Một tiểu hành tinh to bằng cả chiếc xe tải bỗng ‘tiến gần’ Trái đất: Liệu có thiệt hại về kinh tế?

Thùy Trang | 15:27 27/01/2023

Theo thông tin mới nhất từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), một tiểu hành tinh đang cách bề mặt Trái đất “rất gần”.

Một tiểu hành tinh to bằng cả chiếc xe tải bỗng ‘tiến gần’ Trái đất: Liệu có thiệt hại về kinh tế?

Trong ngày 26 tháng 1 vừa qua, một tiểu hành tinh có kích thước gần bằng chiếc xe tải đã đi ngang qua Trái đất. NASA ghi nhận đây là một trong những lần tiếp cận có khoảng cách gần nhất giữa tiểu hành tinh và bề mặt Trái đất. 

Tiểu hành tinh này có tên là 2023 BU, rộng từ 3,5 đến 8,5 mét. Nó được nhà thiên văn học Gennadiy Borisov tại đài quan sát MARGO, Crimea (Ukraine) phát hiện lần đầu vào ngày 21 tháng 1 vừa qua. Chỉ vài ngày sau, hàng chục nhà quan sát khắp thế giới cũng đã theo dõi đường đi của tiểu hành tinh này. 

Theo thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu Vật thể gần Trái đất (NEO), 2023 BU được gọi là tiểu hành tinh "kiểu Apollo". Quỹ đạo của nó đi ngang qua Trái đất nhưng dành phần lớn thời gian ở bên ngoài quỹ đạo của Trái đất.  

Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA cũng cho biết, 2023 BU sẽ không có nguy cơ đâm vào Trái đất. Dù có xảy ra, tiểu hành tinh này sẽ biến thành một quả cầu lửa và phân hủy gần như toàn bộ trong bầu khí quyển. Một số mảnh vụn lớn hơn có khả năng rơi xuống Trái đất dưới dạng thiên thạch nhỏ nhưng không gây nguy hiểm. 

Bên cạnh đó, kể cả trường hợp xấu nhất có xảy ra, dù 2023 BU có va chạm mạnh với bề mặt Trái đất cũng sẽ không gây ra thảm kịch cho nhân loại. Kinh tế, của cải và con người sẽ không bị ảnh hưởng. Vụ thiên thạch rơi làm khủng long tuyệt chủng sẽ chỉ là quá khứ.

Giáo sư Don Pollacco tại khoa Vật Lý, Đại học Warwick cho biết: "Hiện nay, vẫn còn nhiều tiểu hành tinh đi ngang qua quỹ đạo Trái đất đang chờ được khám phá. 2023 BU là một tiểu hành tinh được phát hiện gần đây. Nó được cho là có kích thước bằng một chiếc xe tải nhỏ và chắc chắn đã đi qua Trái đất hàng nghìn lần trước đó. Lần này nó chỉ cách Trái đất 2.200 dặm - chỉ bằng 10% khoảng cách tới mặt trăng”. 

Theo hệ thống đánh giá tác động nguy hiểm của NASA - Scout, trong khi hầu hết các tiểu hành tinh ở gần Trái đất sẽ bị thay đổi quỹ đạo do lực hấp dẫn thì 2023 BU sẽ đến gần với bề mặt hành tinh của con người này và quỹ đạo quanh Mặt trời của nó dự kiến cũng sẽ bị thay đổi đáng kể.

Theo tính toán, 2023 BU di chuyển quanh Mặt Trời sau 425 ngày và sẽ lại gần Trái đất một lần nữa vào ngày 6 tháng 12 năm 2036. Theo các nhà khoa học, điều đáng mừng là con người đã có đủ khả năng phát hiện một vật thể kích thước nhỏ như 2023 BU khi nó chưa đạt tới khoảng cách gần nhất.

Những phương pháp tân tiến trong việc quan sát các tiểu hành tinh ở khu vực xung quanh Trái đất có thể sẽ mang đến lợi thế lớn cho lịch sử nhân loại. Con người từ đó cũng có thời gian kịp thời chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra trong tương lai. 

Trước đó, các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra một tiểu hành tinh đang “nhăm nhe” Trái đất và có khả năng đe dọa cuộc sống nhân loại vào tháng 11 năm ngoái. Đó là 2022 AP7, rộng khoảng 1,5 km. Tiểu hành tinh này được cho là vật thể lớn nhất mà giới khoa học quan sát được trong 8 năm vừa qua. 2022 AP7 đang “ở đâu đó” giữa Trái đất và sao Kim nên rất khó bị phát hiện. 

Hay Apophis, tiểu hành tinh có quỹ đạo gần Trái đất ở mức nguy hiểm. Năm 2020, các nhà khoa học cảnh báo rằng nó có thể va vào Trái đất vào năm 2068. Tuy nhiên, hiện tại các “vật thể lạ” này vẫn ở trong phạm vi an toàn. 

Tổng hợp




Bài liên quan

(0) Bình luận
Một tiểu hành tinh to bằng cả chiếc xe tải bỗng ‘tiến gần’ Trái đất: Liệu có thiệt hại về kinh tế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO