Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), đồng USD năm 2022 đã có cú tăng trưởng chóng mặt khiến nhiều nền kinh tế gặp khó. Giờ đây một số chuyên gia cho rằng đà tăng của đồng tiền này sẽ chấm dứt trong năm 2023.
Chỉ số WSJ Dollar Index đo lường đồng USD với 16 đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới cho thấy tính đến ngày 28/12/2022, đồng USD đã tăng 8,9% từ đầu năm, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2014. Đồng tiền này đã đạt đỉnh vào cuối tháng 9/2022 và là mức cao nhất kể từ năm 2001.
Tuy nhiên kể từ mức đỉnh tháng 9, đồng USD đã mất gần một nửa đà tăng của mình khi các nhà đầu tư đều kỳ vọng lạm phát tại Mỹ sẽ suy giảm sau những động thái tăng lãi suất liên tục của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Lên đỉnh
Tờ WSJ nhận định nhiều nhà đầu tư đang theo dõi sát sao diễn biến của đồng USD trong năm 2023. Một số chuyên gia thì cho rằng đồng tiền này đã bị tăng giá quá đà và có khả năng sẽ đi xuống trong năm tới. Trong 9 tháng qua, FED đã nâng lãi suất 4 lần nhằm chống lạm phát và giá trị của đồng USD đang chịu tác động mạnh từ động thái này.
Nhiều chuyên gia cho rằng với những tác động mạnh mẽ từ FED, lạm phát của Mỹ sẽ được kiềm chế và giá đồng USD sẽ dần trở lại mức bình thường. Tuy nhiên những người bất đồng ý kiến thì cho rằng FED nâng lãi suất sẽ thúc đẩy đồng USD tăng giá do nhiều nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn hơn vì nỗi lo khủng hoảng kinh tế.
Trong năm 2022, đồng USD đã san bằng giá trị với đồng Euro vào tháng 7, trong khi đồng Bảng Anh đã xuống mức thấp nhất hơn 200 năm qua vào tháng 9. Đồng Yên Nhật cũng xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 1990.
Thế nhưng kể từ mức đỉnh ngày 27/9/2022 tới nay, một loạt các đồng tiền chủ chốt đã tăng giá trở lại, báo hiệu niềm tin của nhà đầu tư với đồng USD trong năm 2023 sẽ “yếu” bớt.
CEO Stephen Jen của Eurizon SLJ Capital nhận định đồng USD đã đạt đỉnh và sẽ giảm giá 10-15% trong năm tới so với các đồng tiền chủ chốt khác do lạm phát tại Mỹ đã được kiềm chế. Thêm nữa, nhà đầu tư Mỹ cũng bắt đầu lo ngại về nền kinh tế số 1 thế giới khi tỷ lệ nợ công đang quá cao do các gói hỗ trợ hậu dịch liên tục được tung ra. Điều này đặc biệt rủi ro trong bối cảnh lãi suất liên tục được nâng lên.
Đồng quan điểm, chuyên gia Steve Englander của Standard Chartered nhận định đồng USD sẽ yếu đi trong năm 2023 khi các nền kinh tế dần hồi phục. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại được cho là sẽ thúc đẩy nền kinh tế trong nước lẫn các thị trường nước ngoài khác. Trong khi đó, nỗi lo năng lượng tại Châu Âu sẽ dần trôi qua khi mùa đông chuyển dần sang xuân.
“Trong quý I/2023, nền kinh tế thế giới sẽ trở nên rõ ràng hơn với một bức tranh tươi sáng. Tuy nhiên đồng USD có thể sẽ có những biến động trước khi tình hình kinh tế trở nên thực sự trong sáng, qua đó đưa đồng tiền này về với giá trị thực”, ông Englander nhận định.
Trái lại, phía JP Morgan Chase thì cho rằng đồng USD sẽ còn tăng 5% trong năm tới so với các đồng tiền chủ chốt khác. Nguyên nhân chính là nhu cầu với đồng tiền này trên thế giới sẽ gia tăng khi các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ, nỗi lo về khủng hoảng kinh tế gia tăng và nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn.
Quá khỏe
Đồng USD tăng giá quá mạnh là yếu tố khiến nhiều chuyên gia lo lắng trong năm vừa qua bởi đây là tiền tệ được dùng giao dịch chính cho nhiều loại hàng hóa cũng như dịch vụ quốc tế. Đà tăng này đã khiến nhiều mặt hàng then chốt như lương thực, năng lượng đi lên, qua đó gián tiếp thúc đẩy lạm phát ở những quốc gia khác và ảnh hưởng đến việc kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sức mua của người dân.
Tại một số nước như Sri Lanka, tình hình thậm chí trở nên tồi tệ khi chính phủ không còn đủ đồng USD để thanh toán các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu như năng lượng hay lương thực.
Ngoài ra, đồng USD tăng kèm việc FED nâng lãi suất đã thúc đẩy quả bom nợ ở nhiều nước, nhất là những thị trường mới nổi có vay nợ quá nhiều bằng ngoại tệ. Ví dụ như Ghana đã phải tái cấu trúc lại các khoản nợ của mình trong tháng 11/2022 khi đồng nội tệ mất giá đã khiến các khoản tín dụng bằng ngoại tệ của nước này trở nên quá đắt đỏ để thanh toán.
“Nếu FED ngừng tăng lãi suất và đồng USD giảm giá thì đây sẽ là tín hiệu đáng mừng cho những nước nghèo. Tuy nhiên nếu điều này không xảy ra thì năm 2023 sẽ là một năm thực sự khó khăn”, giáo sư Eswar Prasad của trường đại học Cornell University cảnh báo.
*Nguồn: WSJ