Máy nhắn tin có vẻ lạ lẫm với người Việt nhưng thiết bị này có nhiều tính năng "ăn đứt" cả smartphone

Mạnh Kiên | 16:03 19/09/2024

Vụ hàng nghìn máy nhắn tin phát nổ trên khắp Lebanon gần đây đã khiến nhiều người tò mò về thiết bị phổ biến trước kỷ nguyên smartphone này.

Máy nhắn tin có vẻ lạ lẫm với người Việt nhưng thiết bị này có nhiều tính năng "ăn đứt" cả smartphone

Vụ hàng nghìn máy nhắn tin phát nổ trên khắp Lebanon gần đây đã khiến nhiều người tò mò về thiết bị phổ biến trước kỷ nguyên smartphone này.

Mặc dù bị coi là lỗi thời, thậm chí gần như đã ngừng sản xuất, máy nhắn tin vẫn chưa chết. Chúng thậm chí vẫn là phương tiện liên lạc hữu hiệu của nhiều cá nhân, tổ chức trên thế giới. Trong thời buổi công nghệ cao, máy nhắn tin được coi là thiết bị công nghệ thấp. Nhưng chính vì "thấp" như vậy mà thiết bị này lại hữu hiệu trong một số trường hợp.

Máy nhắn tin là gì?

Máy nhắn tin là thế hệ đầu tiên của các thiết bị liên lạc di động cầm tay, cực kỳ hạn chế về chức năng so với điện thoại di động xuất hiện nhiều năm sau đó.

Đây là những thiết bị chỉ nhận các tin nhắn ngắn gọn, thường không dài hơn một câu. Những tin nhắn này rất tiện dụng để gửi một số hướng dẫn hoặc yêu cầu người nhận liên lạc thông qua một phương tiện khác. Bản thân máy nhắn tin không có cách nào để truyền lại tin nhắn. Vào thời đại trước khi có điện thoại di động, ngay cả chức năng hạn chế như vậy cũng cực kỳ hữu ích cho những người đang di chuyển.

Ban đầu, máy được cấp bằng sáng chế vào năm 1949 bởi Al Gross, một nhà phát minh cũng là người đứng sau máy bộ đàm và điện thoại không dây. Khi lần đầu tiên ông giới thiệu thiết bị tại một hội nghị y khoa, các bác sĩ tỏ ra không mấy hứng thú. Họ phàn nàn chiếc máy có thể phá hỏng các chuyến đi chơi golf vào buổi chiều.

Nhưng máy nhắn tin sau cùng vẫn trở nên phổ biến, đặc biệt là vào những năm 1980 và 1990, trở thành phương tiện liên lạc chính trên đường trước khi điện thoại di động ra đời. Đến năm 1984, ước tính có 3 triệu người Mỹ sử dụng máy nhắn tin. Vào năm 1994, có 61 triệu máy nhắn tin được sử dụng. 

Không lâu sau, công chúng nhanh chóng rời bỏ tình yêu với máy nhắn tin để đến với điện thoại di động. Khi điện thoại di động ngày càng rẻ hơn, Motorola — khi đó là nhà sản xuất máy nhắn tin lớn nhất thế giới — đã tuyên bố ngừng sản xuất thiết bị vào năm 2001.

Ở Việt Nam, máy nhắn tin cũng từng được sử dụng vào cuối những năm 90, đầu năm 2000 với giá thành đắt đỏ. Nhưng sự xuất hiện của điện thoại di động đã khiến thiết bị này biến mất nhanh chóng khi còn chưa kịp phổ biến.

"Không ai muốn gửi tin nhắn khi bạn có thể gọi cho ai đó trên điện thoại di động", một nhà nghiên cứu viễn thông nói với tờ New York Times vào năm 2002.

Trong những thập kỷ tiếp theo, khi điện thoại di động trở nên phổ biến và tiên tiến hơn, việc sử dụng máy nhắn tin đã giảm xuống còn một phần nhỏ so với trước đây. Thay vì chạy đến bốt điện thoại sau khi có tin nhắn, mọi người có thể nhận cuộc gọi và trao đổi tin nhắn — và cuối cùng là kết nối với internet — ngay từ các thiết bị trong túi mình.

Chiếc điện thoại thông minh đầu tiên, với giao diện màn hình cảm ứng và các chức năng bao gồm lịch và sổ địa chỉ, được IBM thiết kế và được bán vào năm 1994. Thị trường phát triển trong những năm tiếp theo, với sự ra mắt của các mạng điện thoại di động thế hệ thứ ba (3G) tiên tiến hơn vào năm 2001 và chiếc iPhone đầu tiên của Apple vào năm 2007.

Ai vẫn còn sử dụng máy nhắn tin và tại sao?

Không rõ có bao nhiêu người trên thế giới còn đang sử dụng máy nhắn tin, nhưng ngày nay vẫn còn một số công ty đang sản xuất chúng.

Công ty Gold Apollo có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc) là một trong những nhà sản xuất máy nhắn tin chủ đạo trên thế giới. Được thành lập vào năm 1995, Gold Apollo đã xuất khẩu 41.000 máy nhắn tin trong năm nay. Theo dữ liệu chính thức, công ty này đã xuất khẩu hơn 260.000 máy từ năm 2022 đến tháng 8 năm nay. Spok là một trong những công ty khác cũng đang bán nhiều máy nhắn tin tại Mỹ và tại Úc.

Bệnh viện ở một số quốc gia vẫn sử dụng máy nhắn tin, sử dụng hệ thống liên lạc riêng và có thể đáng tin cậy hơn trong trường hợp khẩn cấp hoặc nếu mạng WiFi hoặc điện thoại bị lỗi.

Spok, công ty cung cấp dịch vụ nhắn tin cho bệnh viện, cho biết các thiết bị này chạy bằng pin và tín hiệu của chúng có thể "đi qua bê tông và thép khi tín hiệu điện thoại thông minh không thể đi qua".

Năm 2019, chính phủ Anh cho biết Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của nước này sử dụng khoảng 130.000 thiết bị, chiếm hơn 1/10 số máy nhắn tin trên thế giới.

Kể từ đó, NHS đã ngừng sử dụng máy nhắn tin trong những tình huống không khẩn cấp và cho biết sẽ loại bỏ dần việc sử dụng chúng để chuyển sang các giải pháp thay thế rẻ hơn như điện thoại di động và ứng dụng, cho phép nhân viên chia sẻ thông tin và ưu tiên nhiệm vụ dễ dàng hơn so với máy nhắn tin một chiều.

Ngoài ra, máy nhắn tin vẫn được các lực lượng ứng cứu sử dụng trong những năm gần đây. Ở Úc, chúng được sử dụng trong các mỏ và nhà máy hóa chất, nơi tia lửa phát ra từ sóng điện thoại có thể gây nguy hiểm.

Máy nhắn tin cũng được sử dụng bởi nhân viên tại các địa điểm cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm các nhà máy điện và hạt nhân, và tại các nhà thầu quốc phòng.

Công nghệ "thấp" trên máy nhắn tin

Tin nhắn gửi đến máy nhắn tin được truyền qua sóng vô tuyến. Vì vậy, về cơ bản, máy nhắn tin là một máy thu vô tuyến cỡ nhỏ.

Mỗi máy nhắn tin đều có một số liên kết, giống như số điện thoại. Các tin nhắn được kết hợp với số này chỉ có thể được nhận bởi máy nhắn tin cụ thể được thiết kế để nhận nó. Các máy nhắn tin khác có thể nhận tín hiệu nhưng không thể giải mã để đọc.

Bởi vì chỉ nhận được tin nhắn qua tần số vô tuyến, nên máy nhắn tin không thể bị theo dõi hoặc truy tìm, trong khi điện thoại di động lại phát ra tín hiệu thời gian thực rất dễ bị lần theo.

Một lý do khác là sóng vô tuyến phổ biến hơn mạng di động. Chúng có sẵn ngay cả ở những khu vực không có mạng di động. Cũng vì chức năng hạn chế mà máy nhắn tin có thể hoạt động trong nhiều tháng chỉ với một cục pin, đây lại là một lợi thế lớn ở những vùng xa xôi nơi nguồn cung cấp điện là vấn đề.

Ngoài ra, trong một tổ chức nào đó, việc ra lệnh hoặc hướng dẫn một chiều gửi đến toàn bộ nhóm thông qua máy nhắn tin là đủ truyền đạt.

Máy nhắn tin có rất ít linh kiện điện tử. Nó có một bộ thu sóng vô tuyến, một mạch nhỏ, một màn hình hiển thị, một cục pin và một loa để phát ra tiếng bíp khi nhận được tin nhắn. Nó không có bất cứ thứ gì có thể kiểm soát được từ xa. Việc hack vào thiết bị, theo cách mà điện thoại di động hoặc máy tính kết nối mạng có thể bị hack là gần như không thể.

Đây là lý do máy nhắn tin dù là thiết bị công nghệ thấp nhưng vẫn chưa thể bị khai tử.


(0) Bình luận
Máy nhắn tin có vẻ lạ lẫm với người Việt nhưng thiết bị này có nhiều tính năng "ăn đứt" cả smartphone
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO