Một tỉnh nghèo, vùng sâu vùng xa của Trung Quốc có GDP vượt xa loạt quốc gia EU, trở thành trung tâm ‘vượt bão’ thương chiến cho nền kinh tế số 2 thế giới

Vu Lam | 11:56 08/07/2025

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, Trung Quốc đang thay đổi chiến lược, tập trung phát triển mạnh hơn vào khu vực được đánh giá là "tỉnh nghèo" nhưng vượt xa quy mô của nhiều nền kinh tế EU.

Một tỉnh nghèo, vùng sâu vùng xa của Trung Quốc có GDP vượt xa loạt quốc gia EU, trở thành trung tâm ‘vượt bão’ thương chiến cho nền kinh tế số 2 thế giới
Cầu treo cao nhất thế giới đang được xây dựng ở Quý Châu, Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại đang trở thành bước ngoặt mang tính lịch sử đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. 

Dù đã đạt được thỏa thuận đình chiến tạm thời trong 90 ngày, Bắc Kinh vẫn đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lâu dài. Kế hoạch 5 năm mới - bộ khung phát triển kinh tế chủ lực của Trung Quốc, được kỳ vọng sẽ củng cố nội lực và mở đường cho tham vọng dẫn đầu toàn cầu.

Bắc Kinh tái định hình chiến lược 

Trong khi căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, các địa phương Trung Quốc bắt đầu hành động đồng bộ với chiến lược quốc gia. Kế hoạch phát triển 2026-2030, chính thức công bố vào tháng 3/2026, đặt mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế và công nghiệp quốc gia. Nổi bật trong số đó là tỉnh Quý Châu - một vùng núi phía tây nam Trung Quốc, cách bờ biển gần nhất khoảng 400km, vốn không chịu nhiều tác động trực tiếp từ làn sóng áp thuế của cựu Tổng thống Donald Trump.

Chiến lược "vùng hậu phương chiến lược", được đề xuất vào tháng 12/2023, đã trở thành trọng tâm phát triển của Quý Châu. Kế hoạch này thúc đẩy việc xây dựng các cơ sở hạ tầng công nghiệp nội địa, kho dự trữ vật tư và hạ tầng chiến lược, tương tự Dự án Tam tuyến của những năm 1960-1970, khi hàng chục nghìn nhà máy quốc phòng được di dời từ duyên hải vào vùng núi phía tây do căng thẳng với Liên Xô.

Đến Hội nghị Trung ương 3 vào tháng 7/2024, "vùng hậu phương chiến lược" chính thức được thông qua như một chiến lược dài hạn nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp trọng yếu tại các tỉnh nội địa.

Theo báo cáo tháng 5/2025 của Viện nghiên cứu Pangoal có trụ sở tại Bắc Kinh, "Chiến lược vùng đại nội lục" được đề xuất như một khu kinh tế tích hợp 10 tỉnh miền trung và miền tây, trong đó có Quý Châu. Mục tiêu là giảm thiểu rủi ro từ bên ngoài và khai phá động lực tăng trưởng mới.

“Việc tái phân bổ không gian kinh tế sẽ giúp ứng phó với bất ổn bên ngoài và tạo ra động lực chủ động,” nhóm tác giả nhấn mạnh.

Từ “vùng sâu” thành “trung tâm chiến lược”

Quý Châu từng là tỉnh nghèo, khó thu hút đầu tư vì địa hình hiểm trở. Tuy nhiên, nhờ chiến dịch xóa đói giảm nghèo, hàng loạt cây cầu và tuyến đường sắt đã được xây dựng, kết nối với các trung tâm kinh tế trọng điểm.

Một trong những dự án đáng chú ý ở Quý Châu là cây cầu bắc ngang hẻm núi cao 625 mét phá kỷ lục thế giới, khi được xây dựng, sẽ cao gần gấp 1,5 lần Tòa nhà Empire State của New York.

Các kế hoạch chào đón các dự án đầu tư mới, được chuyển từ các khu vực phía đông, cũng đang được triển khai.

Năm 2024, tỉnh đã ký kết 298 dự án công nghiệp tái bố trí từ vùng duyên hải. Trong đó, 190 dự án đã khởi động với tổng vốn đầu tư dự kiến 261,6 tỷ nhân dân tệ.

Năm 2024, GDP của tỉnh đạt 2,27 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 317 tỷ USD. Con số này đưa Quý Châu vượt qua quy mô nền kinh tế của Hungary (~220 tỷ USD), Bồ Đào Nha (~300 tỷ USD) và Phần Lan (~315 tỷ USD). 

Đây là một thành tựu nổi bật đối với một tỉnh từng đứng ngoài luồng phát triển của Trung Quốc trong nhiều thập niên. Những con số trên càng cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ và tiềm năng thực sự của các vùng nội địa trong chiến lược mới của Bắc Kinh.

Sau khi xóa bỏ đói nghèo tuyệt đối, Quý Châu được giao trọng trách thúc đẩy "thịnh vượng chung" với mục tiêu tăng trưởng 7% mỗi năm, đặc biệt tập trung vào hạ tầng kỹ thuật số và đường sắt cao tốc.

Báo cáo công tác năm 2025 của tỉnh xác định “các ngành dự phòng chiến lược” là 1 trong 6 trụ cột công nghiệp cùng với phát triển khoáng sản, pin năng lượng mới, điện toán, rượu truyền thống và năng lượng. 

Trong lĩnh vực hàng không, một khu công nghiệp đang được phát triển tại thành phố An Thuận. Trên 10 doanh nghiệp địa phương hiện cung cấp linh kiện cho hãng máy bay Comac (Trung Quốc), nơi đang chế tạo máy bay C919. Đây cũng là lĩnh vực chịu sức ép từ Mỹ khi chính quyền Trump cấm xuất khẩu công nghệ động cơ hàng không sang Trung Quốc.

Ngoài ra, Quý Châu đã trở thành điểm sáng trong nền kinh tế số, đặc biệt trong lưu trữ dữ liệu và điện toán đám mây. Apple, Huawei và Tencent đều đã đặt trung tâm dữ liệu tại tỉnh này. Công nghiệp kỹ thuật số hiện đóng góp 50% GDP của tỉnh, tăng trưởng dẫn đầu cả nước 9 năm liên tiếp.

Tỉnh cũng đóng vai trò then chốt trong Dự án “Dữ liệu Đông - Tính toán Tây”, với sức mạnh tính toán đạt hơn 55E FLOPS - chiếm khoảng 1/4 toàn quốc.

Mặc dù có nhiều kỳ vọng, một số chuyên gia quốc tế vẫn bày tỏ hoài nghi. Nhà kinh tế trưởng Derek Scissors tại tổ chức China Beige Book nhận định: “Thị trường nội địa nhỏ khó bù đắp thiệt hại từ Mỹ. Hạ tầng vùng duyên hải vẫn vượt trội trong kết nối sản xuất và xuất khẩu.”

Tuy nhiên, theo Ding Shuang, chuyên gia kinh tế trưởng đại lục tại Ngân hàng Standard Chartered: “Khu vực phía tây có lợi thế về chi phí, tài nguyên dồi dào và nền tảng công nghiệp nhất định. Nếu cải thiện môi trường kinh doanh, nơi đây sẽ thu hút mạnh đầu tư.”

Tham khảo SCMP


(0) Bình luận
Một tỉnh nghèo, vùng sâu vùng xa của Trung Quốc có GDP vượt xa loạt quốc gia EU, trở thành trung tâm ‘vượt bão’ thương chiến cho nền kinh tế số 2 thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO