Loạt chính sách mới khuyến khích doanh nghiệp khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

PV | 14:10 06/05/2025

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, vào sáng 06/5, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Loạt chính sách mới khuyến khích doanh nghiệp khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ảnh: media Quốc hội

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Thành Long cho biết, trong hơn 10 năm qua, Luật Khoa học và công nghệ 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ.

Trên cơ sở đó, khoa học và công nghệ đã có những bước tiến tích cực, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội và được minh chứng qua nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật KH&CN năm 2013 cho thấy, pháp luật hiện hành còn có những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn để phát triển khoa học, công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp. Ảnh: media Quốc hội

Bên cạnh kế thừa tối đa những nội dung của Luật KH&CN 2013 đã được triển khai có hiệu quả trong thời gian qua và phù hợp với yêu cầu phát triển KHCN&ĐMST hiện nay, dự thảo cũng sửa đổi nhiều nội dung và bổ sung một số nội dung mới.

Theo đó, Dự thảo Luật sau khi được chỉnh lý, hoàn thiện gồm 8 Chương và 83 Điều (tăng 2 Điều so với Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành).

Về phạm vi sửa đổi, Luật được thực hiện theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó doanh nghiệp làm trung tâm, các đại học và viện nghiên cứu là các chủ thể hỗ trợ cùng hướng tới mục tiêu hoạt động Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng.

Về nội dung sửa đổi, đáng lưu ý là dự thảo luật giao quyền tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu và đánh giá hiệu quả cuối cùng của nghiên cứu.

Theo đó, cơ sở nghiên cứu được tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi. Nếu một dự án nghiên cứu không đạt được kết quả như kỳ vọng, tổ chức nghiên cứu sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nghiên cứu.

Những tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí để tiếp tục phát triển. Ngược lại, những tổ chức hoạt động kém hiệu quả sẽ bị cắt giảm nguồn lực, thậm chí giải thể.

Theo lý giải của Chính phủ, việc giao tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu không có nghĩa là buông lỏng trách nhiệm, mà để tạo cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới. Sự dám chấp nhận rủi ro sẽ tạo động lực cho các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, đưa khoa học tiến xa hơn và mang lại những đột phá quan trọng.

Những nghiên cứu không đạt mục tiêu ban đầu mang lại bài học quý giá, giúp tránh lặp lại sai lầm trong tương lai hoặc mở ra những hướng đi mới tiềm năng. Thêm vào đó, cơ chế đánh giá hiệu quả gắn với giao kinh phí đảm bảo tài chính nghiên cứu được phân bổ một cách hợp lý và tạo động lực nâng cao chất lượng khoa học, công nghệ.

Về sở hữu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, dự thảo luật đã xây dựng chính sách cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp…

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy. Ảnh: media Quốc hội

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy khẳng định, Ủy ban cơ bản thống nhất với quan điểm xây dựng Luật; đề nghị bám sát hơn nữa và thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW; thể hiện rõ nét hơn vai trò của doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, “chủ thuyết” phát triển trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST; có quy định mang tính đột phá, vượt trội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chú trọng chính sách kiến tạo phát triển đồng bộ với quản lý theo cơ chế phù hợp. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện trình Quốc hội.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng: Nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng
Tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh vừa phải tập trung ứng phó với diễn biến phức tạp của thế giới, khu vực, vừa thúc đẩy cải cách để tạo nền tảng mới cho phát triển,… Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 diễn ra sáng ngày 6/5.
Loạt chính sách mới khuyến khích doanh nghiệp khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO