Misfits Market, cửa hàng tạp hóa trực tuyến có trụ sở tại Philadelphia chuyên bán các sản phẩm hữu cơ lỗi về hình dạng, đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực hồi tháng 3/2020. Nhà kho cũ rộng 55 mét vuông với vỏn vẹn 2 chiếc tủ lạnh công nghiệp được nâng cấp sang khu nhà mới 13.000 mét vuông ở Nam Jersey, nơi Misfits Market tập trung vào phân khúc những khách hàng ở xa như Maine, Florida hay Illinois. Thời điểm đại dịch bùng phát, Abhi Ramesh, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành 30 tuổi của Misfits đã thoáng có suy nghĩ: “Có lẽ phải đóng cửa nhà kho rồi. Doanh thu sẽ về 0”.
May mắn, đây là lĩnh vực kinh doanh hàng hoá thiết yếu, vậy nên nhà kho vẫn hoạt động bình thường, song song với các quy trình an toàn được áp dụng. Chẳng mấy chốc, Misfits đã có 90.000 khách hàng trung thành.
“Nhân viên gọi cho tôi và nói, ‘Này, máy chủ gặp sự cố rồi. Lượng truy cập đang quá tải”, Ramesh kể lại, đồng thời cho biết trong vài tháng tới, lượng khách hàng mới đăng ký có thể lên tới 100.000 người.
Thành lập công ty vào năm 2018, Ramesh mong muốn Misfits Market có thể giúp giảm tình trạng lãng phí thực phẩm. Cụ thể, thay vì vứt bỏ những sản phẩm hữu cơ bị lỗi về hình dạng, Ramesh thu gom và bán chúng với giá phải chăng: nhiều nhất 34 USD/tuần. Khách hàng Misfits Market sau đó sẽ nhận được những hộp rau và trái cây hữu cơ méo mó một chút nhưng vẫn ăn được, chẳng hạn như lê, mận, đào… Mùa thu năm 2021, Ramesh huy động thành công 525 triệu USD từ nhiều nhà đầu tư, trong đó có SoftBank với 200 triệu USD, để mở rộng hoạt động.
“Mục tiêu của chúng tôi là làm cho việc mua sắm trở nên dễ dàng hơn so với việc lái xe đến cửa hàng tạp hóa”, Ramesh nói.
Theo Bloomberg, Misfits hiện cung cấp khoảng 700 mặt hàng thực phẩm như siro cây thích, trứng, cá hồi, bít tết, thậm chí là cả các sản phẩm Fruity Pebble không hữu cơ. Không giống như Amazon, FreshDirect LLC hay bất kỳ các cửa hàng tạp hóa điện tử nào, Misfits nhắm vào câu chuyện lãng phí thực phẩm và tệp khách thu nhập thấp không đủ khả năng chi trả. Hàng thừa, sắp hết hạn sử dụng, trông không được đẹp mắt vừa là thách thức, lại vừa là lợi thế cạnh tranh chính của Misfits.
“Gia đình bố mẹ tôi không khá giả. Chúng tôi không có khoản tiết kiệm thực sự nào vào thời điểm đó, bởi cả 2 đều đang trong quá trình gây dựng sự nghiệp. Từ khi còn nhỏ, tôi đã được dạy rằng lãng phí thức ăn chính là lãng phí tiền bạc. Tôi sẽ bị mắng nếu vứt một trái táo mà không ăn hết lõi”, Ramesh kể lại.
Ý tưởng về Misfits đến Ramesh khi anh tới hái táo tại một vườn cây ăn quả hồi năm 2018. Nhìn hàng trăm quả táo rụng nằm lăn lóc trên nền cỏ, Ramesh hỏi vu vơ người nông dân rằng ông ấy sẽ làm gì với chúng và biết được số táo này có thể được ép thành rượu táo, đem tặng hoặc vứt bỏ. Ramesh sau đó ngỏ ý mua lại toàn bộ số táo hữu cơ rụng với giá rất hời chỉ 20 USD.
“Một số quả bị dập và xước vỏ nhẹ. Tôi có thể mua chúng với mức giá rất hời”, Ramesh nói, sau đó bắt đầu tiếp cận những nông dân có đào, hành tây, bí và nhiều nông sản không thể bán khác.
Thông thường, người tiêu dùng Mỹ sẽ đánh giá mùi vị thực phẩm thông qua hình thức của chúng. Các nhà phân phối biết điều này, vậy nên sẽ chỉ mua những sản phẩm đẹp mắt, tránh móp méo, rỗ và không đều màu. Tình trạng này được coi là một vấn đề lớn đối với người trồng trọt.
Theo một báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Môi trường hồi năm 2021, từ 161 tỷ pound đến 355 tỷ pound thực phẩm bị lãng phí mỗi năm ở Mỹ, trong đó đa phần là trái cây và rau quả. Sarah Shepherd, đại diện Lakeside Organic Gardens, California, một trang trại bắt đầu hợp tác với Misfits Market vào năm 2019, cho biết: “Với thực phẩm hữu cơ, điều đó thực sự là một thách thức. Hương vị, chất lượng đều có đủ. Nó chỉ trông không đẹp mắt một chút thôi”.
Được biết nông dân bán sản phẩm dư thừa cho cơ sở kinh doanh của Ramesh với giá chiết khấu vẫn sẽ có lợi hơn là tái sử dụng. Khoản tiết kiệm này sau đó có thể được chuyển cho người tiêu dùng.
Thời gian đầu, Ramesh bảo quản rau củ ngay trong căn hộ studio, sau đó tạo một trang web đơn giản bằng Shopify, hạn chế đăng ký ở khu vực Philadelphia và bắt đầu quảng cáo trên Facebook. Tuần đầu tiên ghi nhận vài nghìn lượt đăng ký email, song lượng khách chấp nhận mua hàng lại rất ít, chỉ khoảng 25 người.
Những chiếc “hộp bí ẩn” đầu tiên được chính Ramesh giao tới khách hàng - “các gia đình ngoại ô muốn hướng đến sự bền vững,”. Tiếng lành đồn xa và trong vòng khoảng 1 tháng, công ty nhận được hàng trăm đơn đặt, nhiều đến mức Ramesh phải nhờ cậy vào các đơn vị vận chuyển như FedEx hay UPS.
“Gói gọn toàn bộ hoạt động kinh doanh trong 4 năm qua, chúng tôi có 2 điều. Một là khách hàng tiết kiệm được những thứ không nên vứt đi, hai là họ cũng đang tiết kiệm tiền”, Ramesh nói.
Sau khi Misfits phát triển và mở rộng quy mô sang Boston, New York, Washington, và cuối cùng là toàn quốc, Ramesh bắt đầu mày mò đa dạng dịch vụ bằng cách tăng tính linh hoạt cho các “hộp bí ẩn”, cho phép khách hàng chọn số lượng rau xanh, trái cây và rau củ sẽ nhận.
Theo Bloomberg, hiện tại, Misfits đang vận chuyển thực phẩm tới 250.000 khách hàng với hơn 40.000 mã ZIP. Trung bình mỗi khách hàng đặt từ 20 đến 30 mặt hàng và chi khoảng 58 USD/tuần, trong đó bao gồm cả đơn hàng tối thiểu bắt buộc hiện có giá cao nhất là 40 USD. Nhờ vậy, cửa hàng tạp hóa trực tuyến này ghi nhận doanh thu kỷ lục 386 triệu USD chỉ trong vòng 2 năm và đang tham vọng đạt 1 tỷ USD trong 18 tháng tới.
Để đạt được điều đó, Misfits cần bổ sung tệp khách hàng mục tiêu tại những khu vực đông dân, hợp lý hóa hoạt động kho hàng và đặc biệt là giảm chi phí vận chuyển bằng cách tăng số lượng mặt hàng trên mỗi đơn.
“Khi khách hàng mạnh tay đặt đơn hàng trị giá 150 USD, tỷ suất lợi nhuận của chúng tôi sẽ cao hơn rất nhiều,” Ramesh nói.
Tuy nhiên, để khách có thể lấp đầy các giỏ hàng với ngân sách hào phóng, Misfits phải chất đầy các kệ trước đã.
Một ngày tháng 8 nóng nực, Ramesh dẫn Andrew Zaleski, phóng viên của tờ Bloomberg đi thăm quan nhà kho rộng rộng hơn 18.000 mét vuông ở Utah của Misfits. Phía bên trong xếp gọn các giá đỡ cao kịch trần đặt đủ mọi thứ, từ phô mai ricotta, sữa ít béo đến bơ.
“Đóng gói sản phẩm cực kỳ khó. Chúng có kích thước và hình dạng khác nhau. Bạn không thể đóng mọi thứ giống nhau”, Ramesh nói, sau đó đưa Zaleski tham quan một tủ đông lạnh riêng biệt - nơi bảo quản thịt và cá. Nhiệt độ thấp đến mức cây bút trên tay người phóng viên như muốn đóng băng.
Rau củ của Misfits chủ yếu là sản phẩm biến dạng; được bán với giá rẻ. Hệ thống dữ liệu của bên thứ ba cho thấy, cà chua lỗi tại Misfits có giá thấp hơn khoảng 20% so với một quả cà chua hoàn hảo bày bán tại các cửa hàng. Nguyên do một phần đến từ việc Ramesh tiết kiệm được đáng kể chi phí đóng gói, khi những rau củ lỗi chẳng cần bao bì màu mè. Trứng và các mặt hàng dễ vỡ được bao bọc bằng bìa cứng, trong khi sản phẩm đông lạnh được giao kèm nhiều gói gel giữ nhiệt có thể tái chế theo tiêu chuẩn công nghiệp. Phần mềm tùy chỉnh còn cho phép nhân viên biết họ nên sử dụng hộp nào trong số 5 loại riêng biệt của Misfits, từ đó cắt giảm kha khá lượng rác thải đóng gói.
“Đây luôn là phần quan trọng trong chiến lược của chúng tôi,” anh nói.
Theo Bloomberg, sứ mệnh cũng như mục tiêu cuối cùng của Misfits là trở thành một cửa hàng tạp hóa trực tuyến dành cho đại đa số người tiêu dùng. Một sự thay đổi sâu rộng như vậy chắc chắn sẽ kéo theo nhiều thỏa hiệp, đơn cử như việc Misfits bắt đầu mua và cung cấp các sản phẩm bình thường. Chỉ có khoảng 14% các sản phẩm được trồng ở Mỹ là hữu cơ, vậy nên, Misfits không có nhiều sự lựa chọn nếu muốn đẩy mạnh lượng hàng tồn kho. Đối với Ramesh, trách nhiệm nói ‘không’ với sự lãng phí vẫn là chìa khóa, song Misfits trong tương lai sẽ cần thu hút thêm hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn nhà cung cấp để có thể hiện thực hóa giấc mơ của mình.
Theo: Bloomberg