Hôm 29 và 30/7 vừa qua, hai buổi diễn của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc BLACKPINK đã diễn ra thành công tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình – Hà Nội. Đây là lần đầu tiên một nhóm nhạc K-pop tổ chức concert tại SVĐ Mỹ Đình và đã thu hút khoảng 67.000 khán giả đến xem, trong đó có không ít người hâm mộ từ các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore...
Tuy nhiên, nhìn lại thời điểm ban tổ chức concert công bố giá vé, không ít người đã cho rằng mức giá này quá cao so với thu nhập của người Việt Nam. Hạng thấp nhất có giá 1,2 triệu đồng, nhưng chỗ ngồi bị hạn chế tầm nhìn, còn hạng cao nhất giá lên tới 9,8 triệu đồng.
Nhìn nhận câu chuyện giá vé từ góc độ ban tổ chức
Trong series podcast Chapter 0 của Rising Vietnam, Linh Nguyễn - Co-founder công ty giải trí The Bros đã đưa ra góc nhìn từ một người có kinh nghiệm tổ chức nhiều chương trình âm nhạc có tiếng như “In the Moonlight” tại TP. HCM và “Soul of Forest” tại Flamingo Đại Lải, đặc biệt là HAY Glamping Music Festival (HAY Fest) – lễ hội âm nhạc quy tụ 10.000 khán giả hồi năm ngoái.
“Nghệ sĩ sang Việt Nam, lại là nghệ sĩ hạng A đương thời như vậy, họ sẽ kéo theo ekip hạng A, dịch vụ hạng A, cơ sở vật chất, hạ tầng, vận hành, thiết bị đều phải đảm bảo tiêu chuẩn của họ. Như mọi người cũng thấy, ban tổ chức chia sẻ rằng 70% thiết bị nhập từ Thái Lan, Singapore hoặc Hàn Quốc về Việt Nam. Tất cả những điều đó khiến chi phí tổ chức tăng lên rất nhiều”, anh Linh phân tích.
Giá vé là kết quả sau khi cân đối giữa chi phí tổ chức và lượng khán giả tối đa. Co-founder của The Bros cho biết với lượng khán giả ở sân Mỹ Đình khoảng 30.000 – 35.000 mỗi đêm, nếu muốn đưa ra được giá vé thấp nhất mà người Việt Nam có thể mua, ban tổ chức cần tăng giá vé hạng cao nhất.
“Tôi nghĩ thực ra không đơn vị tổ chức nào muốn nhận về nhiều ý kiến trái chiều, nhiều gạch đá vì đưa ra giá vé như vậy cả. Nhưng cũng không một đơn vị nào muốn làm một chương trình và lỗ. Đấy là bài toán mà tất cả chúng ta nên hiểu”, anh Linh nêu quan điểm.
Chia sẻ thêm về công việc tổ chức sự kiện âm nhạc, anh Linh cho biết mỗi nghệ sĩ, hoặc giữa ban nhạc và ca sĩ solo đều có những yêu cầu khác nhau. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá vé.
Đối với HAY Fest, để mở rộng cơ hội mua vé cho khán giả, ban tổ chức đưa ra chiến lược bán vé trong thời gian dài và chia ra nhiều hạng.
Đầu tiên là “Blind Ticket” (vé mù) – dành cho các khán giả không cần biết sự kiện sẽ tổ chức ở đâu, bao giờ hoặc có những nghệ sĩ nào, nhưng tin tưởng rằng chương trình sẽ hay. Tiếp đó là hạng vé “Early Bird” – dành cho những người mua sớm, rồi mới đến các hạng tiếp theo, bao gồm những hạng dịch vụ cao cấp.
Hay Fest năm nay sẽ diễn ra vào cuối tháng 9. Hạng vé “Blind Ticket” với giá 660.000 đồng đã được bán hết chỉ trong vòng 2 phút sau khi mở bán lúc 12h đêm. Hạng vé “Early Bird” với giá 790.000 đồng cũng đã được bán hết sau 1 tháng kể từ lúc mở bán.
Khán giả sẵn sàng chịu chi để thưởng thức âm nhạc
Trước khi tổ chức HAY Fest vào năm ngoái, Linh Nguyễn cùng các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu thị trường. Từ dữ liệu của chính mình khi làm các chương trình âm nhạc, anh nhận thấy rõ ràng khán giả Việt hiện nay sẵn sàng chịu chi cho việc thưởng thức âm nhạc.
“Sau đại dịch, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần, nhu cầu giải trí và thói quen nghe nhạc của mọi người thay đổi rất nhiều, từ việc dịch chuyển xem MV dài nhiều hơn đến đi xem những bản live. Tôi thấy đây là tín hiệu rất sáng cho thị trường live music. Hãy nhìn xung quanh, có rất nhiều lễ hội âm nhạc quy mô nhỏ hơn do các bạn trẻ tổ chức rất thành công về mặt số lượng và sự đón nhận”, anh Linh cho hay.
Đây là tin vui đối với các đơn vị tổ chức sự kiện âm nhạc, bởi theo anh Linh, khá nhiều người từng tổ chức lễ hội âm nhạc ở Việt Nam chia sẻ rằng “mỗi năm có thể mất một cái nhà, hoặc cứ làm concert là lỗ”.
“Vì vậy, chúng tôi cũng nghĩ cách để giải bài toán này, bởi nếu cứ làm là lỗ thì không hề tốt cho bất kỳ cộng đồng hoặc đơn vị tổ chức nào. Một vấn đề nữa là làm thế nào để có full khách. Hai bài toán đó luôn đòi hỏi sự đấu tranh với việc mình có niềm tin vào thị trường hay không, có tin khán giả sẽ bỏ chừng đó tiền để đến sự kiện của mình hay không.
Năm ngoái, HAY Fest lựa chọn một giá vé an toàn để đảm bảo có thể đông khán giả. Nhưng lúc đó chúng tôi cũng có trải nghiệm của những anh chị đi trước, đó là mình sẽ lỗ”, anh Linh kể lại.
“Chúng tôi đã tính toán giá vé sẽ được các nhà tài trợ hỗ trợ, nhưng khi họ đột ngột thay đổi quyết định, bạn sẽ đứng trước nguy cơ phải chi vài tỷ ngoài dự kiến. Năm ngoái chúng tôi đã trải qua điều đấy.
Tôi càng ý thức được rằng phải làm thế nào để có thể tự nuôi sống mình khi tổ chức bất kỳ lễ hội âm nhạc nào, không quá lệ thuộc vào sự trợ giúp và đồng hành của các nhà tài trợ. Còn nếu có họ, khán giả của mình sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn”, Co-founder của The Bros chia sẻ thêm.