Việc Tổng thống Trump áp thuế quan với hàng loạt nền kinh tế trong bối cảnh ông đang nỗ lực giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại cực kỳ lớn của Mỹ đã gây ra “cú sốc” lớn.
Trong khi nhiều nhà kinh tế chỉ trích cách tiếp cận “không nhượng bộ” của ông Trump, song đây là một vấn đề căng thẳng đối với Mỹ. Trước đó, huyền thoại đầu tư Warren Buffett đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thâm hụt ngày càng tăng của Mỹ trong nhiều thập kỷ.
Năm 2003, Buffett đã viết một báo trên Fortune về vấn đề này và gợi ý về cách giải quyết. Trong đó, ông cảnh báo về những rủi ro dài hạn của tình trạng mất cân bằng thương mại dai dẳng.
Thâm hụt thương mại xảy ra khi một quốc gia nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Dù điều này có vẻ vô hại, song vị tỷ phú cảnh báo rằng dần dần tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và tài sản của Mỹ sẽ được chuyển dần cho nước khác.
Ông so sánh tình hình khi đó với một câu chuyện ngụ ngôn liên quan đến 2 hòn đảo hư cấu. Thriftville, nơi người dân chăm chỉ sản xuất nhiều hơn mức họ tiêu thụ và xuất khẩu phần thặng dư. Squanderville là nơi người dân tiêu thụ nhiều hơn mức họ sản xuất, mua hàng hoá của Thriftville bằng cách phát giấy nợ cho ngôi làng này. Dần dần, Thriftville trở thành chủ nợ lớn của Squanderville, khiến Squanderville phải làm việc nhiều hơn để trả nợ và trở thành “nô lệ kinh tế” cho Thriftville.
Buffett cũng đưa ra lời cảnh báo xa hơn đó là việc Thriftville có thể mất niềm tin vào cam kết nợ của Squanderville.
Buffett lo ngại rằng nước Mỹ đang dần trở thành Squanderville - tiêu thụ nhiều hơn so với sản lượng và ngày càng nợ phần còn lại của thế giới. Ông cảnh báo nếu xu hướng này tiếp tục, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ phải đối mặt với những hậu quả kinh tế nghiêm trọng, bao gồm cả việc các nước khác nắm giữ “quyền tài chính” đối với tài sản của Mỹ và nguy cơ đồng USD sẽ trượt giá.
Warren Buffett cho biết, ở thời điểm đó, thâm hụt thương mại của Mỹ đã vượt 4% GDP. Vị tỷ phú chỉ ra một yếu tố đáng ngại không kém là phần còn lại của thế giới nắm giữ nhiều hơn 2,5 nghìn tỷ USD của Mỹ so với khoản nợ Mỹ với các nước khác. Một phần trong số 2,5 nghìn tỷ USD được đầu tư vào các khoản mà Mỹ yêu cầu bao gồm trái phiếu chính phủ và trái phiếu tư nhân, một phần vào các tài khoản như chứng khoán, bất động sản.
Buffett cảnh báo rằng mức thâm hụt tăng lên thì lợi nhuận đầu tư “chảy” ra khỏi Mỹ cũng tăng theo. Do đó, Mỹ sẽ phải trả cổ tức và lãi suất ngày càng nhiều cho các nước khác, thay vì là bên nhận ròng như trước đây. Mỹ đã bước vào giai đoạn lãi kép âm.
Đây là những phân tích của Buffett cách đây hơn 2 thập kỷ. Song, lời cảnh báo của ông vẫn có giá trị cho đến hiện tại. Theo Cục Phân tích Kinh tế Mỹ, thâm hụt thương mại của nước này vào năm 2024 ở mức 3,1% GDP. Đây là dấu hiệu cho thấy tình trạng mất cân bằng vẫn chưa được giải quyết.
Đáng chú ý hơn nữa là sự thay đổi trong việc sở hữu tài sản. Đến cuối năm 2024, giá trị đầu tư quốc tế ròng của Mỹ đã giảm xuống còn -26,2 nghìn tỷ USD, tức là nhà đầu tư nước ngoài hiện sở hữu nhiều hơn 26 nghìn tỷ USD tài sản của Mỹ so với Mỹ sở hữu ở nước ngoài.
Giải pháp mà Buffett đưa ra đó là “thuế quan được gọi bằng một cái tên khác”. Ông đã đưa ra một đề xuất táo bạo đó là hệ thống “Giấy chứng nhận nhập khẩu” (IC).
Theo đó, Mỗi 1 USD hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp Mỹ sẽ nhận được một IC trị giá 1 USD. Để đưa hàng hoá vào Mỹ, các bên nhập khẩu phải mua chứng chỉ này từ nhà xuất khẩu, từ đó tạo ra thị trường trao đổi IC. Điều này khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu vượt quá mức xuất khẩu.
Và ý tưởng này cũng tương tự như việc ông Trump áp thuế quan toàn diện với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.
Buffett cho biết hệ thống này có thể tránh được những vấn đề mà thuế quan truyền thống mang lại, cụ thể là sự chênh lệch về phía một số nhóm ngành, gây căng thẳng địa chính trị và nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại.
Nói cách khác, đề xuất của Buffett được thiết kế để thúc đẩy thị trường hướng tới trạng thái cân bằng, không phải để trừng phạt các đối tác thương mại của Mỹ.
Dù giải pháp của Buffett không được áp dụng trong thực tế, nhưng nhà đầu tư lại phản ứng không mấy tích cực với quyết định của Tổng thống Trump.
Trong khi mối lo ngại về suy thoái và căng thẳng địa chính trị gia tăng, Buffett vẫn liên tục nhấn mạnh về quan điểm của ông rằng ông luôn đặt niềm tin vào nước Mỹ. Ông viết trong bức thư gửi cổ đông vào năm 2016: “Doanh nghiệp Mỹ là một rổ cổ phiếu gần như chắc chắn sẽ có giá trị hơn nhiều trong những năm tới.”
Niềm tin vững chắc của ông một lần nữa được thể hiện trong bản di chúc mới đây được tiết lộ. Vị tỷ phú yêu cầu 90% tài sản thừa kế của vợ ông sẽ được đầu tư vào một quỹ chỉ số S&P 500 có chi phí rất thấp sau khi ông qua đời.
Tham khảo Moneywise