Báo cáo thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần FPT cho biết, tổng doanh thu đạt 62.849 tỷ tăng 19,4% so với cùng kỳ. Doanh thu trong 5 năm qua đều tăng trưởng mạnh mẽ, duy trì mức tăng từ 19% đến 23%.
Lợi nhuận sau thuế đạt 9.271 tỷ đồng tăng 19,1% so với năm 2023. Giá trị vốn hóa có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2024. Mức tăng là 83,8% từ 122.044 tỷ đồng vào năm 2023 lên 224.338 tỷ đồng năm 2024.
Đáng chú ý, báo cáo cũng cho biết top 10 cổ đông lớn nhất của FPT. Trong đó, ông Trương Gia Bình vẫn đang là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu là 6,94% (giảm 0,05 điểm phần trăm so với năm 2023).
Đứng top 2 là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với tỷ lệ sở hữu 5,71% (giảm 0,04 điểm phần trăm so với năm 2023).

.png)
Năm 2024, các cổ đông cá nhân và tổ chức lớn như ông Trương Gia Bình, SCIC, Công ty TNHH QT, ông Bùi Quang Ngọc, VOF Investment Limited, và bà Trương Thị Thanh Thanh đều tăng số lượng cổ phiếu sở hữu 15%, tương ứng với tỷ lệ tăng của tổng số cổ phiếu phát hành, nhưng tỷ lệ sở hữu của họ giảm nhẹ do pha loãng cổ phần.
Cổ đông lâu năm Macquarie Bank Limited giảm sở hữu từ 1,39% xuống 1,16%. Tuy nhiên, năm 2023 Macquarie Bank Limited đứng thứ 9 còn năm 2024 Macquarie Bank Limited xếp thứ 8 trong top 10.
Một số cổ đông lớn năm 2023 như Quỹ ETF DCVFMVN DIAMOND, Stichting Depositary APG Emerging Markets Equity Pool và CTBC Vietnam Equity Fund không còn trong Top 10 năm 2024.
Các cổ đông mới xuất hiện trong Top 10 năm 2024 bao gồm Schroder International Selection Fund, Ntasian Discovery Master Fund, và Government of Singapore, cho thấy sự tăng trưởng của các quỹ đầu tư nước ngoài mới.
Năm 2024 là năm đầu tiên FPT hở room. Trên thực tế, khối ngoại đã bán ròng mạnh tay FPT từ khoảng tháng 5-6/2024 và kéo dài tới hiện tại. Đà bán diễn ra trong bối cảnh thị giá cổ phiếu này liên tục tăng nóng, phá đỉnh cùng “trend” công nghệ toàn cầu.

Giai đoạn trước, FPT được ví như thỏi nam châm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Room ngoại thường xuyên được phủ kín 49% và hầu như chỉ hở ra do các hoạt động ESOP nhưng đều được lấp đầy ngay sau đó. Nhiều giao dịch ghi nhận khối ngoại phải chấp nhận trả một mức giá chênh (premium) cao nhất thị trường, lên đến 40% so với thị giá để sở hữu FPT. Tuy nhiên tới nay, với việc hở room lớn, hiện khối ngoại có thể dễ mua được FPT thông qua giao dịch trên sàn. Dù vậy, khó có thể dự báo thời điểm khối ngoại đảo chiều quay trở lại gom FPT, đặc biệt khi dòng vốn ngoại trên toàn cầu đang có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên trong đó có Việt Nam.
Năm 2025, FPT đặt mục tiêu doanh thu là tăng 20% so với năm 2024 (so với cùng kỳ); lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng, tăng 21%. Nếu hoàn thành, đây sẽ tiếp tục là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục mới của doanh nghiệp đầu ngành công nghệ Việt Nam và sẽ là năm thứ 5 liên tiếp tăng trưởng trên 20%/năm.
Kế hoạch đầu tư dự kiến năm 2025 của FPT, với tổng nguồn vốn 11.000 tỷ VND, được phân bổ cho ba khối chính: Công nghệ (6.000 tỷ đồng), Viễn thông (2.500 tỷ đồng), Giáo dục, Đầu tư và các danh mục khác (2.500 tỷ đồng).
Chiến lược phát triển 2025-2027 là tập trung vào AI - Bán - Xe - Số - Xanh (Trí tuệ nhân tạo, Bán dẫn, Công nghệ ô tô số, Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh), trong đó, AI là trụ cột chiến lược quan trọng nhất.