CTCP Tập đoàn Lộc Trời (LTG) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023. Trong đó, Công ty chưa lên kế hoạch doanh thu cụ thể, chỉ dự kiến lãi sau thuế đạt 400 tỷ đồng - giảm 3% so với thực hiện năm 2022.
2023 tăng tỷ lệ cổ tức lên 30% bằng tiền mặt
LTG cũng cho biết sẽ nỗ lực đạt lợi nhuận vượt kế hoạch để tích lũy vào quỹ dự phòng rủi ro cho nông dân và quỹ dự phòng rủi ro cho nhân viên theo định hướng phát triển bền vững. Với chỉ tiêu trên, LTG dự tăng tỷ lệ cổ tức 2023 lên 30% bằng tiền mặt (con số của năm 2022 là 25%).
Năm 2022, LTG đạt doanh thu thuần 11.691 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với năm 2021. Đà tăng chủ yếu nhờ ngành lương thực với 6.505 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 57%. 2022 cũng được xem là năm thắng lớn của ngành lúa gạo Việt Nam với nhiều tin vui dồn dập, tiêu chuẩn chất lượng và giá thành gạo Việt trên trường xuất khẩu ghi nhận cải thiện đáng kể.
Ngược lại, doanh thu mảng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tiếp tục giảm hơn 14%, do ảnh hưởng từ việc Syngenta ngừng hợp tác với Tập đoàn trong việc cung cấp sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật vào cuối tháng 2/2022. Tuy nhiên, so với năm 2021 mặt hàng Syngenta chiếm 48% cơ cấu doanh thu của mảng thuốc bảo vệ thực vật, thì năm 2022 chỉ còn chiếm 2,6% tỷ trọng.
Tình hình lãi suất từ các ngân hàng tăng, đẩy chi phí lãi vay tăng 55% so với năm 2021. Theo đó, lợi nhuận sau thuế 2022 của Công giảm xuống còn 412 tỷ đồng.
Lập quỹ riêng cho các “sự kiện đặc biệt” như trường hợp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn
Thông tin đáng chú ý tại Đại hội tới đây, LTG dự công bố tờ trình về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ dự phòng rủi ro cho nông dân, với mục đích hỗ trợ cho nông dân trong trường hợp xảy ra thiên tai trên trên diện rộng với diện tích bị ảnh hưởng tối thiểu 500ha, liền kề trong phạm vi bán kính 2km ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nông dân (gọi chung là “Sự kiện đặc biệt”). Sự kiện đặc biệt phải được xác nhận bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp tỉnh.
Ngoài mục đích sử dụng trên, Quỹ được sử dụng để bảo lãnh cho Công ty trong trường hợp Công ty mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Đối tượng chi bao gồm nông dân có ký hợp đồng hợp tác sản xuất, hợp đồng liên kết sản xuất với Tập đoàn có tên trong danh sách nông dân thời điểm chi và không phát sinh trường hợp chấm dứt hợp đồng hợp tác sản xuất, hợp đồng liên kết sản xuất.
Trong đó, điều kiện chi là nông dân cần cam kết mua giống, vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp từ Tập đoàn trong vụ sau và đảm bảo trả hết nợ gốc với ngân hàng trong vòng 6 vụ.
Về mức chi, căn cứ từng trường hợp cụ thể được Hội đồng quản lý quỹ đề xuất và Tổng Giám đốc phê duyệt. Trong mọi trường hợp tổng số tiền chi theo quy định không vượt 100 tỷ đồng.
HĐQT LTG cũng sẽ trình thông qua việc trích 20 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư phát triển để sử dụng cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới. Đối tượng sử dụng gồm các phòng, ban, đơn vị, bộ phận, viện nghiên cứu, công ty con, chi nhánh thuộc LTG. Thời gian sử dụng dự kiến từ ngày 1/1/2023.
Song song, dự thông qua việc trích lập các quỹ từ lợi nhuận sau thuế, cụ thể, trích lập Quỹ khen thưởng gần 31 tỷ đồng (tương ứng tỷ lệ trích lập 7,5%); Quỹ Phúc lợi gần 31 tỷ đồng (tỷ lệ 7,5%) và Quỹ hỗ trợ các hoạt động xã hội hơn 12 tỷ đồng (tỷ lệ 3%).