Câu chuyện Instagram với kết cục ra đi của hai nhà đồng sáng lập là minh chứng điển hình cho quy luật đào thải khắc nghiệt của giới startup. Nhưng sự phát triển thần kỳ của ứng dụng này, cho đến nay, vẫn là niềm cảm hứng vô tận với bất cứ nhà khởi nghiệp nào. Đó có lẽ là thông điệp đẹp nhất đến từ giấc mơ Instagram.
Năm 2012, Instagram đã tạo nên “cơn địa chấn” trong giới công nghệ thung lũng Silicon khi được Facebook mua lại với giá một tỷ đô-la. Hành trình phát triển cùng lịch sử biến động của ứng dụng này đã được nhà báo Sarah Frier miêu tả đầy chi tiết và sống động trong tác phẩm “Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram” (tựa gốc: “No Filter”).
Ra mắt hồi đầu tháng Mười năm 2010, Instagram liên tục ghi dấu ấn với công chúng khi dẫn đầu bảng xếp hạng ứng dụng trên cửa hàng Apple Store, có lúc vượt cả Facebook về độ phổ biến trên các cửa hàng ứng dụng. Chỉ trong ngày đầu tiên ra mắt, Instagram đã thu hút 25.000 người dùng.
Đến hè năm 2011, con số này đã lên đến 6 triệu. Qua 9 tháng hiện diện, ước tính có khoảng 150 triệu bức ảnh của các tài khoản người dùng được lưu trên Instagram, với trung bình 15 ảnh được đăng lên mỗi giây.
Sở hữu tốc độ tăng trưởng “thần kỳ” là thế nhưng ít ai biết công ty Instagram chỉ có vỏn vẹn 4 thành viên trong sáu tháng đầu hoạt động. Để giữ cho “cỗ máy” Instagram được vận hành trơn tru, các thành viên này phải đảm đương nhiều trọng trách khác nhau, từ việc xử lý những vấn đề phát sinh khi lượng người dùng tăng cao mỗi ngày, cho đến việc chú trọng cảm xúc, sự sáng tạo của người dùng. Chưa kể, việc xử lý các vấn đề phát sinh, giải quyết lỗi, thậm chí là lỗi xác thực tài khoản, vẫn được các nhân viên thực hiện thủ công thay vì sử dụng các công cụ lập trình.
Bằng cách này, giá trị thương mại của Instagram tăng lên từng ngày ngay cả khi công ty sở hữu lượng nhân viên ít ỏi. Đây cũng là giai đoạn Instagram tăng trưởng nhanh mặc dù chưa kiếm được bất cứ đồng doanh thu nào. Thành công bước đầu của Instagram giúp ta nhận ra, nhiều khi giá trị của một công ty khởi nghiệp (startup) không phụ thuộc hoàn toàn vào quy mô nhân sự đồ sộ mà nằm ở chính tiềm năng phát triển to lớn của nó.
Cũng vì lẽ đó mà “gã khổng lồ” Twitter từng không dưới ba lần muốn thâu tóm ứng dụng non trẻ Instagram với số tiền ước tính đến 700 triệu đô-la. Tuy nhiên, Facebook đã sớm nhảy vào cuộc đua giành chữ ký của Kevin Systrom – cha đẻ của ứng dụng Instagram - với con số choáng ngợp: một tỷ đô-la.
Trong khi giới truyền thông cho rằng Facebook đưa ra một cái giá cao hơn giá trị thực tế của Instagram, thì Mark Zuckerberg đã sớm nhận ra Systrom sẽ là nhân vật nguy hiểm đe dọa sự phát triển của Facebook. Cũng như việc thâu tóm Instagram là cách tốt nhất mà Zuckerberg có thể làm để loại bỏ đối thủ đáng gờm trong tương lai.
Tầm nhìn vượt trội của vị tỷ phú công nghệ Zuckerberg cùng những câu chuyện hậu trường hấp dẫn phía sau thương vụ thâu tóm bạc tỷ chưa từng được tiết lộ với công chúng, cho đến khi quyển sách “Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram” ra đời.
Trong cuốn sách, tác giả Sarah Frier viết, trước khi đồng ý để Instagram gia nhập “ngôi nhà chung” Facebook, Systrom từng từ chối lời đề nghị trở thành nhân viên của Zuckerberg.
Năm năm sau lời khước từ, Systrom đã cho ra đời Instagram, và lập tức đưa ứng dụng non trẻ này đứng đầu cửa hàng ứng dụng của Apple, trở thành cái tên được người dùng khắp nơi trên thế giới yêu thích.
Lúc này, cái giá để Zuckerberg thâu tóm thành công Instagram không dừng lại ở một tỷ đô-la, mà quan trọng hết thảy, chính là lời hứa cam kết để ứng dụng này được phát triển độc lập giữa lòng “đế chế” Facebook. Điều này giống như một cú hích tinh thần to lớn cho giới công nghệ. Bởi lẽ, thương vụ Facebook thâu tóm Instagram đã mở ra tiền lệ cho nhiều thương vụ mua lại giữa các “gã khổng lồ” công nghệ với những startup nhỏ tiềm năng khác, cho phép startup vẫn giữ được sự độc lập tương đối, tiếp tục phát triển thay vì chịu chi phối hoặc bị chết yểu để tránh cạnh tranh với công ty mẹ.
Sau khi vụ sáp nhập được thực hiện, Mark Zuckerberg đã giữ đúng lời hứa của mình khi để đội ngũ Instagram được tự do làm những điều họ giỏi nhất…Cho đến khi anh “nuốt lời”.
Đọc sách, ta có thể thấy hai mặt tính cách của Zuckerberg (cũng như một số nhân vật lãnh đạo khác của Facebook) được khắc họa rõ nét kể từ thời điểm Instagram bước vào giai đoạn tăng trưởng người dùng. Khởi đầu bằng việc Instagram ngày càng bị “thương mại hóa” trước sức ép của ông chủ Facebook, cho đến việc Zuckerberg đồng ý duy trì sự độc lập của Instagram trong mảng kỹ thuật nhưng cho phép Facebook can thiệp ngày càng sâu vào mảng bán hàng và vận hành.
Dù vậy, nhờ sự nhạy bén và tài ngoại giao khéo léo của Systrom, cùng nỗ lực tâm huyết của các cộng sự, Instagram vẫn độc lập phát triển theo tiêu chí hướng tới cộng đồng, song song với việc không ngừng cải tiến để phục vụ nhu cầu đa dạng của người dùng.
Năm 2013, khi Instagram đủ lớn mạnh để kiếm tiền từ người dùng bằng hình thức chạy quảng cáo, Systrom đã cẩn thận lựa chọn những thương hiệu uy tín làm đối tác quảng cáo đầu tiên và đạt thành công mỹ mãn. Đến năm 2018, ứng dụng này cán mốc doanh thu 10 tỷ đô-la, nhờ đã thu hút được nhiều người nổi tiếng, những người có sức ảnh hưởng trong xã hội như: Kim Kardashian, Taylor Swift, Rihanna…tham gia.
Thế nhưng chính sự phát triển quá nhanh của Instagram lại là hiểm họa đe dọa sự tồn tại lâu dài của công ty mẹ - Facebook. Cho đến ngày, mối quan hệ giữa hai bên không còn xuôi chèo mát mái. Hai nhà đồng sáng lập Systrom và Krieger bị Zuckerberg khống chế kế hoạch tuyển dụng nhân sự trong bối cảnh Instagram cần giải quyết khối lượng công việc ngày càng nhiều.
Năm 2018, Instagram sắp chạm mốc một tỷ người dùng, nhưng số lượng nhân sự chưa tới 800 nhân viên. Trong khi đó, Facebook đạt mốc một tỷ người dùng với sự hỗ trợ đắc lực của 4.600 nhân viên vào thời điểm sáu năm trước đó.
Lúc này, không quá khó để thấy Mark Zuckerberg trở nên “nhạy cảm” trước mọi thành công của Instagram. Điều này dẫn đến kết quả tất yếu là sự ra đi của hai nhà đồng sáng lập.
Cả Systrom và Krieger sau đó đều từ chức.
Trong thông điệp chia tay, Systrom đã viết: “Mike và tôi rất biết ơn vì quãng thời gian tám năm tại Instagram, trong đó có sáu năm đồng hành cùng Facebook. Chúng ta đã phát triển từ 13 người lên hơn 1.000 người với nhiều văn phòng trên toàn thế giới, đồng thời đã tạo ra sản phẩm được cộng đồng hơn 1 tỷ người sử dụng và yêu thích. Giờ đây chúng tôi đã sẵn sàng cho chương tiếp theo của đời mình”.
Hành trình của hai nhà sáng lập đã kết thúc, nhưng hành trình của Instagram vẫn tiếp tục cho tới ngày nay.
Dù kết cục ra đi của Systrom và Krieger không phải là điều mà chúng ta mong muốn, nhưng đây lại là minh chứng điển hình cho quy luật đào thải khắc nghiệt trong nội bộ bất kỳ công ty lớn nào, không riêng gì Facebook. Nhưng chính sự phát triển thần kỳ của Instagram có thể trở thành niềm cảm hứng vô tận cho bất cứ nhà khởi nghiệp nào.
Đó có lẽ là thông điệp đẹp nhất đến từ giấc mơ Instagram.