Tại sự kiện ban tổ chức cho biết, lĩnh vực Blockchain trong nửa đầu năm 2023 ghi nhận sự khởi sắc mạnh mẽ và bứt phá nhờ vào diễn biến tích cực và tiến bộ công nghệ. Việt Nam cũng dần chứng tỏ vị thế của một thị trường năng động và tiềm lực phát triển trên bản đồ Blockchain thế giới.
Tuy nhiên, ngoài những tiềm năng và kỳ vọng phát triển mạnh mẽ trong tương lai, luôn tồn tại những vấn đề liên quan đến pháp lý. Một trong số đó là vấn đề lừa đảo có tổ chức và hết sức tinh vi đang thách thức pháp luật hiện nay.
Ông Phan Đức Trung, cho biết vừa qua VBA đã thành lập Cổng báo cáo dự án có dấu hiệu lừa đảo để xử lý các vấn đề của cộng đồng. Ông Trung đánh giá mức độ xử lý khá tốt, tức khi gặp vấn đề của cộng đồng, không cần biết đúng hay sai, nhà phát hành phải lưu ý đến tính chất để xử lý một cách khéo léo ở các vụ tranh chấp.
“Nếu như không dám chung tay nói thẳng đây là những vấn đề lớn thì chính chúng ta sẽ là những người có lỗi với cộng đồng. Hiệp hội Blockchain phải nói thật không phải mong đợi chúng ta “đánh” một cá nhân, tổ chức nào, mà chúng ta cần phải thanh lọc cộng đồng. Có như vậy bạn bè quốc tế mới đến được và giảm được vấn đề scam của Việt Nam”, ông Trung nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam dẫn báo cáo mới nhất từ BCG ước tính tài sản token hóa sẽ đạt 16 nghìn tỷ USD vào năm 2030, tương đương 10% GDP toàn cầu. Năm 2023, ước tính con số này khoảng 0,6% GDP toàn cầu.
Thách thức khi quản lý tài sản phi tập trung vẫn là những quy định chưa rõ ràng, thẩm quyền quản lý còn mơ hồ, đáp ứng tiêu chuẩn chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và rủi ro cho nhà đầu tư.
Tại Việt Nam, từ năm 2017 đến 2023 chỉ xét xử 2 vụ án liên quan đến tài sản số. Tháng 9/2017, Cơ quan thuế Bến Tre truy thu thuế của thợ đào BTC với trị giá 26 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ quan thuế thua kiện vì BTC không phải tài sản được pháp luật công nhận. Tháng 5/2023 tại TP.HCM, một đối tượng bị kết án tù chung thân, vì hành vi truy cập vào ví điện tử của người khác và chuyển 168 BTC (trị giá hơn 37 tỷ đồng) sang ví cá nhân.
Ông Trung khuyến nghị tài sản số cần được đưa vào khung pháp lý chung chứ không nên chỉ trong một hoặc vài luật chuyên ngành (như Luật các tổ chức tín dụng, Luật Viễn thông…). Trong khung pháp lý chung đó, quyền sở hữu, tài sản và sở hữu trí tuệ… là nội dung cơ bản cần xác lập rõ ràng hơn.
Đó là cách tiếp cận từng bước về kinh tế - chính trị (về quyền sở hữu) từ hệ thống luật cũ (như Luật Dân sự) trong khi chờ đợi là luật mới. “Có thể thí điểm ứng dụng chính sách tài sản số trong một phạm vi, lĩnh vực cụ thể (cơ chế giám sát thử nghiệm có điều kiện Regulatory Sandbox) từ địa phương như cách làm mô hình kinh tế mở hay đặc khu”, ông Trung đề xuất.