“Mùa đông gọi vốn” nên được xem là thời gian bắt buộc mà startup phải đi qua để trưởng thành

Tri Túc | 14:37 19/09/2022

Kinh tế Việt Nam phát triển nhanh sinh ra nhiều "điểm đau" – đây chính là cơ hội cho các startup.

“Mùa đông gọi vốn” nên được xem là thời gian bắt buộc mà startup phải đi qua để trưởng thành

Năm 2021 có thể được xem là năm thành công của làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam, khi thị trường liên tục chứng kiến nhiều thương vụ gọi vốn lên đến hàng chục, hàng trăm triệu USD. Bức tranh lạc quan tiếp tục được duy trì sang quý 1/2022, bất chấp hậu Covid-19.

Dù vậy, áp lực lạm phát, suy thoái sau quá trình “tổn thương” bởi đại dịch khiến nguồn vốn đầu tư vào các startup có chiều hướng đi xuống. Quý 2/2022, thị trường chứng kiến nhiều hơn các trường hợp startup phải dừng hoạt động vì không có đủ nguồn vốn để tồn tại.

Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh “mùa đông gọi vốn” đang đến và được dự báo sẽ kéo dài ít nhất 2 năm, đây là lúc để startup tìm cách dựa vào chính mình thay vì nguồn vốn mạo hiểm bên ngoài.

“Mùa đông gọi vốn” - Nên được xem như là một khoảng thời gian bắt buộc mà startup phải đi qua

Dưới quan điểm của VinaCapital Ventures, thời kỳ khó khăn về gọi vốn nên được xem như là một khoảng thời gian bắt buộc các công ty startup phải tập trung cải thiện, tăng hiệu quả của quản lý nội bộ để có thể hoạt động vượt qua thời kỳ khó khăn này.

“Sẽ có một vài khó khăn đối với dòng vốn đầu tư mạo hiểm từ nước ngoài trong thời kỳ này chẳng hạn như các nhà đầu tư nước ngoài sẽ kéo dài giai đoạn tìm hiểu, đánh giá các công ty startup Việt Nam. Trong một số trường hợp sẽ tạm dừng các khoản đầu tư mới vào Việt Nam. Tuy nhiên, thời kỳ này có thể được xem như là một cơ hội của các quỹ đầu tư cũng như các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước để đẩy mạnh đầu tư vào các công ty startup Việt Nam”, ông Hoàng Đức Trung - Giám đốc quỹ đầu tư VinaCapital Ventures – chia sẻ.

VinaCapital Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc tập đoàn VinaCapital với tài sản quản lý lên đến 100 triệu USD. VinaCapital Ventures đã và đang đầu tư vào các startup từ giai đoạn sơ khai cho đến mở rộng phát triển, đặc biệt ở vòng gọi vốn - giai đoạn doanh nghiệp chuẩn bị tăng tốc cho sự tăng trưởng.

“Chúng tôi nhắm đến các doanh nghiệp gọi vốn ở mức từ 1 – 5 triệu USD và dành thêm vốn cho giai đoạn tăng trưởng trong các giai đoạn sau. Chúng tôi đánh giá cao chất lượng hơn là số lượng, nên chỉ đầu tư vào các cơ hội có tiềm năng tăng trưởng lớn”, đại diện VinaCapital nhấn mạnh.

“So với 10 năm trước, đội ngũ sáng lập của startup đã có nền tảng giáo dục quốc tế, kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia”

trung.png
Ông Hoàng Đức Trung - Giám đốc quỹ đầu tư VinaCapital Ventures.

Nhận định về làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam, theo VinaCapital, trong 10 năm qua, cộng đồng startup Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ không chỉ về số lượng (tính tới hết năm 2021 cả nước đã có hơn 3.800 startups) mà cả về chất lượng (4 công ty ‘unicorn’ được định giá trên 1 tỷ USD, thu hút hơn 1,4 tỷ USD đầu tư).

Kết quả, nhóm khởi nghiệp đóng góp vào nền kinh tế chung qua quá trình chuyển đổi số, giải quyết các vấn đề đang tồn đọng cũng như tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành trọng điểm như logistic, y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, bán lẻ…

“Một trong số sự chuyển đổi tích cực của hệ sinh thái startup Việt Nam mà chúng tôi nhận thấy là sự trưởng thành trong đội ngũ các nhà sáng lập. So với 10 năm trước đội ngũ sáng lập của startup hiện tại có nền tảng giáo dục quốc tế cũng như kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia”, ông Trung nói.

Ở diễn biến khác, sự chuyển đổi tích cực trong việc tiếp nhận chuyển đổi số của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng thúc đẩy đưa làn sóng đầu tư đổi mới lan rộng. Các doanh nghiệp lớn hiện nay không chỉ “mở cửa” cho việc chuyển đổi số mà còn chủ động đầu tư vào các giải pháp, hệ sinh thái số. Điều này được hỗ trợ mạnh mẽ nhờ Chính phủ trong việc tăng cường đầu tư vào hạ tầng chuyển đổi số, khung pháp lý cho nền kinh tế số đã và đang ngày càng hoàn thiện.

Kinh tế Việt Nam phát triển nhanh sinh ra nhiều "điểm đau" – đây chính là cơ hội cho các startup

“Nhìn chung, Việt Nam là thị trường với nền kinh tế đang trên đà phát triển nhanh, từ đó cũng phát sinh nhiều ‘điểm đau’ (pain-point) trong tất cả các lĩnh vực, như là logistics, y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, bán lẻ…

Và điều này tạo cơ hội để các công ty startup công nghệ tham gia vào việc giải quyết những vấn đề còn tồn đọng. Nhờ đó, cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh và có thể đóng góp vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế”, ông Trung nhấn mạnh.

So với khu vực, Việt Nam với dân số lên đến 100 triệu dân đang có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển khởi nghiệp và là điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư như dân số trẻ có trình độ học vấn, tốc độ đô thị hóa cao (37%) cùng với sự tăng trưởng nhanh thu nhập bình quân trên đầu người, độ phủ internet và tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh cao.

Ngoài ra, Chính phủ nước ta cũng rất quan tâm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số, đặt mục tiêu đóng góp 30% vào GDP. Trong buổi tọa đàm với các doanh nghiệp Hoa Kỳ tháng 5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, Chính phủ đang hoàn thiện thể chế, chính sách để đón các starup. Cùng với đó, Việt Nam đang thúc đẩy chuẩn bị hệ thống hạ tầng kỹ thuật như công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, đào tạo nhân lực chất lượng tốt hơn để sẵn sàng khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

“Gần 20 năm hoạt động, VinaCapital có niềm tin mãnh liệt rằng Việt Nam sẽ là một trong những câu chuyện kinh tế nổi bật trên thế giới, trở thành quốc gia thịnh vượng trong tương lai không xa”, phía VinaCapital chốt lời.

Bài liên quan

(0) Bình luận
“Mùa đông gọi vốn” nên được xem là thời gian bắt buộc mà startup phải đi qua để trưởng thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO