Một hãng giao đồ ăn nổi tiếng công bố mức lương và điều kiện lao động khiến cộng đồng mạng dậy sóng, bị cáo buộc gian dối và bóc lột nhân viên

Băng Băng | 16:30 24/09/2024

Động thái đưa ra sai thông điệp trong thời điểm nhạy cảm khiến hãng giao đồ ăn nổi tiếng này chìm sâu trong khủng hoảng truyền thông.

Một hãng giao đồ ăn nổi tiếng công bố mức lương và điều kiện lao động khiến cộng đồng mạng dậy sóng, bị cáo buộc gian dối và bóc lột nhân viên

Tuần trước, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Meituan đã công bố báo cáo về mức lương và điều kiện làm việc của hàng chục triệu nhân viên giao hàng nhằm đối phó với hàng loạt các tranh cãi gần đây về môi trường lao động khắc nghiệt của đế chế giao đồ ăn nhanh này.

Trớ trêu thay, báo cáo này đã gây ra phản ứng dữ dội trên mạng xã hội hơn nữa khi người dùng cho rằng các số liệu về việc người giao hàng kiếm được mức lương cao với ít giờ làm là không đúng sự thật.

Trên thực tế, Meituan chỉ là một trong số vô vàn ứng dụng giao đồ ăn ở Trung Quốc hứng chịu hàng loạt chỉ trích thời gian qua về điều kiện làm việc khắc nghiệt lan tràn trên mạng xã hội.

Một báo cáo dậy sóng

Đầu tháng 9/2024, một nhân viên giao hàng 55 tuổi đã tử vong sau ca làm việc kéo dài 18 tiếng trong cái nóng oi bức của mùa hè. Trước đó vào cuối tháng 8/2024, một người giao hàng khác đã ngất xỉu khi đang làm việc với chẩn đoán nhồi máu não.

Trong bối cảnh như vậy, Meituan lại đưa ra báo cáo rằng phần lớn nhân viên giao hàng của họ không làm việc trong điều kiện khắc nghiệt như trên. Cụ thể trong số 7,45 triệu người giao hàng của hãng thì chỉ có 11% nhận đơn hàng hơn 260 ngày mỗi năm và khoảng 48% làm việc ít hơn 30 ngày mỗi năm

Với những nhân viên giao hàng toàn thời gian mà Meituan gọi là "Happy Runner" (những người giao hàng vui vẻ), công ty cho biết họ chỉ chiếm một phần nhỏ trong lực lượng lao động của hãng.

Mặc dù những nhân viên giao hàng này được yêu cầu phải đáp ứng các hạn ngạch hàng tháng cụ thể về số lượng đơn giao hàng và giờ làm việc nhưng Meituan cho rằng đổi lại những người này kiếm được mức lương cao hơn.

Báo cáo của Meituan cũng chỉ ra rằng tại các thành phố lớn của Trung Quốc, những nhân viên giao hàng toàn thời gian kiếm được trung bình 11.014 Nhân dân tệ (1.561 USD) mỗi tháng, trong khi nhân viên giao hàng bán thời gian kiếm được 7.354 Nhân dân tệ.

Tại những thành phố nhỏ hơn thì con số này là 7.197 Nhân dân tệ và 5.556 Nhân dân tệ.

Mức thu nhập hơn 11.000 Nhân dân tệ/tháng này thấp hơn so với mức lương trung bình 12.300 Nhân dân tệ tại các thành phố lớn như Thượng hải nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các con số mà các cư dân mạng dự đoán trên Weibo.

Tuy nhiên, cộng đồng mạng xã hội Trung Quốc nhanh chóng chỉ ra rằng dữ liệu của Meituan gây hiểu lầm vì những nhân viên giao hàng không được nhận các chế độ phúc lợi giống như những nhân viên toàn thời gian trong các ngành khác.

"Nhìn thì có vẻ cao hơn dự đoán nhưng thực ra những người giao hàng này không có bảo hiểm, an sinh xã hội và phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày", một người dùng trên Weibo cho hay.

Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ pháp lý cho người lao động nhập cư Zhicheng Beijing cho thấy các nền tảng giao đồ ăn thường thuê ngoài bên thứ 3 để tuyển dụng và quản lý nhân viên giao hàng. Điều này khiến những nền tảng như Meituan tránh được việc chịu nhiều trách nhiệm với người lao động.

Theo Zhicheng, chưa đến 1% số nhân viên giao đồ ăn nhanh tại Trung Quốc được tuyển dụng trực tiếp mà phải thông qua bên thứ 3, qua đó không được hưởng quyền lợi đầy đủ của người lao động như những ngành khác.

10 giờ mỗi ngày

Trên thực tế vào năm 2022, một số ứng dụng giao đồ ăn lớn đã bắt đầu thử nghiệm cung cấp bảo hiểm thương tật cho nhân viên giao hàng. Báo cáo của Meituan cũng cho thấy hiện có 4,5 triệu nhân viên giao đồ ăn của họ đang được bảo hiểm theo chương trình này.

Ngoài ra, một số chính quyền địa phương cũng đang tìm cách bảo vệ quyền lợi của nhân viên giao hàng bằng cách cung cấp bảo hiểm nghề nghiệp bổ sung hay thanh toán bồi thường trực tiếp cho những người bị thương.

Tuy nhiên các cuộc khảo sát của tổ chức bên thứ 3 cho thấy điều kiện làm việc của nghề giao đồ ăn ngày càng khó khăn hơn.

Khảo sát của Sun Ping, một chuyên gia nghiên cứu của Viện Báo chí và Truyền thông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc với 10.000 người giao đồ ăn kể từ năm 2017 đến nay cho thấy các nền tảng đang gây áp lực buộc nhân viên giao hàng phải làm việc nhiều giờ hơn bao giờ hết.

Ví dụ năm 2018 có khoảng 36,5% số nhân viên giao hàng toàn thời gian mà ông Sun khảo sát phải làm việc hơn 10 tiếng mỗi ngày thì tỷ lệ này đã tăng lên 62,6% vào năm 2021.

Theo chuyên gia Sun, sự thay đổi này đến từ nhiều yếu tố. Đầu tiên là sự gia tăng đột biến số lao động tham gia ngành giao đồ ăn nhanh khiến cạnh tranh gia tăng, qua đó làm giảm mức lương toàn ngành.

Trong khi đó, các nền tảng cũng thay đổi thuật toán để tối đa hóa hiệu quả khiến nhân viên giao hàng phải làm nhiều giờ hơn mới có đủ mức thu nhập như trước đây.

"Nền kinh tế chia sẻ (GIG) dựa trên những ảo tưởng rằng người bình thường có thể tạo nên cuộc sống tốt đẹp cũng như có quyền tự chủ với các lựa chọn công việc. Tuy nhiên đằng sau lý tưởng này là một thực tế cứng nhắc và hạn chế về cơ hội phát triển sự nghiệp", chuyên gia Sun nói thẳng.

Để giải quyết tình hình, phía Meituan tuyên bố đang nỗ lực cải thiện môi trường làm việc cho nhân viên giao hàng. Hãng đã chỉ định 214 nhân viên giao hàng để phản hồi về điều kiện làm việc và đã thực hiện 410 đề xuất từ những lao động này.

Ngoài ra công ty cũng giới thiệu các kế hoạch "phòng ngừa mệt mỏi" như điều chỉnh hệ thống sao cho nhân viên không bị quá tải đơn hàng vào giờ cao điểm.

Nhà sáng lập Wang Xing của Meituan cho biết trong năm 2023, hãng có 7,45 triệu nhân viên giao hàng và những lao động này kiếm được tổng cộng hơn 80 tỷ Nhân dân tệ từ nền tảng này.

*Nguồn: SixthTone

Bài liên quan

(0) Bình luận
Một hãng giao đồ ăn nổi tiếng công bố mức lương và điều kiện lao động khiến cộng đồng mạng dậy sóng, bị cáo buộc gian dối và bóc lột nhân viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO