Mới đây, Công ty Phúc Sinh Sơn La vừa làm lễ khai trương dây chuyền sản xuất trà Cascara với công suất 1 tấn trà thành phẩm/ngày. Dây truyền Blue Sơn La Cascara gồm có: hệ thống rửa quả tiêu chuẩn (tách vỏ, sấy khử UV); hệ thống sấy lạnh đa chức; hệ thống đóng gói tự động có thể ra các sản phẩm túi lọc vuông, túi lọc tam giác; chỉ sử dụng 3 công nhân làm việc.
Dây chuyền này nằm trong nhà máy có diện tích 4ha, với tổng đầu tư 100 tỷ đồng và được vận hành bởi 65 nhân công. Không phải bây giờ Phúc Sinh mới sản xuất trà Cascara, trước đây họ cũng đã có sản phẩm bán ra thị trường, nhưng với quy mô nhỏ; bây giờ mới đầu tư quy mô lớn.
Ở Việt Nam, trà Cascara chưa được nhiều người biết đến, nhưng ở châu Âu hay châu Mỹ, đây là một thức uống phổ biến ở nhiều nước.
Lịch sử cà phê xuất phát từ những năm 1671, khi những người chăn dê ở Kaffa (Ethiopia ngày nay) để ý thấy rằng: những con dê sau khi ăn một loại cây có hoa trắng, quả đỏ đã chạy nhảy đến hơn nửa đêm mà không mệt mỏi. Vậy nên, người dân ở đây đã dùng thức quả này để làm thực phẩm cho những chuyến đi băng qua sa mạc đến Yemen.
Khi di chuyển trên sa mạc, lúc thức ăn đã cạn, họ phát hiện ra những trái cà phê khô vẫn có thể ăn được, khi pha với nước cho vị chua thanh nhẹ. Người Yemen gọi chúng là qishr (qishr là một loại đồ uống nóng truyền thống và người Yemen pha nó bằng cách thêm vỏ cà phê khô và các loại gia vị khác như gừng và quế).
Còn tại Ethiopia, trà Cascara được gọi là Geshir và tên Sultana tại vùng Bolivia và sau này cả hai đều gọi chung là Cascara cho thức uống này. Qua nhiều năm lịch sử với hương vị phong phú, nhẹ nhàng thanh mát, Trà Cascara được coi như một thức uống tăng lực từ thiên nhiên.
Ngoài ra, trà Cascara là một loại trà có thể mang lại rất nhiều công dụng, như giúp chúng ta giữ được cân nặng hợp lý, tiêu hoá tốt, có nhiều chất chống oxy hoá khiến cho làn da của người sử dụng được mịn màng.
“Trà Cascara đã được các nước Nam Mỹ sử dụng khoảng 50 năm và nước Mỹ đã bán trong nội địa từ rất lâu. Những năm gần đây, có thêm rất nhiều nước trên thế giới ưa chuộng trà Cascara. Tại châu Âu, người tiêu dùng sẵn sàng mua trà Cascara với giá gần gấp đôi so với cà phê Wash Arabica.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể thấy rằng: gần như 100% vỏ quả cà phê được phân hủy thông qua làm phân bón hoặc vật liệu đốt và chúng ta phải đối mặt rất nhiều trong vấn đề ô nhiễm do vỏ quả cà phê mang lại.
Tuy nhiên, với dây truyền trà Cascara của chúng tôi kết hợp với quy trình chế biến Wash Arabica, thay vì bỏ vỏ cà phê đi, chúng ta lại có một loại trà đặc biệt và đem lại giá trị dinh dưỡng cũng như kinh tế rất cao. Chúng tôi rất tự hào đóng góp vào một hệ sinh thái tuần hoàn và môi trường xanh như vậy”, ông Phan Minh Thông – CEO Phúc Sinh nêu lý do vì sao họ lại dấn thân sâu vào mảng kinh doanh này.
Tại Việt Nam, trà Cascara còn rất mới mẻ và Phúc Sinh là công ty đầu tiên khai thác sản phẩm này trên quy mô lớn, với dây chuyền từ Colombia – đã có thương hiệu trên toàn thế giới. Ngoài nhà máy trà Cascara, thì Phúc Sinh cũng là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam có nhà máy sản xuất tiêu sấy lạnh. 40% lượng tiêu thụ nước sốt tiêu cho món thịt bò trong gia đình trên toàn thế giới là từ nhà máy của Phúc Sinh cung cấp.
Chia sẻ cụ thể hơn về quá trình đầu tư, ông Vũ Việt Thắng - Tổng giám đốc công ty CP Phúc Sinh Sơn La, cho hay: trước khi nhảy vào thị trường này, câu hỏi đặt ra cho DN này là “phải làm sao để trà Cascara của Phúc Sinh – Việt Nam có chất lượng tốt nhất và ngon nhất để cạnh tranh được với các sản phẩm đến từ Brazil, Colombia trên trường quốc tế?
“Rất may là ngày nay công nghệ và kỹ thuật đã có thể giải được bài toán nói trên. Cụ thể: chúng tôi đã tìm kiếm và hợp tác cùng 4 nhà cung cấp để đặt hàng và biến nó thành một dây chuyền đồng bộ, mô phỏng cách làm trà thủ công nhưng với năng suất cao, đặc biệt đảm bảo chất lượng và sự ổn định giữa các lô trà làm ra”, ông Vũ Việt Thắng chia sẻ thêm.
Về nguyên liệu đầu vào: Phúc Sinh có nguồn quả chín đỏ từ các vườn cà phê kiểu mẫu/cà phê đặc sản từ 22 nông dân tại bản Tường Chung và Bản Củ - huyện Mai Sơn – tỉnh Sơn La. Từng quả cà phê được các nông hộ chăm sóc và thu hái theo quy trình nghiêm ngặt nhất rồi mới đưa vào sản xuất trà Cascara.
Đây cũng là những vườn cà phê nằm trong dự án cà phê bền vững Rainforest Alliance, vùng cà phê công nghệ cao của tỉnh Sơn La. Tức là, dây chuyền sản xuất Cascara mới này của Phúc Sinh Sơn La cùng lúc đạt 3 tiêu chuẩn vùng nguyên liệu bền vững và BRC Food 9 (tiêu chuẩn chất lượng của hiệp hội Anh Quốc dành cho thực phẩm).
Hiện Phúc Sinh đang xuất khẩu 99% sản lượng trà Cascara của mình đến các nước rất ưa chuộng thức uống này trên thế giới như Ý, Pháp và các nước châu Âu khác.