Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào có thông báo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 10 tháng năm 2024. Tính đến ngày 31/10/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt gần 27,26 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, có 2.743 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 1,4% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 12,23 tỷ USD (giảm 2,5% so với cùng kỳ); có 1.151 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 8,35 tỷ USD (tăng 41,7% so với cùng kỳ).
Có 2.669 giao dịch GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 10,4% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,68 tỷ USD (giảm 29% so với cùng kỳ).
Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 17,1 tỷ USD, chiếm gần 62,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 13,5% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,23 tỷ USD, chiếm gần 19,2% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp 2,38 lần cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,12 tỷ USD và gần 1 tỷ USD. Còn lại là các ngành khác.
Xét về số lượng dự án, bán buôn, bán lẻ là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 35,3%) và số lượt giao dịch GVMCP (chiếm 41,9%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 66,8%).
Đã có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 7,79 tỷ USD, chiếm gần 28,6% tổng vốn đầu tư, tăng 61,3% so với cùng kỳ 2023. Trung Quốc đứng thứ hai với hơn 3,61 tỷ USD, chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông,…
Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 28,8%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 23%) và GVMCP (chiếm 25,7%).
Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 10 tháng năm 2024. Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 4,7 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp 3,15 lần cùng kỳ. Tiếp theo là Thành phố Hồ Chí Minh với gần 2,1 tỷ USD, chiếm 7,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 12,7% so với cùng kỳ.
Quảng Ninh đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,98 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Hà Nội,…
Nếu xét về số dự án, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 41,9%) và GVMCP (chiếm 70,9%). Hà Nội dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 14,3%).
Tính tới hết tháng 10/2024, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng hơn 19,58 USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Dự kiến Việt Nam có thể kỳ vọng thu hút vốn FDI khoảng 39 - 40 tỷ USD cho cả năm 2024. Giáo sư Nguyễn Mại cho rằng năm 2024 có thể là một năm thành công trong thu hút vốn FDI vào Việt Nam và Việt Nam có thể đạt mức giải ngân vốn FDI kỷ lục với 25 tỷ USD.
"Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao", ông Mại chia sẻ
Để nâng cao được dòng vốn FDI, theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), "Việt Nam rất cần tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, tuy nhiên muốn thu hút được dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ thì cần phải có đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp FDI".