'Mỏ vàng’ rác thải dệt may qua tay các nhà tái chế: Từ áo quần thời trang, nguyên liệu cho lò nung xi măng đến kem dưỡng da

Quỳnh Như | 15:22 26/09/2023

Với những nhà tái chế chuyên nghiệp, ví dụ như công ty Môi trường Á Châu, không có rác thải nào trong ngành dệt may là vô dụng. Ví dụ: với các nhóm vải không thể tái sử dụng lẫn kéo sợi/kéo hạt, chúng ta có thể dùng nó làm nguyên liệu cho lò nung xi măng. Ngoài ra, các phụ phẩm trong ngành dệt còn có thể làm mỹ phẩm, như sản phẩm từ mỡ cừu Lanolin Cream của Úc.

'Mỏ vàng’ rác thải dệt may qua tay các nhà tái chế: Từ áo quần thời trang, nguyên liệu cho lò nung xi măng đến kem dưỡng da
Một trong những sản phẩm của công ty Infinited Fiber - chuyên phát triển các loại xơ được làm từ cellulose có nguồn gốc từ chất thải dệt may.

Các phương pháp và công nghệ xử lý chất thải trong ngành dệt may

Hiện ngành dệt may có 3 loại chất thải chính. Đầu tiên là chất thải dệt may tiền tiêu dùng: đây là những loại chất thải ít người biết vì nó không bao giờ đến tay người tiêu dùng, mà nó đến từ các nhà sản xuất ban đầu.

Thứ hai là chất thải dệt may hậu công nghiệp được tạo ra trong quá trình sản xuất các loại sản phẩm từ nguyên liệu ban đầu, chúng chủ yếu đến từ các nhà sản xuất xơ, dây chuyền polymer hóa và các sản phẩm nhựa khác.

Cuối cùng là chất thải dệt may sau tiêu dùng, đến từ người tiêu dùng; ví dụ: những quần áo không được sử dụng hoặc hết hạn sử dụng”, bà Bùi Mai Hương – Trưởng Bộ phận Kỹ thuật Dệt may thuộc Khoa cơ khí – trường ĐH Bách Khoa mở đầu phiên thảo luận thứ 3 ở sự kiện Việt Nam Textfuture 2023.

Theo BBC, năm 2017, chỉ 6% áo quần và vải sợi của ngành dệt may thế giới được tái chế. Cụ thể hơn, chỉ 25% chất thải rắn dệt may được tái chế, còn 75% là được chôn lấp. Vậy nên, cả ngành dệt may thế giới lẫn Việt Nam đang cố gắng thực hiện theo mức độ tăng dần của trình tự sau: tránh sử dụng – giảm thiểu – tái sử dụng – tái chế - phân hủy sinh học.

Và chúng ta cũng nên phân biệt 3 khái niệm: recycling (tái chế) – upcycling – downcycling. “Upcycling tức là tái chế để tạo ra thứ gì đó mới và tốt hơn từ những món đồ cũ hoặc đã qua sử dụng hoặc bỏ đi; còn downcycling thì ngược lại”, theo báo cáo Muthu vào năm 2017.

lanolin.jpg
Kem dưỡng Lanolin Cream (Úc) đã dùng mỡ cừu thải ra trong quá trình chế biến len từ lông cừu.

Hiện đang có 3 xu hướng tái chế: tái chế các phụ phẩm của nhà máy sản xuất dệt may phục vụ cho các ngành dệt may/nông sản/vải địa kỹ thuật; tái chế các phụ phẩm các ngành công nghiệp khác hoặc phế phẩm nông nghiệp cho ngành dệt may; cuối cùng là thay đổi toàn diện cách tạo ra nguyên liệu/cách xử lý chất thải”, bà Bùi Mai Hương chia sẻ.

Cụ thể hơn, theo bà Bùi Mai Hương, ở xu hướng thứ nhất, chúng ta có thể tái chế sợi tơ tằm vụn trong quá trình sản xuất thành ‘vải phụ phẩm -spun-silk’ hay Melange silk; sợi phế thải từ quá trình chế biến len được trộn với len thô để sản xuất chăn, thảm chùi chân, đồ chơi; thu hồi và tái sử dụng nước/hóa chất. Chưa hết, xơ cellulose vụn và len vụn còn có thể làm phân bón cho đất.

Một ví dụ tiêu biểu cho việc dùng chất thải dệt may cho ngành khác – ví dụ như mỹ phẩm, kem dưỡng Lanolin Cream (Úc) đã dùng mỡ cừu thải ra trong quá trình chế biến len từ lông cừu.

sodothap_website.png

Còn bà Lê Thị Ngọc Dung – Giám đốc kinh doanh công ty Môi trường Á Châu, cho rằng: công việc tái chế phế thải ngành dệt may không có gì mới mẻ - minh chứng là công ty bà đã có lịch sử gần 18 năm thực hiện công việc này. Vấn đề chỉ là, ngành tái chế Việt Nam đang không theo kịp với sự phát triển của ngành dệt may. Một doanh nghiệp có các giải pháp quản lý chất thải bền vững tốt có thể biến rác thải thành tài nguyên.

a-chau.jpg
Bà Lê Thị Ngọc Dung – Giám đốc kinh doanh công ty Môi trường Á Châu

Với Môi trường Á Châu, không có rác thải nào trong ngành dệt may là vô dụng. Phụ phẩm nhóm vải thun và một số loại vải khác kích thước từ 3 đến 4 ngón tay có thể tái sử dụng làm vải lau trong ngành may hay bao tay bảo hộ lao động; hoặc chuyển đến các cơ sở của người khuyết tật làm thành thảm chùi chân/nhắc nồi.

Nhóm vải đồng nhất nguyên liệu hoặc riêng biệt, vải chứa thành phần cotton 90%, 60% hay 30% vẫn có thể tái chế thành sợi cotton. Vải hỗn hợp là khó tái chế nhất, nhưng vẫn có thể làm thành các loại sản phẩm lót sàn trong xây dựng hoặc bông trong chăn nệm.

Phần các loại vải không tái chế được nữa có thể dùng làm nguyên liệu cho lò nung xi măng gọi là đồng xử lý chất thải. Vải sau khi trở thành nhiên liệu cho lò đốt sản xuất xi măng, thì tro bay được sinh ra trong quá trình đốt cũng là thành phần quan trọng của xi măng. Vậy nên, với các chất thải mà chúng ta nghĩ là không thể tái chế chúng được nữa, chúng ta vẫn nên phân loại tại nguồn để có thể sử dụng hết tiềm năng của chúng”, bà Ngọc Dung khuyến nghị.

tai-che.png

Khó khăn và thuận lợi trong việc tái chế rác thải ngành dệt may

Theo Thạc sỹ Hứa Phú Doãn – Phó Chủ tịch Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam (VWRA), để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tái chế rác thải dệt may nói riêng và các ngành nghề khác nói chung, Chính phủ hiện có khá nhiều chính sách hỗ trợ.

Hiện các doanh nghiệp đóng góp vào quỹ môi trường được tầm 600 tỷ đồng. Chúng tôi có thể hỗ trợ doanh nghiệp xác nhận hồ sơ để có thể nhận tài trợ từ Nhà nước.

Chương trình hỗ trợ tài chính của Nhà nước cho doanh nghiệp làm tái chế không ngắn hạn mà sẽ dài hạn, mỗi năm quỹ sẽ mở rộng danh mục sản phẩm được tài trợ. Tùy theo quy định, mà phần trăm tài trợ của mỗi sản phẩm khác nhau, có khi giá sản xuất sản phẩm tái chế 6 ngàn được hỗ trợ tới 5 ngàn”, Thạc sỹ Hứa Phú Doãn tiết lộ.

hiep-hoi.jpg
Thạc sỹ Hứa Phú Doãn – Phó Chủ tịch Hiệp hội tái chế chất thải Việt Nam (VWRA)

Bên cạnh đó, theo Giám đốc kinh doanh công ty Môi trường Á Châu, sở dĩ ngành tái chế Việt Nam vẫn đi chậm bởi 2 vướng mắc sau: nhà sản xuất/người tiêu dùng vẫn chưa thực sự hiểu rõ vấn đề tái chế và giá thành sản phẩm tái chế còn quá cao nên khó cạnh tranh với các nước láng giềng.

Người tiêu dùng luôn muốn áo quần mình mua càng đa năng càng tốt: ngoài co giãn tốt còn không được quá nhàu, vừa phải bền màu vừa không dễ rách…; và để đáp ứng những nhu cầu này, các nhà sản xuất buộc phải phối trộn các loại sợi khác nhau để tạo ra các loại vải hỗn hợp. Mà như đã nói ở phía trên, vải hỗn hợp là thứ khó tái chế nhất. Áo quần được dệt từ sợi bông organic luôn mau cũ hơn sợi bông đã được xử lý.

Việc kéo sợi lần 2 từ các loại áo quần cũ có vải đồng nhất nguyên liệu rất dễ, vấn đề phức tạp ở đây là chuyện tách nút áo/dây kéo và các chi tiết trang trí khác, đây là công việc không khó khăn nhưng rất tốn công sức và thời gian.

Ngoài ra, do máy móc và công nghệ ở Việt Nam vẫn chưa hiện đại nếu so với mặt bằng chung của thế giới, nên rất ít sản phẩm tái chế có giá trị cao hơn nguyên liệu tái chế đầu vào và nếu có thì giá thành sản phẩm cũng cao hơn thị trường Trung Quốc hay Bangladesh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
'Mỏ vàng’ rác thải dệt may qua tay các nhà tái chế: Từ áo quần thời trang, nguyên liệu cho lò nung xi măng đến kem dưỡng da
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO