Tổng giám đốc của CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) - bà Nguyễn Thị Như Loan - tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 vừa qua đã có một màn đáp lại khá căng thẳng đối với cổ đông về vấn đề công bố thông tin.
Cổ đông đề nghị xin lỗi, cho rằng QCG không tôn trọng cổ đông
Cụ thể, một cổ đông sở hữu 81.000 cổ phần QCG nêu ý kiến: “Đại hội năm ngoái đã ra nghị quyết thưởng cổ phiếu cho cổ đông vào quý III hoặc quý IV, nhưng Công ty không thực hiện và im lặng. HĐQT cũng nên có lời xin lỗi với cổ đông. Bà Loan có thể sở hữu nhiều cổ phần nhưng đã là cổ đông thì ngang bằng nhau. Nếu mình không triển khai thì phải công bố thông tin nêu rõ lý do. Việc này phải phê bình người công bố thông tin, thậm chí cho nghỉ việc”.
CEO Nguyễn Thị Như Loan cho rằng có thể cổ đông đến trễ nên chưa đọc tài liệu đại hội đã đăng tải trên Website cũng như phát tại đại hội, tài liệu đã nêu rất rõ lý do Công ty chưa chia cổ tức 2021 là có nguyên nhân.
Song, cổ đông vẫn không đồng thuận vì cho rằng thông tin phải được công bố trước khi cổ đông đến tham dự đại hội, cụ thể là trước ngày 31/12/2022.
“Thông tin này do UBCKNN quyết chứ không phải do HĐQT hay ban giám đốc quyết được. Ngày 31/12/2022, UBCKNN chưa trả lời làm sao công bố được. Mình đang trình hồ sơ và phải chờ UBCKNN trả lời cụ thể bằng văn bản”, bà Loan trả lời.
Cổ đông tiếp tục nêu ý kiến: “Nếu đến 31/12/2022 - hạn cuối cùng trả cổ tức theo nghị quyết mà mình không thực hiện được thì mình phải ra thông báo do UBCKNN chưa trả lời, chưa chấp thuận nên chúng tôi chưa thể phát hành trong quý IV”.
Cổ đông đề nghị chưa có thông tin kết luận cuối cùng thì cũng phải công bố thông tin, trong khi Website cũng không có bất kỳ thông báo gì cho cổ đông.
Bà Như Loan lại cho rằng do UBCKNN chưa trả lời nên QCG chưa có thông tin công bố. Theo CEO: "Nếu công bố thế này mà UBCKNN quyết thế khác thì công bố nhiều quá khiến “Website không ra cái gì cả”.
Cổ đông tiếp tục ý kiến có thể thông báo rằng “đang đợi UBCKNN trả lời”, do đó cổ đông bức xúc và cho rằng QCG không tôn trọng cổ đông Công ty.
Sau một hồi căng thẳng, bà Như Loan đáp: “Tôi không có trách nhiệm làm chuyện đó”. Phía Công ty sau đó ghi nhận sẽ rút kinh nghiệm về việc này.
“Cổ phiếu QCG biến động rất khó hiểu, cứ trần – sàn rồi trần – sàn”
Theo ý kiến của một cổ đông khác, với tình hình kinh doanh của ngành bất động sản có nhiều khó khăn trong năm nay, cổ đông không quan tâm đến việc chia cổ tức bằng tiền mặt nữa mà hy vọng Công ty có thể giữ tiền lại làm vốn để phát triển doanh nghiệp tốt hơn.
Tuy nhiên, cổ đông cho rằng việc chia cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu kéo dài đến quý III/2025 mới thực hiện là quá xa và đề nghị HĐQT, ban giám đốc nghiên cứu lại.
“Thực tế, có nhiều cổ đông đã đồng hành cùng QCG rất lâu, có thể nói chưa hưởng lợi gì từ QCG, chấp nhận theo QCG là theo tới cùng chứ không bỏ dở. Bản thân tôi cũng đã theo QCG mấy năm nay và không thể đi ra được, nếu đi ra là tôi mất toàn bộ.
Có hai việc: Cổ phiếu không tăng thì phải có cổ tức. Cổ phiếu QCG biến động rất khó hiểu, cứ trần – sàn rồi trần – sàn. Đối với nhà đầu tư dài hạn như tôi thì tôi không quan tâm vấn đề này. Tôi quan tâm pháp lý dự án được tháo gỡ như thế nào, công ty kinh doanh như thế nào…”, cổ đông nói.
Theo ý kiến của bà Loan, nếu Công ty dùng phần lợi nhuận ít ỏi để chia cổ tức thì bản thân bà là người được hưởng nhiều nhất. “Cổ phần của tôi rất nhiều nhưng tôi đã hy sinh, tôi không nhận cổ tức. Nếu tôi nhận cổ tức mà để Công ty phải đi vay thì tôi cũng đau lòng lắm. Bản thân tôi cũng không muốn chia cổ tức bằng tiền giống như ý kiến cổ đông.
Với vốn điều lệ và tài sản như hiện nay, chúng ta kêu gọi đối tác đầu tư rất dễ, còn hơn chúng ta tăng vốn điều lệ lên rất lớn mà tài sản cũng chừng đó thì sự tham gia của đối tác hạn chế hơn.
Mỗi lần đi mời gọi đối tác, câu đầu tiên họ hỏi tài sản của QCG là gì? Vốn điều lệ là bao nhiêu? Vậy xét về quyền lợi, chúng ta phải hy sinh, bản thân tôi hy sinh nhiều nhất. Nếu tôi vì lợi ích cá nhân, vì lợi ích gia đình tôi thì tôi cũng muốn chia cổ tức. Tôi đã theo công ty 29 năm, máu thịt của tôi ở tại Công ty này”, bà Loan giải thích.
Về lý do xin lùi cổ tức 2021 sang quý III/2025, theo báo cáo của HĐQT, Ban Giám Đốc công ty cho biết, ngày 9/8/2022, HĐQT Công ty ban hành nghị quyết thông qua việc triển khai thực hiện phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 đã được tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua. Theo đó, công ty đã hoàn thiện hồ sơ phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và gửi đến Vụ Quản lý Chào bán Chứng khoán của UBCKNN.
Sau khi UBCKNN nhận được hồ sơ phát hành, Công ty thực hiện việc giải trình làm rõ một số nội dung theo yêu cầu của UBCKNN trong quá trình xét duyệt hồ sơ. Về cơ bản hồ sơ đã hoàn tất nhưng do yếu tố khách quan ảnh hưởng đến việc xem xét của UBCKNN.
Cụ thể, tại báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất 2021 đã được kiểm toán, kiểm toán viên lưu ý vấn đề “Công ty chưa tiến hành ghi nhận khoản nợ tiềm tàng liên quan kết quả vụ kiện mà công ty đang khởi kiện CTCP Đầu tư Sunny Island tại Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)”.
Tại thời điểm đó, sự việc đang được VIAC thụ lý giải quyết và đến ngày 10/5/2023 mới có phán quyết cuối cùng: QCG chấm dứt hợp đồng là đúng theo hợp đồng và theo quy định của pháp luật. Số tiền hoàn trả Sunny Island được thực hiện theo điều khoản tương ứng tại hợp đồng về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của QCG.
Do thời gian chờ đợi phán quyết của VIAC để có cơ sở giải trình với UBCKNN dẫn đến chậm trễ hồ sơ phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 và hiện nay vẫn chưa hoàn tất, đã vượt quá thời gian kế hoạch phát hành đã trình xin đại hội cổ đông năm 2022 thông qua. Bên cạnh đó, phán quyết trọng tài cũng cần có thời gian 60 ngày để có hiệu lực theo quy định.
Vì các lý do trên, để giảm bớt áp lực về dòng tiền, tập trung đền bù phần da beo của dự án, đảm bảo sự ổn định cho các hoạt động sản xuất kinh doanh khác được thông suốt trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay và có khả năng kéo dài trong các năm tiếp theo, HĐQT kính trình và xin ý kiến đại hội thông qua việc điều chỉnh thời gian thực hiện việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 vào quý III/2025.