Một ứng dụng mua sắm Trung Quốc "ngấm ngầm" vào Việt Nam trước cả Temu mà không mấy ai biết: Đồ siêu rẻ

Mạnh Kiên | 16:00 31/10/2024

Ứng dụng Shein được ví như "Shopee dành cho người mê thời trang", hiện đã có hỗ trợ tiếng Việt cũng như hỗ trợ đặt hàng gửi về Việt Nam, cho phép thanh toán linh hoạt.

Một ứng dụng mua sắm Trung Quốc "ngấm ngầm" vào Việt Nam trước cả Temu mà không mấy ai biết: Đồ siêu rẻ

Shein - "Shopee dành cho người mê thời trang"

Trước khi nền tảng mua sắm giá rẻ đình đám Temu vào Việt Nam - Shein, một ứng dụng mua sắm thời trang nhanh khác đã hoạt động âm thầm từ trước đó vài tháng.

Ứng dụng Shein hiện đã có hỗ trợ tiếng Việt cũng như hỗ trợ đặt hàng gửi về Việt Nam, cho phép thanh toán khi nhận hàng hoặc qua thẻ tín dụng. Hàng tháng, nền tảng cũng có các các chương trình giảm giá lớn với nội dung thu hút không kém gì các ứng dụng như Shopee, Lazada.

Tương tự như nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới Temu, Shein chưa tiến hành đăng ký hoạt động ở Việt Nam nhưng đã có fanpage Facebook hiển thị tiếng Việt cùng những hoạt động quảng bá rầm rộ.

Shein là hình mẫu thương mại điện tử khá khác biệt khi đi theo hướng mua sắm về thời trang, với mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ và nhiều ưu đãi. Có thể nói Shein giống như một "Shopee dành cho người mê thời trang".

Một ứng dụng mua sắm khác của Trung Quốc âm thầm vào Việt Nam mà không mấy ai biết: Đồ siêu rẻ - Ảnh 1.

Trong khi Shein ở Việt Nam còn là cái tên khá lạ lẫm thì nền tảng này thực tế đã có một quá trình phát triển dài và đã trở thành gã khổng lồ về thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Được thành lập bởi doanh nhân người Trung Quốc Chris Xu vào năm 2012, chỉ trong vòng một thập kỷ, Shein đã phát triển từ thương hiệu ít được biết đến thành một trong những nhà bán lẻ thời trang nhanh lớn nhất trên toàn cầu, phục vụ khách hàng tại hơn 150 quốc gia.

Khởi nguồn là trang web thương mại điện tử bán váy cưới được sản xuất tại Trung Quốc có tên là SheInside, vào năm 2015, Xu chuyển hướng kinh doanh sang tập trung vào trang phục thời trang nhanh và đổi tên thành Shein, phát âm là "she-in".

Công ty chỉ phát triển rực rỡ vào năm 2020, khi làn sóng mua sắm trực tuyến bùng nổ do dịch bệnh. Doanh số Shein tăng vọt từ 10 tỷ USD vào năm 2020 lên tới 100 tỷ USD vào năm 2022.

Điểm thu hút lớn nhất của Shein là giá bán cực kỳ thấp, đáp ứng nhanh chóng mọi xu hướng thời trang, được vận chuyển đến hơn 150 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới, đặc biệt phục vụ cho đối tượng trẻ, thế hệ Gen Z.

Người dùng có thể tìm thấy mọi thứ từ giày dép, quần áo cho đến ốp lưng điện thoại đẹp mắt với giá dưới 10 USD. Nhiều món hàng của Shein ở Việt Nam đa phần cũng chỉ có giá từ vài chục cho đến vài trăm nghìn. Giao diện của Shein cũng trực quan, đơn giản với những thuật toán đề xuất thôi thúc người dùng mua sắm vô hạn.

Một ứng dụng mua sắm khác của Trung Quốc âm thầm vào Việt Nam mà không mấy ai biết: Đồ siêu rẻ - Ảnh 2.

Bí quyết để phục vụ cho hàng tỷ người trên thế giới của Shein là tập hợp khoảng 6.000 nhà máy sản xuất quần áo tại Trung Quốc, kết hợp với hệ thống thu thập dữ liệu nội bộ để nắm bắt mặt hàng nào đang bán chạy và không bán chạy để chuyển về công xưởng sản xuất nắm tình hình.

Công ty cũng đẩy nhanh mô hình "thử nghiệm và lặp lại" vốn nổi tiếng của các hãng thời trang nhanh khác như H&M và Inditex. Theo đó, các nhà cung cấp của Shein sẽ sản xuất các mặt hàng với số lượng nhỏ, từ 100-200 sản phẩm, sau đó tăng cường sản xuất thêm nếu được ưa chuộng.

Thương hiệu này có thể sản xuất một mặt hàng mới chỉ trong vòng 25 ngày - điều mà các nhà bán lẻ khác phải mất tới nhiều tháng.

Giá rẻ, giao hàng nhanh, cuốn hút GenZ

Shein đã mang đến cho thời trang nhanh một ý nghĩa hoàn toàn mới bằng cách sử dụng công nghệ AI để xác định xu hướng và tạo ra hàng nghìn sản phẩm may mặc trong thời gian kỷ lục.

Theo một cuộc điều tra của Rest of World, Shein đã thêm từ 2.000 đến 10.000 kiểu dáng riêng lẻ vào ứng dụng của mình mỗi ngày từ tháng 7 đến tháng 12/2021.

Một ứng dụng mua sắm khác của Trung Quốc âm thầm vào Việt Nam mà không mấy ai biết: Đồ siêu rẻ - Ảnh 3.

Các nhà phân tích đã gọi mô hình kinh doanh của Shein là "bán lẻ thời gian thực". Do đó, có tới 600.000 mặt hàng được liệt kê trên trang web tại bất kỳ thời điểm nào, theo BBC.

Số lượng hàng đồ sộ, giá rẻ, giao nhanh đến khắp mọi nơi, Shein cũng tăng cường quảng bá một cách một cách thông minh trên mạng xã hội, hợp tác những người có sức ảnh hưởng lớn trên TikTok và Instagram.

Khi gõ hashtag #Sheinhaul trên các nền tảng này, người ta thấy hàng nghìn video về những người trẻ tuổi mua sắm đổ hàng đống gói hàng mang nhãn hiệu Shein từ những hộp các tông lớn xuống sàn phòng ngủ.

Shein là ứng dụng mua sắm được tải xuống nhiều thứ hai tại Mỹ và có nhiều người theo dõi trên TikTok hơn bất kỳ thương hiệu bán lẻ quần áo nào khác.

Công ty cũng sử dụng các chiến lược "trò chơi hóa" để thúc đẩy sự tham gia của khách hàng trên ứng dụng mua sắm được hàng triệu người trên toàn thế giới sử dụng.

Người dùng sẽ nhận được điểm và giảm giá khi đăng nhập hàng ngày, chia sẻ thông tin mua hàng trên mạng xã hội và giới thiệu bạn bè, khá giống với các nền tảng mua sắm khác.

Dù cùng đến từ Trung Quốc nhưng Shein và Temu là hai đối thủ không đội trời chung khi hai bên thường xuyên có những tranh cãi kiện tụng liên quan đến vi phạm bản quyền và chơi xấu.


(0) Bình luận
Một ứng dụng mua sắm Trung Quốc "ngấm ngầm" vào Việt Nam trước cả Temu mà không mấy ai biết: Đồ siêu rẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO