Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) vừa công bố biểu lãi suất huy động mới dành cho khách hàng cá nhân áp dụng từ ngày 4/3. Theo đó, mức lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đồng loạt giảm 0,4 – 0,5 điểm % so với trước đó.
Cụ thể, với hình thức gửi tiền trực tuyến (sản phẩm có lãi suất cao nhất), mức lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng giảm từ 9,3% xuống còn 8,8%/năm; các kỳ hạn từ 7 tháng đến 11 tháng giảm từ 9,4% xuống 8,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng và 15 tháng giảm từ 9,5% xuống còn 9%/năm; kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng giảm từ 9,5% xuống 9,1%/năm.
Với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, VietABank giữ nguyên biểu lãi suất áp dụng, với mức cao nhất là 9,1% dành cho các kỳ hạn gửi 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.
Trước VietABank, nhiều ngân hàng cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động trong cuối tháng 2 và đầu tháng 3.
Theo biểu lãi suất niêm yết mới nhất của MSB, lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên đồng loạt giảm 0,5 điểm % so với trước đó. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại MSB đã giảm từ 9,5% xuống còn 9%/năm, dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên theo hình thức trực tuyến.
Tương tự, PG Bank cũng giảm 0,3 – 0,7 điểm % ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trong đó, lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn 6 tháng giảm từ 8,3% xuống 7,8%, 12 tháng giảm từ 8,3% xuống 8% và 24 tháng giảm từ 8,5% xuống 7,8%.
Trong khi PVComBank giảm lãi suất huy động cao nhất dành cho kỳ hạn 3 tháng từ 6% xuống còn 5,7%, kỳ hạn 6 tháng giảm từ 9,2% xuống còn 8,4%, kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,2% xuống 8,9%.
Ngân hàng OCB mới đồng loạt hạ 0,5% lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn từ 6 -12 tháng. Cụ thể, tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất gửi tiết kiệm thông thường tại quầy giảm từ 8,9%/năm xuống 8,4%/năm; đồng thời lãi suất online cũng giảm 0,5 điểm % xuống 8,8%/năm. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 6 tháng đến 8 tháng chỉ còn 7,7%/năm (tại quầy) và 8,5%/năm (online). Lãi suất kỳ hạn 9 tháng – 11 tháng giảm xuống 7,9%/năm (tại quầy) và 8,6%/năm (online).
Mới đây, Saigonbank cũng công bố biểu lãi suất huy động mới. Trong đó, lãi suất các kỳ hạn từ 6 - 9 tháng giảm đồng loạt từ mức 9,2 - 9,3%/năm xuống 8,9%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,4%/năm xuống 9%/năm.
Không chỉ các ngân hàng nội, ngân hàng ngoại Hong Leong Bank vừa qua cũng giảm lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn 6 tháng từ 9,1% xuống 8,9%; kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng cũng giảm xuống còn 8,7% từ mức 8,9% trước đó.
Sau khi VietABank điều chỉnh giảm, hiện chỉ có còn 5 nhà băng áp dụng mức lãi suất huy động 9,5%/năm là Bao Viet Bank, KienLong Bank, Nam A Bank, VietBank và SCB.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán VnDirect kỳ vọng lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh trong quý I và sau đó giảm dần kể từ quý II dựa trên những lập luận sau: (1) FED ngừng tăng lãi suất điều hành sau quý II, theo đó áp lực lên tỷ giá VND có thể hạ nhiệt đáng kể trong nửa sau của năm 2023, (2) NHNN tích cực hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua các kênh thị trường mở, mua dự trữ ngoại hối, (3) nhu cầu tín dụng chậm lại trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm.
“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7% và 7,5% vào cuối năm 2023”, VnDirect cho biết.
VnDirect kỳ vọng xu hướng giảm của lãi suất huy động này có thể tiếp tục trong vài tháng tới do những yếu tố chính sau đây: 1) một lượng lớn tiền gửi đã quay lại hệ thống ngân hàng trong quý IV/2022, 2) chỉ đạo của chính phủ/NHNN trong việc giảm lãi suất huy động/cho vay, 3) chính phủ đẩy mạnh đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế, 4) thay đổi về cách tính tỷ lệ LDR có lợi cho các ngân hàng quốc doanh.
Theo VnDirect, lãi suất huy động có thể giảm nhẹ trong năm nay. Tuy nhiên khó có thể giảm mạnh khi NHNN khả năng cao sẽ phải giữ nguyên lãi suất điều hành do áp lực tỷ giá và lạm phát vẫn hiện hữu, tăng trưởng tín dụng được định hướng ở mức cao 14% đòi hỏi các ngân hàng sẽ phải cân đối nguồn vốn.