Một startup xe tải tự lái bị cáo buộc lừa đảo nhà đầu tư

Phương Linh | 14:28 31/10/2022

Các nhà điều tra tại FBI và SEC đang tìm hiểu xem liệu TuSimple và các lãnh đạo của họ gồm CEO Xiaodi Hou – có vi phạm nghĩa vụ ủy thác và luật chứng khoán hay không.

Một startup xe tải tự lái bị cáo buộc lừa đảo nhà đầu tư

TuSumple Holdings – công ty xe tải tự lái có trụ sở tại Mỹ đang đối mặt với các điều tra liên bang vào việc liệu họ có gian lận tài chính và chuyển công nghệ trái phép cho một startup Trung Quốc hay không.

Nguồn tin của tờ WSJ cho biết các cơ quan gồm FBI, SEC và Cfius (cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện rà soát an ninh quốc phòng ở Mỹ) đều đang kiểm tra mối quan hệ của TuSimple với Hydron – một startup nói rằng họ đang phát triển xe tải chạy hydro tự lái và có đồng sáng lập của TuSimple trong ban lãnh đạo.

Các nhà điều tra tại FBI và SEC đang tìm hiểu xem liệu TuSimple và các lãnh đạo của họ gồm CEO Xiaodi Hou – có vi phạm nghĩa vụ ủy thác và luật chứng khoán do không tiết lộ đúng mối quan hệ liên quan hay không. Họ cũng đang điều tra xem liệu TuSimple có chia sẻ bản quyền trí tuệ nhân tạo với Hydron không và nếu như vậy hành động này có là lừa gạt nhà đầu tư khi gửi công nghệ giá trị cho một công ty nước ngoài hay không.

Hydron khởi đầu vào năm 2021 bởi Mo Chen – đồng sáng lập của TuSimple. Anh này sáp nhập Hydron ở Trung Quốc, Hong Kong và Delaware với kế hoạch sản xuất xe tải điện tại Bắc Mỹ. Một người hiểu vấn đề nói rằng hoạt động của Hydron hầu hết ở Trung Quốc – nơi Chen dành phần lớn thời gian của anh. Startup này cũng được rót vốn bởi các nhà đầu tư Trung Quốc.

Hội đồng quản trị TuSimple đã mở một cuộc điều tra riêng để xem liệu TuSimple có “bao nuôi” Hydron ở Trung Quốc hay không gồm việc rót vốn và chuyển công nghệ cho startup này mà không thông báo cho nhà chức trách, hội đồng quản trị và cổ đông của TuSimple.

Người phát ngôn của TuSimple thì nói rằng không ty chưa nhận được bất kỳ thông báo điều tra nào của FBI hay SEC. Ông từ chối bình luận về điều tra của hội đồng quản trị hay bất kỳ thảo luận nào với Cfius.

Các cuộc điều tra đều tập trung vào việc ban lãnh đạo TuSimple đã không tiết lộ về tình hình tài chính của công ty và các chuyển giao công nghệ với Hydron theo đúng yêu cầu của luật pháp Mỹ. Hiện cũng chưa rõ việc không báo cáo đầy đủ có thể gây tổn hại bao nhiêu cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, Hou đã thất bại trong việc hoàn thành trách nhiệm ủy thác của mình với tư cách là Giám đốc điều hành và Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Luật chứng khoán Mỹ yêu cầu rằng những giao dịch với các bên liên quan hay giao dịch có lợi ích tài chính giữa các công ty hay những cá nhân có mối quan hệ phải được tiết lộ công khai. Các nhà điều tra đang tìm hiểu xem liệu Hou có liên quan tới việc thiết lập và cung cấp công nghệ cho Hydron và nhận được thù lao cho việc này mà không thực hiện quy trình công bố thông tin hay không.

Đại diện TuSimple thì nói rằng Hou chưa bao giờ là nhân viên Hydron hay nhận bất kỳ khoản thanh toán nào từ Hydron. Hou không có lợi ích tài chính nào trong công ty này.

Cfius cũng điều tra TuSimple vào năm ngoái xem liệu công ty này có báo cáo sai lệch với chính phủ Mỹ về việc chuyển giao công nghệ hay không.

Cfius đã can thiệp vào đầu năm nay để buộc TuSimple phải lưu trữ phần lớn dữ liệu và công nghệ ở Mỹ từ công ty con Trung Quốc của chính mình. Hầu hết các nhân viên TuSimple có trụ sở tại Trung Quốc đều có quyền truy cập vào mã nguồn và công nghệ độc quyền khác do nhân viên Mỹ tạo ra, các nhân viên cũ cho biết.

Người đại diện của TuSimple nói rằng công ty đã cam kết nghiêm túc với Cfius và tuân thủ các yêu cầu. Ông nói rằng công ty chỉ đang thăm dò các sự lựa chọn cho chi nhánh Trung Quốc của TuSimple bởi “chúng tôi tin rằng đó là thứ mang lại lợi ích tốt nhất cho các cổ đông”.

Theo một nguồn tin, khi Hydron hình thành, công ty này đã tuyển dụng nhân viên Tusimple - một số ở các vị trí cấp cao - và sử dụng bí quyết công nghệ của TuSimple. Một số nhân viên đã làm việc cho Hydron trong khi cũng tiếp tục làm việc cho TuSimple.

Những vụ điều tra gần đây càng gây thêm nhiều thách thức cho TuSimple – gồm cả sự ra đi của Giám đốc tài chính, Giám đốc pháp chế và người đứng đầu bộ phận kỹ thuật. Giá cổ phiếu công ty cũng đã giảm 83% trong năm nay và vụ tai nạn vào tháng tư của một trong những mẫu xe tải tự lái của họ cũng đặt ra câu hỏi về tính an toàn của các mẫu xe của TuSimple.

Người phát ngôn của TuSimple cho biết nhân viên nghỉ việc là bình thường đối với một công ty đang phát triển. TuSimple cho biết sau vụ tai nạn tháng tư rằng an toàn là ưu tiên hàng đầu của công ty và không ai bị thương trong vụ tai nạn, thậm chí công ty đổ lỗi cho vụ việc là do lỗi của con người.

TuSimple đang phát triển mẫu xe bán tải tự lái cấp độ 4 (tức mức độ tự động hóa cao) với Navistar, dự kiến đi vào sản xuất vào năm 2025.

Nguồn: WSJ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Một startup xe tải tự lái bị cáo buộc lừa đảo nhà đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO