Nợ xấu hơn 1 triệu tỷ đồng
Phát biểu tại Tọa đàm "Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu", Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho biết, khi phát sinh nợ xấu, ý thức trả nợ của khách hàng rất kém, không hợp tác, không bàn giao tài sản, tạo ra những tranh chấp để kéo dài thời gian trả nợ. Khi Nghị quyết số 42 được Quốc hội ban hành năm 2017 chính thức có hiệu lực đã tạo ra những chuyển biến rõ rệt và thành công nhất là trong việc thu giữ tài sản giúp nâng cao trách nhiệm của người vay, tạo điều kiện hỗ trợ cho ngân hàng trong việc xử lý thu hồi nợ.
Cụ thể, trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực, xử lý nợ xấu đối với việc khách hàng trả nợ bình quân khoảng 20%. Khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực thì tỷ lệ này được nâng lên 36%. Từ 8/2017 đến cuối năm 2023, tổng số xử lý nợ xấu khoảng 445.000 tỷ đồng, trong đó, nợ xử lý khách hàng trả nợ là 161.000 tỷ đồng, xử lý tài sản đảm bảo là 93.000 tỷ đồng chiếm tỷ lệ hơn 20%. Tỷ lệ xử lý nợ xấu thông qua thi hành án, thu giữ tài sản, khách hàng tự trả nợ khoảng dưới 40%.
Tuy nhiên, khi ngày 31/12/2023, Nghị quyết số 42 chính thức hết hiệu lực, tổng số nợ xấu là 4,55%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn là 6,41%. Tính đến ngày 31/12/22024, tổng nợ xấu khoảng 5,46% với số tiền là 1.030.000 tỷ đồng, đây là con số rất lớn. Đặc biệt, 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu tăng nhanh (tăng khoảng 34.000 tỷ đồng), trong khi tốc độ xử lý nợ xấu chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng do các tổ chức tín dụng trích dự phòng rủi ro để xử lý.
Nợ xấu của hệ thống tín dụng hiện lên tới trên 1 triệu tỷ đồng, như “cục máu đông” làm tắc nghẽn nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, cần luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu nhằm giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cần xử lý “cục máu đông”
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết, nhằm khắc phục khoảng trống pháp lý này, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sửa Luật Các tổ chức tín dụng, luật hóa Nghị quyết 42. Dự kiến, dự thảo Luật này sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp tháng 5 tới đây.
Luật hóa là một yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên, việc chuyển hóa các quy định mang tính thí điểm thành luật đòi hỏi phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và đặc biệt là sự công bằng giữa các bên liên quan, bao gồm tổ chức tín dụng, khách hàng vay vốn và các chủ thể có quyền lợi liên đới khác.
Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, việc hoàn thiện hành lang pháp lý không chỉ đơn thuần là một yêu cầu kỹ thuật, mà còn là điều kiện tiên quyết để giải phóng nguồn lực đang bị "đóng băng" trong hệ thống tín dụng. Với dư nợ toàn nền kinh tế khoảng 4 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nguồn lực bị ảnh hưởng nợ xấu là con số rất lớn, có nguy cơ trở thành "vốn chết".
“Tác động kép rất lớn, trong khi vốn không quay vòng được, tài sản bảo đảm đi kèm lại không thể xử lý do vướng pháp lý, khiến hệ thống ngân hàng vừa mất vốn, vừa "giam giữ" tài sản. Điều này làm gia tăng chi phí trích lập dự phòng, từ đó đẩy lãi suất cho vay tăng cao - một hệ lụy mà toàn nền kinh tế phải gánh chịu”, TS Bình cho hay.
Vị chuyên gia này cho rằng, quyền thu giữ tài sản bảo đảm vốn là điều phổ biến ở nhiều quốc gia, được pháp luật bảo vệ như một quyền dân sự đương nhiên. Tuy nhiên, tại Việt Nam, quyền này chưa được thể chế hóa một cách đầy đủ, gây cản trở lớn cho việc thi hành hợp đồng tín dụng và xử lý nợ.
Cần cơ chế giám sát độc lập việc thu giữ tài sản bảo đảm
Tại tọa đàm, các đại biểu nhất trí cho rằng, cần đưa các quy định của Nghị quyết 42 đã phát huy hiệu quả trong thời gian thí điểm vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đề xuất luật hóa 3 nhóm chính sách tại Nghị quyết 42. Một là, các tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp có thỏa thuận đồng ý giữa khách vay và tổ chức tín dụng. Hai là, tài sản của bên phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu chỉ bị kê biên trong trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc được sự đồng ý của các tổ chức tín dụng. Ba là, đối với tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, sau khi hoàn tất thủ tục xác nhận chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý và thi hành án thì cơ quan tiến hành tố tụng hoàn trả vật chứng này cho các tổ chức tín dụng.
Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn bổ sung, nếu trao quyền thu giữ tài sản cho các tổ chức tín dụng thì điều quan trọng nhất là phải có thiết chế bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bên vay, đi kèm điều kiện rõ ràng về trình tự, thủ tục, không xâm phạm quyền tài sản của người dân, doanh nghiệp. “Nên có cơ chế giám sát độc lập; đồng thời cần có thời gian thông báo và quyền phản hồi của bên vay trong quá trình xử lý tài sản”, ông Tuấn đề xuất.
Cùng với đó, do tài sản bảo đảm liên quan đến nhiều chủ thể khác nhau nên cần có hướng dẫn, quy định chi tiết để bảo đảm quyền lợi chính đáng của các bên liên quan. Đồng thời, dự thảo Luật nên quy định cụ thể về việc công khai xử lý nợ xấu như danh mục, quy trình, thời gian xử lý, giá trị thu hồi, phân chia… Việc minh bạch hóa sẽ ngăn ngừa tiêu cực, tạo niềm tin cho các bên liên quan.