Một loạt nền kinh tế châu Á 'sốt sắng' đặt mua loại hàng hoá quan trọng của Mỹ, ký hợp đồng lên đến hàng thập kỷ, kỳ vọng Washington sẽ hạ thuế quan

An Chi | 12:41 09/04/2025

Các chính phủ châu Á từ Hàn Quốc đến Indonesia đang nhanh chóng đặt hàng mua khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) của Mỹ, với kỳ vọng sẽ giảm thặng dư thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới và giảm bớt căng thẳng của thuế quan đối ứng vừa có hiệu lực.

Một loạt nền kinh tế châu Á 'sốt sắng' đặt mua loại hàng hoá quan trọng của Mỹ, ký hợp đồng lên đến hàng thập kỷ, kỳ vọng Washington sẽ hạ thuế quan

Hôm 8/4, Tổng thống Indonesia, Prabowo Subianto, cam kết sẽ “mua thêm” hàng hoá của Mỹ và cho biết trong đó bao gồm LNG. Thái Lan cũng thông báo nước này đang cân nhắc mua thêm hàng hoá Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nói rằng ông đã thảo luận với lãnh đạo lâm thời của Hàn Quốc, Han Duck-soo, về việc mua LNG quy mô lớn 

Hiện tại, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều cho biết các nước, vùng lãnh thổ này đang cân nhắc đầu tư vào một dự án xuất khẩu LNG trị giá 44 tỷ USD tại Alaska vốn đã bị trì hoãn từ lâu.

Việc Washington tuyên bố áp thuế quan vào tuần trước đã khiến một loạt nền kinh tế châu Á chịu ảnh hưởng. Trong bối cảnh các chính phủ đang tìm cách hạ nhiệt căng thẳng, LNG là một lựa chọn phổ biến, vì đây là một trong số ít mặt hàng xuất khẩu của Mỹ mà các quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Á dễ dàng cam kết mua thêm. Mỹ là nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới, với kim ngạch xuất khẩu dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào cuối thập kỷ này.

Trong khi đó, châu Á là nơi có nhiều đối tác mua hàng thuộc top lớn nhất và nhu cầu từ các nền kinh tế mới nổi dự kiến sẽ tăng lên khi nền kinh tế của họ mở rộng quy mô và cắt giảm việc sử dụng than. LNG cũng thường được cam kết mua thông qua các hợp đồng dài hạn kéo dài đến hàng thập kỷ và có thể lên đến hàng tỷ USD. Con số hấp dẫn này có khả năng sẽ thu hút sự chú ý của Washington.

Phát biểu với hãng tin CNBC vào hôm thứ Ba, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Scott Bessent, cho biết: “Cuộc thảo luận về thoả thuận năng lượng lớn ở Alaska đang diễn ra, Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể là cả Đài Loan, sẽ mua với khối lượng lớn và tài trợ cho các thoả thuận này. Điều này không chỉ tạo ra nhiều việc làm cho Mỹ mà còn giúp thu hẹp thâm hụt thương mại.”

Theo nguồn tin thân cận, các nhà nhập khẩu LNG của Ấn Độ đã vận động chính phủ dỡ bỏ mức thuế hải quan 2,5% đối với khí đốt Mỹ. Tuy nhiên, giá cả vẫn là mối lo ngại lớn. Gail India Ltd, công ty có hợp đồng dài hạn để đưa lượng nhập khẩu LNG Mỹ thêm 5,8 triệu tấn mỗi năm, hiện đang bán lại hầu hết lượng LNG Mỹ ra nước ngoài theo các hợp đồng hoán đổi, vì giá quá đắt để nhập về.

Quốc gia duy nhất có lập trường cứng rắn là Trung Quốc, nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới. Bắc Kinh mới đây đã áp thuế trả đĩa với Mỹ. Các nhà nhập khẩu của nền kinh tế số 2 thế giới đã bán lại LNG Mỹ theo hợp đồng cho châu Âu và các khu vực khác của châu Á.

Tổng hợp


(0) Bình luận
Một loạt nền kinh tế châu Á 'sốt sắng' đặt mua loại hàng hoá quan trọng của Mỹ, ký hợp đồng lên đến hàng thập kỷ, kỳ vọng Washington sẽ hạ thuế quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO