Giá dầu giảm do lo ngại rằng các ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, sẽ làm gián đoạn quá trình phục hồi kinh tế và tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu khi nước này dỡ bỏ các hạn chế về đại dịch.
Cả hai loại dầu chuẩn đều giảm hơn 1 USD/thùng vào đầu phiên sau khi tăng lên mức cao nhất trong ba tuần vào thứ 4 với hy vọng nhu cầu nhiên liệu tăng.
Về cơ sở nguồn cung, dự trữ dầu thô của Mỹ ước tính giảm 1,6 triệu thùng trong tuần trước với dự trữ sản phẩm chưng cất cũng giảm, một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy.
Dù giảm nhưng giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi tin tức rằng Nga đặt mục tiêu cấm bán dầu từ ngày 1/2 cho các quốc gia tuân theo mức trần giá G7 áp đặt vào ngày 5/12.
Tổng thống Vladimir Putin đã đưa ra phản ứng được chờ đợi từ lâu của Nga đối với mức giá trần của phương Tây khi ký sắc lệnh cấm cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu từ ngày 1/2 trong 5 tháng cho các quốc gia tuân theo mức trần.
Nhóm G7, Liên minh châu Âu và Australia trong tháng này đã đồng ý về mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, có hiệu lực từ ngày 5/12 do những diễn biến ở Ukraine.
Mức trần gần với giá dầu hiện tại của Nga nhưng thấp hơn nhiều so với mức giá bất ngờ mà Nga có thể bán trong năm nay và điều đó đã giúp bù đắp tác động của các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga.
Xuất khẩu dầu thô sẽ bị cấm từ ngày 1/2, nhưng ngày cấm các sản phẩm dầu mỏ sẽ do chính phủ Nga quyết định và có thể là sau ngày 1/2.
Trên thị trường nội địa, giá bán lẻ xăng dầu hôm nay được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 21/12 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giao dịch ở mức 19.975 đồng/lít; xăng RON 95 20.707 đồng/lít. Đối với các loại dầu, giá dầu hỏa 21.836 đồng/lít; dầu diesel 21.601 đồng/lít; dầu mazut 12.863 đồng/kg.
Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng đã trải qua 33 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng và 16 lần giảm, một lần giữ giá.