Mùa mưa, rất quan trọng đối với nền kinh tế trị giá 3 nghìn tỷ USD của Ấn Độ, bởi cung cấp gần 70% lượng mưa mà nước này cần để tưới cho cây trồng, làm đầy các hồ chứa và tích tụ vào các mạch nước ngầm. Gần một nửa diện tích đất nông nghiệp ở quốc gia đông dân nhất thế giới này còn thiếu hệ thống tưới tiêu.
Việc thiếu mưa trong mùa hè có thể khiến các mặt hàng thiết yếu như đường, đậu đỗ, gạo và rau trở nên đắt đỏ hơn, đồng thời nâng lạm phát lương thực nói chung, vốn đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1 năm 2020 vào tháng 7/2023.
Việc giảm mưa cũng có thể buộc Ấn Độ, nước sản xuất gạo, lúa mì và đường lớn thứ hai thế giới, phải áp đặt nhiều hạn chế hơn đối với xuất khẩu các mặt hàng này.
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết: “El Niño đã làm giảm lượng mưa trong tháng 8 và cũng sẽ có tác động tiêu cực đến lượng mưa trong tháng 9”. Trong khi đó, mùa mưa ở Ấn Độ (tháng 6 – tháng 9) sắp kết thúc và lượng mưa thiếu hụt ít nhất 8%, sẽ là mức giảm lớn nhất kể từ năm 2015, khi El Niño cũng làm giảm lượng mưa.
Thông tin này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường gạo thế giới – vốn đang nóng lên từng ngày khi giá tăng vọt và ngày càng nhiều nước hạn chế xuất khẩu.
Tác động của El Niño
Trong dự báo cả mùa gần đây nhất, vào ngày 26 tháng 5, IMD đã dự đoán lượng mưa của mùa mưa năm nay sẽ thiếu hụt 4%, với giả định sẽ có tác động hạn chế từ kiểu thời tiết El Niño. Dự báo về thời tiết thàng 9 sẽ được công bố vào ngày 31/8, và cuối tháng 9 sẽ có thống kê chính xác về lượng mưa của mùa mưa năm nay.
Lượng mưa thực tế so với dự đoán trong các mùa mưa ở Ấn Độ (tỷ lệ % so với mức trung bình trong điều kiện bình thường).El Niño là hiện tượng nước biển Thái Bình Dương ấm lên, thường đi kèm với điều kiện khô hạn hơn ở tiểu lục địa Ấn Độ.
Các quan chức cơ quan thời tiết vào đầu tháng 8 cho biết cho biết Ấn Độ sẽ có tháng 8 khô hạn nhất trong hơn một thế kỷ.
Lượng mưa từ đầu mùa đến nay không đều, với lượng mưa tháng 6 thấp hơn 9% so với mức trung bình nhưng lượng mưa tháng 7 lại cao hơn 13% so với mức trung bình. Thông tin từ IMD cho biết tháng 9 của 4 năm gần đây đều chứng kiến lượng mưa trên mức trung bình do mùa mưa kết thúc chậm. Nhưng năm nay dự kiến sẽ khác.
Mối liên hệ giữa El Nino và lượng mưa trong mùa mưa ở Ấn Độ (lượng mưa tính bằng tỷ lệ % so với mức trung bình trong điều kiện bình thường).Sự phân bố lượng mưa thất thường đã khiến Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, phải hạn chế xuất khẩu gạo, áp thuế 40% đối với xuất khẩu hành tây, cho phép nhập khẩu đậu đỗ miễn thuế và có thể dẫn đến việc New Delhi cấm xuất khẩu đường.
Một đại lý có trụ sở tại Mumbai cho biết: “Độ ẩm của đất đã giảm do lượng mưa ít trong tháng 8. Chúng tôi cần lượng mưa tốt trong tháng 9, nếu không việc trồng cây vụ đông sẽ bị ảnh hưởng”.
Các loại cây gieo trồng vào mùa đông bao gồm lúa mì, hạt cải dầu và đậu xanh.
Ấn Độ hạn chế xuất khẩu tất cả các loại gạo
Mặc dù kho dự trữ quốc gia còn nhiều gạo sau mấy năm bội thu, song lo sợ khô hạn làm gia tăng lạm phát buộc nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới này phải áp dụng hạn chế đối với mọi loại gạo. Đây được xem là nỗ lực của chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi trong việc tăng cường các biện pháp trước cuộc bầu cử vào năm tới, nhằm giải quyết tình trạng giá lương thực tăng cao.
Đến nay, Ấn Độ đã thực hiện các hạn chế đối với mọi loại gạo xuất khẩu ra nước ngoài.
Gạo Basmati: Quy định giá xuất khẩu tối thiểu là 1.200 USD/tấn nhằm mục tiêu ngăn chặn việc các nhà xuất khẩu trà trộn bán gạo non-basmati dưới dạng gạo thơm đắt tiền để tránh những hạn chế xuất khẩu.
Gạo basmati chiếm khoảng 20% trong tổng xuất khẩu gạo của nước này năm 2021-22.
Gạo đồ non-Basmati (Non-Basmati parboiled): Chịu thuế xuất khẩu 20%. Gạo non-Basmati đồ chiếm khoảng 30% tổng xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2021-22.
Gạo trắng non-Basmati (non-Basmati white): Tạm dừng xuất khẩu từ ngày 20/7, trừ một số lô có giấy phép theo yêu cầu đáp ứng an ninh lương thực của các quốc gia khác.
Gạo trắng non-Basmati chiếm khoảng 30% tổng xuất khẩu gạo Ấn Độ năm 2021-22.
Gạo tấm: Bị cấm xuất khẩu từ năm 2022. Gạo tấm chiếm khoảng 20% tổng xuất khẩu gạo của Ấn Độ năm 2021-22.
Các động thái hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ được đánh giá là sẽ làm cho nguồn cung trên toàn cầu bị thắt chặt hơn nữa trong bối cảnh giá gạo châu Á vốn đã cao nhất trong vòng gần 15 năm.
Gạo 5% tấm xuất khẩu của của Việt Nam hiện đạt 650-660 USD/tấn, gạo cùng loại của Thái Lan cũng đạt 630 USD/tấn, đều cao nhất trong vòng gần 15 năm. Châu Á là vựa lúa của thế giới. Việc giá gạo tăng vọt và nguồn cung từ khu vực bị siết chặt làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Tham khảo: Reuters, Economictimes