"Lừng lẫy" như Samsung làm ứng dụng chat còn thất bại thì Lotus Chat của người Việt thành công kiểu gì?

Mạnh Kiên | 17:11 26/10/2024

Cái chết của ứng dụng ChatOn đến từ Samsung là bài học cho nhiều nền tảng nhắn tin mới ra mắt hiện nay như Lotus Chat.

"Lừng lẫy" như Samsung làm ứng dụng chat còn thất bại thì Lotus Chat của người Việt thành công kiểu gì?

Lotus Chat là một cái tên mới gia nhập thị trường ứng dụng nhắn tin ở Việt Nam. Là nền tảng hội tụ nhiều ưu điểm của các cái ứng dụng khác trên thị trường, tập trung vào bảo mật và công việc, được hậu thuẫn bởi công ty công nghệ lớn - Lotus Chat dường như có rất nhiều tiềm năng để thành công.

Nhưng một nền tảng nhắn tin có thể tỏa sáng hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Không phải cứ làm tốt, tính năng hay, có sự hậu thuẫn vững chắc là sẽ tạo nên công thức trọn vẹn để lên đỉnh vinh quang. Hãy nhớ rằng Google, Microsoft hay thậm chí là Samsung cũng từng làm ứng dụng nhắn tin và họ đã phải chấp nhận bỏ cuộc như thế nào.

Ứng dụng nhắn tin: Chiến trường khốc liệt

Được phát minh vào những năm 1960, tin nhắn tức thời là bước đột phá trong giao tiếp của con người trên môi trường số. Nhưng phải đến năm 1997, khi internet phát triển, một ứng dụng nhắn tin hoàn chỉnh mới thực sự thành hình và được đông đảo công chúng biết đến và sử dụng. Đó là AIM. Và một năm sau đó là sự ra đời của huyền thoại Yahoo Messenger.

 - Ảnh 1.

Kể từ đó đến nay, trong quá trình gần 30 năm phát triển, đã có vô số ứng dụng nhắn tin ra đời. Có những cái tên đã trở thành lịch sử, tiếp tục tồn tại và chiếm lĩnh thị trường. Nhưng cũng có những cái tên lùi sâu vào dĩ vãng, không còn mấy ai nhớ đến.

Theo thống kê, có ít nhất 30 nền tảng nhắn tin tức thời hiện đã ngừng hoạt động. "Ông tổ" AIM cũng là một trong số đó, khi chỉ gắng gượng được đến năm 2017 trước khi thông báo khai tử, kéo theo cả "người em" Yahoo ra đi chỉ một năm sau. Kỷ nguyên giao tiếp số được nhường lại cho những kẻ sáng tạo như WhatsApp. Viber.

BBM cũng là nền tảng rất đình đám trên dòng máy Blackberry vào thời kỳ đỉnh cao. Nhưng khi Blackberry gục ngã trước thời đại của Android và iPhone, BBM chỉ còn là hoài niệm.

Đó chỉ là những ví dụ nhỏ đại diện cho vô vàn cái tên đã chôn vui trong nấm mồ internet khác: ChatON, FireChat, Gizmo5, iChat, Meebo, Mxit, MySpace IM, Odigo Messenger, PowWow, Windows Live Messenger, Google Allo hay Google Hangouts… Rất khó để kể hết.

Những ai từng đắm chìm trong niềm vui với Yahoo Messenger hay BBM chưa từng nghĩ những cái tên rực rỡ như thế sẽ vụt tắt vào một ngày nào đó. Điều đó cho thấy chiến trường ứng dụng nhắn tin khốc liệt đến mức nào. Và ngay cả khi các ứng dụng này đến từ những ông lớn công nghệ hàng đầu, với các khoản đầu tư hàng tỷ đô – vẫn chẳng có gì bảo đảm rằng họ sẽ thành công.

ChatOn – Tham vọng không thành của Samsung

Những người dùng điện thoại Samsung vào đầu những năm 2010 chắc hẳn vẫn còn nhớ về ChatON – dịch vụ nhắn tin từng khá đình đám của hãng công nghệ Hàn Quốc.

Được Samsung cho ra mắt vào năm 2011, thời hoàng kim của các ứng dụng nhắn tin, khi mọi công ty đều muốn có cho mình một nền tảng riêng để chiếm được thị trường đầy tiềm năng. Đây cũng là thời điểm ra đời và phát triển của các ứng dụng thống trị hiện nay như WhatsApp (2009), Viber (2010) Facebook Messenger (2011).

 - Ảnh 2.

ChatON có mặt ở 120 quốc gia (bao gồm cả Việt Nam), hỗ trợ 62 ngôn ngữ, có sẵn trên mọi nền tảng từ Android, iOS, BlackBerry, Windows Phone cho đến điện thoại thông minh Bada (của chính Samsung).

Dựa trên hệ sinh thái và số lượng sản phẩm lớn khi ấy, Samsung cài đặt ChatON trên mọi điện thoại thông minh và máy tính bảng của mình, kỳ vọng sẽ là giải pháp thay thế cho WhatsApp.

Với một công ty nổi tiếng về sáng tạo như Samsung, ChatON tất nhiên có những tính năng khác biệt so với các nền tảng phổ biến, thậm chí còn được coi là đột phá.

Một trong các tính năng độc đáo của ChatON là cho phép người dùng tạo tin nhắn dưới dạng Animation hay gửi các tệp phương tiện trong các cuộc trò chuyện.

Cùng với đó là hàng loạt những thứ mà người ta chỉ thấy trên các ứng dụng hàng đầu hiện nay, như khả năng dịch tin nhắn hỗ trợ các ngôn ngữ phổ biến nhất; Anicons – biểu tượng động giống stickers; Trunk – hộp lưu trữ dữ liệu; PostOn – trang cá nhân; LIVEpartner - dịch vụ tin tức…

Tiềm lực của ChatOn không hề thiếu, lại được ông lớn như Samsung đỡ đầu. Chẳng có điều kiện gì tuyệt vời hơn thế nữa. Thế nhưng ChatOn vẫn đóng cửa vào năm 2015 – chỉ 4 năm có mặt trên thị trường và sở hữu cho mình lượng người dùng không tệ - 100 triệu.

Có một sự thật đáng buồn là dù Samsung đã dùng đến chiến lược cài sẵn ứng dụng trên hàng trăm triệu thiết bị của hãng, người dùng vẫn không mảy may quan tâm. Một người dùng ChatOn trung bình chỉ dành khoảng 10 giây mở ứng dụng mỗi tháng – một con số đáng buồn.

Mảng kinh doanh điện thoại của Samsung thời điểm đó đang gặp khó khăn, ChatOn trở thành vật tế thần.

Công ty Hàn Quốc từng nhắm mục tiêu dùng ChatOn đánh chiếm thị trường Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ, nhưng người dùng di động lại nghĩ khác, khi người Ấn Độ ưa chuộng WhatsApp và người Trung Quốc phát cuồng vì WeChat.

Cái chết của ChatOn và cơ hội cho Lotus Chat

Có nhiều lý do để ChatOn dù rất tiềm năng nhưng vẫn chết yểu. Đầu tiên là "miếng bánh" ứng dụng nhắn tin vào thời điểm những năm 2010 gần như đã chia xong. WhatsApp và Facebook Messenger khi ấy đều đã đạt được 500 triệu người dùng, chỉ còn "mẩu vụn nhỏ" cho những nền tảng khác tranh giành. ChatOn cũng giống như bao cái tên khác, không có nhiều không gian để bứt phá hay có yếu tố quyết định để lôi kéo người dùng.

 - Ảnh 3.

Thêm vào đó, bản thân Samsung là một công ty đa ngành và mảng sản xuất điện thoại vẫn là chủ đạo. Không phải ở vị thế bất bại như bây giờ, trong giai đoạn sống còn khi ấy, Samsung gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với hàng loạt cái thương hiệu điện thoại Android sừng sỏ.

Họ phải lựa chọn hoặc tiếp tục đầu tư dàn trải vào những thứ mơ hồ và ít tương lai như ứng dụng nhắn tin, hoặc tất tay cho canh bạc smartphone. Chia tay ChatOn là lựa chọn hiển nhiên và kết quả thu về là xứng đáng. Samsung hiểu rằng họ không phải công ty chuyên về nền tảng nhắn tin, ChatOn đối với họ chỉ là một cuộc chơi không toan tính nhiều, nên khó có thể cạnh tranh với các đối thủ có kinh nghiệm và nhân lực hùng hậu, cùng nguồn đầu tư khổng lồ.

Trên thực tế, việc thị trường đã định hình bởi các ông lớn không hẳn đã là dấu chấm hết. Với tiềm năng như ChatOn, Samsung hoàn toàn có thể bứt phá nếu chuyên tâm và có đủ sự kiên nhẫn để chờ đợi thời thế thay đổi.

Hãy nhìn vào hiện tượng Telegram. Ra mắt vào năm 2013, Telegram có màn chào sân muộn màng và ít người nghĩ nền tảng này sẽ có người dùng, thậm chí đạt mốc gần 1 tỷ người như hiện nay.

Nhưng Telegram có đủ sự kiên trì suốt 10 năm để đi theo đường ngách và chờ thời đại thay đổi khi người dùng có xu hướng chọn nền tảng bảo mật và hỗ trợ công việc. Nhưng như đã nói ở trên, Samsung không coi ChatOn là ưu tiên lâu dài và họ đã chọn phát triển thế mạnh của mình là smartphone.

Từ câu chuyện của ChatOn, ta cũng thấy ở Lotus Chat có hình bóng khá tương đồng. Cũng là ứng dụng có nhiều tính năng độc đáo, nhiều tiềm năng khai phá, cũng ra đời vào lúc thị trường đã định hình và đến từ một đơn vị đa lĩnh vực.

Lotus Chat có thành công hay không có lẽ sẽ phụ thuộc vào việc nhà phát triển có kiên định theo con đường của mình, có được các yếu tố bứt phá và quan trọng là nắm bắt được cơ hội khi xu hướng thay đổi trong thời đại mới, với bảo mật, đám mây hay AI.


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
"Lừng lẫy" như Samsung làm ứng dụng chat còn thất bại thì Lotus Chat của người Việt thành công kiểu gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO