Mặt hàng Việt Nam bị thị trường tỉ dân hạn chế vì "lấn át hàng nội địa": Chủ xưởng người Việt biến nguy thành cơ, làm sản phẩm trở nên đẳng cấp hơn bao giờ hết

Tất Đạt | 19:00 31/01/2023

Theo Business Insider, dù mất thị phần rất lớn ở thị trường Ấn Độ, nhưng tăm hương của một làng nghề Việt Nam vẫn tìm ra lối đi riêng để tiếp tục phát triển.

Mặt hàng Việt Nam bị thị trường tỉ dân hạn chế vì "lấn át hàng nội địa": Chủ xưởng người Việt biến nguy thành cơ, làm sản phẩm trở nên đẳng cấp hơn bao giờ hết

Mỗi dịp Tết đến, làng hương Quảng Phú Cầu lại chìm trong một biển màu hồng. Được biết, có tới gần 3.000 hộ gia đình tại đây — khoảng 70% dân số toàn thị trấn — tham gia làm tăm hương.

Theo Business Insider, tăm hương là loại sản phẩm được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo quanh năm, mang ý nghĩa tâm linh to lớn tại quốc gia Đông Nam Á này. Trong dịp Tết, hay Tết Nguyên đán của Việt Nam, nén hương được sử dụng để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên đã khuất hoặc để hành lễ trước thần linh.

Hoạt động truyền thống có ý nghĩa sâu sắc với niềm hi vọng mang lại sức khỏe và thịnh vượng cho gia đình vào năm mới. Do đó, tăm hương được tiêu thụ rất mạnh vào thời điểm lễ tết. 

Làn khói tỏa ra khi đốt hương được cho là đóng vai trò cầu nối giữa thế giới tâm linh và thế giới vật chất.

Từ bao đời nay, nghề sản xuất tăm hương là ngành mũi nhọn của người dân tại Quảng Phú Cầu. Tuy nhiên, những thay đổi gần đây đã khiến ngành công nghiệp này thay đổi mạnh mẽ. 

Ảnh: Business Insider/Hoàng Liên Son and Dinh Xuân Vū

Trước đây, Ấn Độ vốn là một thị trường màu mỡ đối với dòng sản phẩm tăm hương của Việt Nam do người dân ở đất nước này có nhu cầu thờ cúng và thực hành tôn giáo quanh năm. Tuy nhiên, vào năm 2019, Bộ Thương mại Ấn Độ đã thay đổi chính sách, chuyển việc nhập khẩu tăm hương vào Ấn Độ từ "tự do" sang "hạn chế" trong nỗ lực thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng nội địa. 

Theo ước tính, trước khi gặp hạn chế này, có tới 80-90% lượng nhang nhập khẩu vào Ấn Độ đến trực tiếp từ Việt Nam. Do đó, Việt Nam cũng là quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất từ thay đổi chính sách của thị trường tỉ dân. Người dân và các nhà sản xuất nhang tại các làng nghề như Quảng Phú Cầu chịu ảnh hưởng lớn từ việc này.

Những biến động về thương mại đã khiến nhiều nhà sản xuất Việt Nam phải tìm hướng đi khác cho mặt hàng của mình. Cuối cùng, họ đã thay đổi toàn bộ quy trình sản xuất, hướng đến khách hàng Việt Nam và tăng cường cải tiến sản phẩm.

Ảnh: Business Insider/Hoàng Liên Son and Dinh Xuân Vū

"Ngày xưa, gần 100% dân làng làm hương. Hiện ở làng chúng tôi chỉ còn hai hoặc ba nhà sản xuất lớn", thợ làm hương Nguyễn Thi nói với Business Insider.

Ông đã thay đổi sản phẩm để thu hút khách hàng Việt Nam, đồng thời thực hiện những điều chỉnh đáng kể cho quy trình làm hương tỉ mỉ và chính thống. Sau năm 2019, ông Thi đã chuyển hướng thu hút các nhà bán buôn trong nước với giá khoảng 15.000 đồng/bó và phục vụ thị hiếu người Việt Nam. Ông cũng thiết kế lại những nén hương dài hơn, nhuộm màu hồng và thêm hương thơm.

Tận dụng máy móc để gia tăng hiệu quả, ông Thi đã tăng tốc độ sản xuất lên 50.000 nén hương mỗi ngày - so với chỉ 500 nén mỗi ngày khi làm thủ công. Bằng cách hợp tác với 12 người làm hương khác trong làng, hợp tác xã của ông Thi đã trở thành hợp tác xã lớn nhất ở Quảng Phú Cầu.

Quyết tâm bù đắp phần doanh thu mất mát từ thị trường Ấn Độ, ông Thi đã đăng ký sản phẩm tăm hương của mình với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Các khách mua buôn tiềm năng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm của ông thông qua mã vạch. Tăm hương được làm từ hai phần: phần lõi và phần bột. 

Lõi được làm từ những cây giống như tre mọc ở khu rừng gần đó. Vỏ cây được thu hoạch, bó lại, cân và sau đó bán.

Cuối cùng, các nhà sản xuất tách vỏ cây thành những thanh nhỏ hơn và phơi khô quanh thị trấn. Máy băm cho phép tạo hình hàng nghìn que trong một ngày. Ông Thi cho biết: "Sau khi chặt, các que được chà nhám và đánh bóng, sau đó cắt thành các đoạn dài phù hợp để làm nhang".

Ảnh: Business Insider/Hoàng Liên Son and Dinh Xuân Vū

Tiếp theo, các que đã cắt được vận chuyển đến nhà máy sản xuất tăm hương của ông Thi, nơi các công nhân nhóm chúng lại thành bó. Chúng được nhúng vào thuốc nhuộm màu hồng - như màu hoa sen - hoặc thuốc nhuộm màu đỏ, như màu quốc kỳ Việt Nam.

Sau đó, những bó hương được xếp quanh các sân làng để sấy khô. Các nén hương của ông Thi sử dụng công thức được truyền qua nhiều thế hệ, mang lại cho sản phẩm mùi hương độc đáo sau khi đốt cháy.

Sau khi được sấy khô hoàn toàn, nhang nhuộm được đưa vào máy để phủ bột nhang. Cuối cùng, công nhân đóng gói các nén hương khô và sẵn sàng đem đi phân phối.

Nhờ những thay đổi để thích ứng với nhu cầu của người dân trong nước, năm nào ông Thi và các hộ sản xuất hương cũng có được lợi nhuận lớn. Đặc biệt dịp trước Tết, doanh thu bán hương tăng lên tới hơn 40%.


(0) Bình luận
Mặt hàng Việt Nam bị thị trường tỉ dân hạn chế vì "lấn át hàng nội địa": Chủ xưởng người Việt biến nguy thành cơ, làm sản phẩm trở nên đẳng cấp hơn bao giờ hết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO