Sáng 21/6, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý, hoàn thiện rất công phu, nghiêm túc, tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân, các cơ quan, tổ chức, chất lượng dự thảo Luật được nâng lên nhiều so với dự thảo Luật được trình tại Kỳ họp thứ 4.
Góp ý về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Chương 7, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, dự thảo Luật đất đai chưa có quy định khái niệm xác định thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất; khái niệm bồi thường chưa chuẩn xác, không có quy định bồi thường thiệt hại về tài sản khác khi Nhà nước thu hồi đất…
Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Điều 86, dự thảo luật bổ sung nguyên tắc chung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thay vì các quy định riêng. Các nguyên tắc cho hoạt động bồi thường, hỗ trợ như nguyên tắc bồi thường về đất, bồi thường về tài sản và nguyên tắc hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai 2013.
Cùng với đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần tiếp tục bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự để vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân và vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự 2015.
Đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung nguyên tắc tại Điều 86 dự thảo Luật Đất đai về trách nhiệm giải trình đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.
Về việc giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại Điều 153, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung thêm các đối tượng: các chủ thể đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà ở và tạo việc làm bên cạnh các đối tượng như người có công với cách mạng, người nghèo, người dân tộc thiểu số…
Cơ chế và chính sách tài chính đất đai khi thực hiện sẽ gắn kết chặt chẽ với các chính sách khác về đất đai như quy hoạch giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất gắn với hỗ trợ và bồi thường tái định cư. Để chủ trương này đi vào thực tiễn, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, chính sách tài chính về đất đai cần phải đi đầu, cụ thể là làm sâu sắc và toàn diện hơn những chính sách tài chính có tính chất ưu đãi về đất đai thông qua công cụ thuế để khuyến khích các chủ thể huy động các nguồn lực và đầu tư chỗ ở và tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại Điều 153 và mức giảm cụ thể như đất khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất, di dời do ô nhiễm môi trường, đe dọa tính mạng con người, các công trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu và để thực hiện các chính sách an sinh xã hội khác của Nhà nước.
Góp ý về nguyên tắc đền bù, tái định cư, đại biểu cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ, mục 7.1 giải thích về Điều 90 dự thảo Luật về nguyên tắc bồi thường tái định cư đã bỏ nội dung “người dân sau khi đền bù thì có điều kiện cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước”. Tờ trình giải rằng, việc bỏ nội dung này là do còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo đại biểu, cách giải thích như trên chưa thuyết phục, hiểu chưa đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW. Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu rõ, cuộc sống của người dân được nhận đền bù bằng hoặc tốt hơn trước, không có nghĩa là người dân phải có nhà to hơn hay đường vào nhà rộng hơn… Cuộc sống tốt hơn có nhiều chỉ số để đánh giá, một trong phương pháp để đánh giá được vấn đề này là phỏng vấn, ghi nhận ý kiến của người dân. Nếu hiểu theo nghĩa đen thì sẽ bị vướng vào công tác đền bù và có nhiều ý kiến trái chiều, không xác định được như nào là người dân có cuộc sống tốt hơn.
Điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch
Tham gia phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết, một trong những nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết 18 là hoàn thiện cơ chế chính sách về tài chính đất đai, nghiên cứu, có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.
Đại biểu cho biết, chênh lệch địa tô được hình thành từ việc chuyển mục đích sử dụng đất, từ loại đất có giá trị thấp sang loại đất có giá trị cao, đất nông nghiệp được mua gom, đền bù với giá rẻ rồi chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ có giá cao gấp chục lần. Vấn đề xử lý chênh lệch địa tô đối với đất đai của người dân đang tiềm ẩn nhiều bất công trong xã hội.
Đại biểu nêu rõ, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này phải xóa bỏ bất công từ lợi ích do chênh lệch địa tô, tránh nguồn lực đất đai bị thất thoát, xây dựng chính sách tài chính đất đai, phương thức xác định giá đất, bảo đảm hài hòa lợi ích trong khai thác chênh lệch địa tô giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai, đại biểu cho rằng cần giải quyết tốt hai vấn đề về chênh lệch địa tô và giá đất.
Về nguyên tắc xác định giá đất, đại biểu cho rằng quy định trong dự thảo luật chưa đủ điều kiện để thực hiện xác định giá đất trong đời sống thực tế. Cơ sở để xác định giá đất tiệm cận với giá thị trường vẫn là điều mơ hồ. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất theo giá thị trường, bảo đảm rõ ràng, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết 18.