Lật lại hồ sơ ngân hàng sắp bị chuyển giao bắt buộc: Có một cái tên từng là cánh chim đầu đàn bị ‘chao đảo’

Dy Khoa | 09:26 04/05/2023

Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt gồm CBBank, OceanBank, GP Bank và DongABank.

Lật lại hồ sơ ngân hàng sắp bị chuyển giao bắt buộc: Có một cái tên từng là cánh chim đầu đàn bị ‘chao đảo’

Tại báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội hồi cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đến nay đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Trong đó bao gồm 3 ngân hàng mua bắt buộc với giá 0 đồng (là Ngân hàng Xây dựng - CBBank, Ngân hàng Đại Dương - OceanBank, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu - GP Bank) và Ngân hàng Đông Á.

Hiện, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định.

b0564353-4b20-451d-b584-c0fcb2a17210.jpeg
Ngân hàng Đông Á và ba ngân hàng sẽ chịu chuyển giao bắt buộc.

Ngân hàng của những điều đầu tiên

Trong số này, Ngân hàng Đông Á từng là cái tên nổi bật trong ngành ngân hàng Việt Nam, đã có lúc nằm trong top 200 doanh nghiệp mạnh nhất Việt Nam do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) bình chọn. Ngân hàng Đông Á được thành lập và chính thức đi vào hoạt động ngày 1/7/1992 với số vốn điều lệ 20 tỷ đồng, 56 cán bộ công nhân viên và 3 phòng ban nghiệp vụ.

Theo công bố trên website của Đông Á, tính đến 31/12/2014, vốn điều lệ của ngân hàng này là 5.000 tỷ đồng. Tổng tài sản cùng năm đạt 87.258 tỷ đồng. Đông Á có 9 khối, 36 phòng ban trung tâm thuộc hội sở cùng 2 công ty thành viên và 212 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc. Tổng số cán bộ, nhân viên là 4.183 người.

Đông Á, tự công bố, có trên 7,5 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Ngân hàng này có 1,6 tỷ USD doanh số chi trả kiều hối.

Từ 1993 - 1998, ngân hàng tập trung nguồn lực hướng đến khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những năm này, Đông Á đi vào sản phẩm dịch vụ mang tính mới mẻ trên thị trường như dịch vụ thanh toán quốc tế, chuyển tiền nhanh và chi lương hộ. Ngân hàng cũng là đối tác nhận vốn ủy thác từ Tổ chức Hợp tác Quốc tế của Thụy Điển (SIDA) tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Đông Á cũng là một trong hai ngân hàng cổ phần tại Việt Nam nhận vốn tài trợ từ Quỹ Phát triển Nông thôn (RDF) của Ngân hàng Thế giới.

Giai đoạn 1999 – 2002, ngân hàng trở thành thành viên chính thức của Mạng Thanh toán toàn cầu (SWIFT) và thành lập Công ty Kiều hối Đông Á. Xây dựng và áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 vào hoạt động ngân hàng. Là một trong hai ngân hàng cổ phần nhận vốn ủy thác từ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), Đông Á đẩy mạnh tín dụng vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Song song đó, ngân hàng thành lập Trung tâm Thẻ DongA Bank và phát hành thẻ Đông Á. Đây cũng là giai đoạn đánh dấu việc tham gia vào hoạt động thể thao với việc nhận chuyển giao đội bóng Công an TP HCM, lập Công ty cổ phần Thể thao Đông Á (CLB Bóng đá Ngân hàng Đông Á).

5967a330-b0c9-4b51-ab98-f09f8367b136.jpeg
Đông Á thành lập hệ thống Vietnam Bankcard (VNBC) kết nối hệ thống thẻ giữa các ngân hàng.

Gần 5 năm sau đó, ngân hàng đạt 2 triệu khách hàng sử dụng Thẻ Đa năng chỉ sau 4 năm phát hành thẻ, trở thành ngân hàng thương mại cổ phần dẫn đầu về tốc độ phát triển dịch vụ thẻ và ATM tại Việt Nam. Trong những năm đó, Ngân hàng Đông Á đã đầu tư và hoàn thành một chuỗi các dịch vụ nhằm mang tiện ích tốt nhất đến cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân. Họ đã triển khai hệ thống ATM và dịch vụ thanh toán tiền điện tự động qua ATM; thành lập hệ thống Vietnam Bankcard (VNBC) kết nối hệ thống thẻ giữa các ngân hàng; kết nối thành công với tập đoàn China Union Pay (Trung Quốc).

Đây cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên phát triển và triển khai thêm 2 kênh giao dịch: Ngân hàng Đông Á Tự động và Ngân Hàng Đông Á Điện Tử, đồng thời triển khai thành công dự án chuyển đổi sang core - banking, giao dịch online toàn hệ thống. Doanh số thanh toán quốc tế vượt 2 tỷ USD và đạt con số 2 triệu khách hàng. 

Đến giai đoạn 2008- 2012, đây là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam sở hữu nhiều dòng máy ATM hiện đại như: máy ATM TK21, sản phẩm ATM lưu động, máy H38N… Ngân hàng có số lượng khách hàng đạt kỷ lục trong giai đoạn đó với trên 6 triệu người và cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích khổng lồ, từ các dịch vụ ngân hàng truyền thống đến các dịch vụ qua các kênh Thanh toán tự động, Ngân Hàng Điện Tử eBanking, các sản phẩm khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp, kiều hối, thanh toán quốc tế…

Khi đó, Ngân hàng Đông Á đã mở rộng mạng lưới rộng khắp từ thành thị, đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Số lượng chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch 24h đạt 240 điểm cùng với 1.400 máy ATM và 1.500 máy POS, kết nối thành công với 3 hệ thống liên minh thẻ VNBC, Smarklink và Banknetvn.

7aa92353-5243-41fb-9fa3-9a63c78775cf.jpeg
Thẻ Đa năng Đông Á từng là bạn đồng hành của nhiều người. 

Trong hai năm tiếp theo, Đông Á tiếp tục sở hữu lượng khách hàng kỷ lục trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần với trên 7,5 triệu, ra mắt và đi vào hoạt động mạng lưới ATM thế hệ mới có chức năng nhận tiền mặt trực tiếp lên đến 250 máy đặt tại hầu hết các trụ sở giao dịch của ngân hàng; khai trương hàng loạt trụ sở mới. Hoạt động kiều hối tiếp tục dẫn đầu thị trường với 1,6 tỷ USD vào năm 2014.

Chịu kiểm soát đặc biệt

Cách đây 10 năm, trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2013, Ngân hàng Đông Á cho thấy lợi nhuận sụt giảm mạnh. Lãi trước thuế hơn 510 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2012. Sau khi trừ thuế, nhà băng này còn gần 400 tỷ đồng lợi nhuận, tương đương giảm 55% so với cùng kỳ. Nợ xấu tính đến ngày 30/9 cùng năm là hơn 1.500 tỷ đồng, chiếm 2,93% dư nợ. Trong số này có khoảng gần 600 tỷ đồng là nợ có khả năng mất vốn.

Đến quý 3/2014, Ngân hàng Đông Á thông báo lỗ trước thuế 66 tỷ đồng và sau thuế lỗ 76 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng và sau thuế 149 tỷ, chưa bằng một nửa cùng kỳ 2013. Kết quả ảm đạm này một phần do tín dụng của Đông Á đến cuối tháng 9/2014 vẫn tăng trưởng âm 0,54%.

Ngân hàng Nhà nước, chiều 14/8/2015, công bố kết luận thanh tra toàn diện Ngân hàng Đông Á và quyết định kiểm soát đặc biệt với ngân hàng này. Ngân hàng Nhà nước sẽ miễn nhiệm, đình chỉ nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đông Á và phối hợp với các cơ quan xử lý tập thể, cá nhân vi phạm gây thất thoát tài sản của nhà nước và nhân dân.

Kết quả thanh tra cho thấy, trong giai đoạn 2012 trở về trước, Đông Á đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của Đông Á", thông cáo của Ngân hàng Nhà nước viết.

Từ đó đến nay, Ngân hàng Đông Á chịu kiểm soát đặc biệt.


(0) Bình luận
Lật lại hồ sơ ngân hàng sắp bị chuyển giao bắt buộc: Có một cái tên từng là cánh chim đầu đàn bị ‘chao đảo’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO