Nhân khẩu học già nua của Nhật Bản đã tạo ra một loạt các hậu quả không ngờ tới. Thậm chí giờ đây, nó có thể góp phần vào việc thuyết phục 23 triệu thanh niên Mỹ ở độ tuổi từ 18 đến 29 vẫn sống với bố mẹ rời xa khỏi tổ ấm gia đình. Tại sao lại như vậy?
Manh mối giải thích mối liên hệ này đã xuất hiện vào tuần trước. Sekisui House – một công ty xây dựng nhà ở có trụ sở tại Osaka nói rằng họ đang mua lại đơn vị phát triển nhà ở MDC có trụ sở tại Denver với giá 4,95 tỷ USD. Thỏa thuận này sẽ không chỉ là một trong những thương vụ mua lại lớn nhất trong lĩnh vực này bởi một đơn vị Nhật Bản mà còn đưa Sekisui lọt vào top 5 công ty xây dựng nhà ở hàng đầu tại Mỹ tính theo doanh số vào năm 2022.
Theo các chuyên gia trong ngành, thỏa thuận này là một phần của làn sóng hợp nhất được mong đợi trong lĩnh vực xây dựng nhà ở bị phân mảnh của Mỹ – nơi ước tính 20 công ty lớn nhất nắm giữ khoảng 40% thị trường. Hợp nhất có thể mang lại nhiều nguồn cung hơn, nhà rẻ hơn. Do đó, về mặt lý thuyết, sẽ có nhiều cơ hội hơn cho những người trẻ tự lập – những người cho rằng chi phí nhà ở cao là một trong những lý do chính mà họ vẫn sống cùng với cha mẹ.
Nhật Bản ngày càng nghiêm túc thúc đẩy các thỏa thuận ở thị trường nước ngoài. Trước thỏa thuận Sekisui, Daiwa House cũng đã thực hiện một thương vụ mua lại nhỏ hơn tại Mỹ. Chúng thể hiện tham vọng của các công ty xây dựng nhà ở Nhật Bản đang bùng cháy và việc tìm kiếm các mục tiêu ở thị trường Mỹ của họ đã đạt đến mức cao nhất. Daiwa, Sekisui và Sumitomo Forestry hiện đều đang leo lên bảng xếp hạng của Mỹ về quy mô.
Đằng sau việc Nhật Bản tăng tốc thâm nhập vào thị trường xây dựng nhà ở Mỹ trong hơn một thập kỷ qua là từ ba kiểu chênh lệch.
Đầu tiên là sự chênh lệch về nhân khẩu học. Dân số bản địa Nhật Bản đang đang giảm với tốc độ khoảng nửa triệu người mỗi năm, trong khi thặng dư quốc gia về đơn vị nhà ở (nhà ở và căn hộ) dự kiến sẽ vượt mốc 10 triệu vào năm 2023. Rất nhiều công ty Nhật Bản trong các ngành công nghiệp nhận ra rằng triển vọng tăng trưởng thực sự duy nhất của họ là ở nước ngoài, nơi dân số vẫn đang tăng lên. Các công ty xây dựng nhà có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất về việc các công ty Nhật Bản trên toàn thế giới nhắm đến nguồn nhân khẩu học sinh lợi hơn.
Tăng trưởng dân số của Mỹ, mặc dù ở mức thấp 0,5% vào năm 2023, vẫn được coi là tích cực và lượng nhà ở tồn kho của nước này ở mức thấp. Theo chuyên gia thị trường nhà ở Mỹ John Burns, toàn nước Mỹ đang thiếu khoảng 1,7 triệu đơn vị nhà ở.
Loại chênh lệch giá thứ hai là tài chính. Ngay cả khi có nhiều kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể bước vào chu kỳ tăng lãi suất vào một thời điểm nào đó vào cuối năm nay, chính sách tiền tệ siêu lỏng của nước này vẫn tiếp tục khiến Nhật Bản khác biệt với phần còn lại của thế giới. Các công ty Nhật Bản vẫn có thể huy động vốn với chi phí thấp. Theo Margaret Whelan, chuyên gia ngân hàng đầu tư ngành nhà ở, cho biết việc tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn giúp các công ty xây dựng Nhật Bản có lợi thế đáng kể trên thị trường Mỹ.
Chênh lệch thứ ba là tính thực tiễn. Các công ty xây dựng nhà ở Nhật Bản vốn đã phát triển trong một thị trường nội địa mà nền kinh tế bị chi phối trong hơn 30 năm do sự sụp đổ của bong bóng bất động sản vào cuối những năm 1980 và sau đó là do tình trạng thiếu lao động. Họ làm việc hiệu quả, ít lãng phí và dẫn đầu trong các công nghệ ít sử dụng lao động. Các nhà phân tích cho rằng những yếu tố này có thể khiến họ trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm ở Mỹ, đặc biệt khi họ áp dụng những kỹ năng đó vào các công ty họ mua lại.
Theo FT