hill thực hiện phi vụ lừa đảo cuối cùng ở Missouri khi tiếp cận doanh nhân W.C.Robinson để thuyết phục ông bán khóa học kéo dài 2 tháng cho cả một thị trấn nhỏ. Năm 1955, Hill ở tuổi 71 đã quá mệt mỏi khi phải đi khắp nơi rao giảng kiếm tiền. Ông bắt đầu quay lại con đường kêu gọi từ thiện mà mình đã từng dùng làm công cụ lừa đảo. Tuy nhiên lần này là để duy trì danh vọng ở cuối đời.

Năm 1963, Quỹ Napoleon Hill được thành lập khi mà người dân Mỹ hầu như chẳng còn nhớ ông là ai, nhưng chính quỹ này đã giúp duy trì tên tuổi cũng như bán sách của Hill khi ông qua đời.

Ngày 8/11/1970, Napoleon Hill qua đời tại South Carolina và người vợ Annie Lou của ông bắt đầu hành chính đấu tranh pháp lý với Quỹ của chính chồng mình nhằm giành bản quyền bán sách. Mọi chuyện chỉ ngã ngũ vào đầu thập niên 1980.

*Nguồn: Gizmodo


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Napoleon Hill: Cái kết thảm cho cuộc đời 1 kẻ lừa đảo từ thiện, qua đời trong đơn độc và nghèo khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO