Ở đảo Hải Nam, người ta không cần lo lắng về phạm vi hoạt động của những chiếc xe điện.
Với hơn 75.000 điểm sạc, chủ sở hữu xe điện ở các khu đô thị của hòn đảo nhiệt đới miền Nam Trung Quốc này chỉ cần di chuyển khoảng 1-2 dặm là có một điểm để sạc cho chiếc xe của họ.
Mạng lưới trạm sạc đáng mơ ước này là một phần trong kế hoạch của chính quyền nhằm chấm dứt việc bán ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030 và đưa xe điện, xe hybrid chiếm 45% lượng xe tại đảo - nơi đầu tiên và duy nhất tại Trung Quốc đặt ra mục tiêu này. Thành công của đảo Hải Nam có thể cung cấp 1 kế hoạch chi tiết để Trung Quốc tiếp tục áp dụng cho các địa phương khác cho một tương lai hoàn toàn bằng xe điện.
Hải Nam có những lợi thế nhất định để phát triển xe điện. Nó có diện tích bằng với nước Bỉ, nghĩa là hầu hết trong số 10 triệu dân tại đây chỉ thực hiện các chuyến đi ngắn. Khí hậu ôn hòa giúp kéo dài tuổi thọ pin, không giống Bắc Kinh – nơi nhiệt độ có thể xuống dưới 0 độ. Chính quyền khu vực cũng đã rót hàng chục triệu nhân dân tệ để trợ cấp mua xe điện.
Tất cả điều này thúc đẩy Hải Nam trở thành tỉnh có tỷ lệ sử dụng ô tô “xanh” cao thứ 2 cả nước vào năm ngoái, chiếm 42% doanh số ô tô mới – chỉ sau trung tâm tài chính giàu có là Thượng Hải. Tất cả taxi và xe bus tại Hải Nam đều chạy bằng điện.
Zhang Haotian, nhân viên bán hàng cho thương hiệu xe điện cao cấp của Zeekr cho biết: “Mục tiêu chắc chắn sẽ đạt được. Sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền, quy mô và thời tiết của hòn đảo là những yếu tố hoàn hảo để hỗ trợ hòn đảo này dẫn đầu đất nước về việc sử dụng xe điện”.
Tại Hải Khẩu, thủ phủ của Hải Nam, hầu như mỗi khu nhà đều có một điểm sạc xe điện. Công nghệ pin mới cũng đang được triển khai với việc Nio ra mắt trạm đổi pin mới tại Hải Khẩu. Trạm này có thể thay thế pin trong vòng chưa đầy 5 phút. Họ có kế hoạch xây dựng thêm 1.000 trạm đổi pin và 10.000 bộ sạc.
Chen Yeren, cư dân tại Hải Nam, lần đầu biết đến BYD khi anh được mời làm việc tại một đại lý bán xe sau khi tốt nghiệp vào năm 2018. Trong 2 năm đầu, anh lái một chiếc xe xăng và thực sự do dự về việc liệu EV có phải lựa chọn an toàn hay không. Cuối cùng anh quyết định chuyển đổi vào năm 2020 khi mua một chiếc BYD Han.
Tại nơi làm việc, anh nói rằng không cần thuyết phục quá nhiều để khách hàng đồng ý mua xe điện và nhiều người đến đại lý nói rằng họ cảm thấy áp lực khi bạn bè liên tục từ bỏ xe xăng. “Tôi không nghĩ mục tiêu 2030 của chính quyền gây áp lực cho họ. Người tiêu dùng ở đây chỉ coi xe điện là một lựa chọn tốt hơn khi họ cần mua 1 chiếc xe mới”.
Bắc Kinh coi Hải Nam là hình mẫu để phát triển ngành công nghiệp EV trên toàn quốc và các quan chức của Hải Nam được các tỉnh khách mời chia sẻ kinh nghiệm liên tục trong những tháng gần đây. Thách thức tiếp theo sẽ là chuyển đổi các phương tiện thương mại sang xe điện, bởi chi phí tiết kiệm được không cao như xe du lịch do sạc xe tải và các phương tiện hạng nặng khác đắt đỏ hơn.
Trung Quốc vẫn chưa cấm ô tô chạy xăng. Theo Yale Zhang, CEO của công ty tư vấn Automotive Foresight, không phải địa phương nào cũng có điều kiện lý tưởng như Hải Nam. Mặc dù vậy, các khu vực khác và quốc gia khác cũng đang tăng tốc trong việc loại bỏ ô tô chạy xăng.
Na Uy, quốc gia có 5,5 triệu dân, đang trên đà cấm bán ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2025 khi xe điện đã chiếm hơn 83% doanh số ô tô mới vào tháng 4. Vương quốc Anh cho biết sẽ ngừng bán ô tô và xe tải chạy bằng xăng và dầu diesel mới vào năm 2030 trong khi Canada và 7 bang của Mỹ đã đặt ra thời hạn cuối cùng là năm 2035.
Một lợi điểm khác của Hải Nam nói riêng và Trung Quốc nói chung là giá trung bình của một chiếc xe điện tại đây thấp hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới. “khả năng chi trả cho xe điện là một vấn đề lớn tại châu Âu và Mỹ nhưng ở Trung Quốc, đó không còn là rào cản nữa”, James Chao – Giám đốc chiến lược của công ty tư vấn Iscann Group cho biết. “Điều này giúp họ dễ dàng đạt mục tiêu dừng bán xe xăng hơn so với các khu vực khác”.