Lãnh đạo DN nhận định khó khăn đã qua, cổ phiếu thép nhanh chóng “bung lụa”, HSG kịch trần: Đi qua cơn bĩ cực, ngành thép đã đến ngày thái lai?

Tri Túc | 15:31 08/02/2023

Đà tăng diễn ra trong bối cảnh ngành có nhiều tín hiệu mới, đặc biệt sau khi thị trường lớn là Trung Quốc mở cửa.

Lãnh đạo DN nhận định khó khăn đã qua, cổ phiếu thép nhanh chóng “bung lụa”, HSG kịch trần: Đi qua cơn bĩ cực, ngành thép đã đến ngày thái lai?

Phiên giao dịch ngày 8/2/2023, nhóm cổ phiếu thép tăng trưởng mạnh. Chốt phiên, hầu hết các mã HPG, POM, TVN… tăng trên 5%, riêng HSG của Hoa Sen và NKG của Thép Nam Kim kịch trần. Đà tăng diễn ra trong bối cảnh ngành có nhiều tín hiệu mới, đặc biệt sau khi thị trường lớn là Trung Quốc mở cửa.

thep.jpeg

Ghi nhận, trong vài tháng trở lại đây, giá quặng sắt đã tăng khoảng mạnh trên 2 chữ số, chủ yếu do kỳ vọng của các nhà đầu tư đối với bức tranh nhu cầu sẽ dần phục hồi trở lại trên thị trường tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc.

Bên cạnh chính sách kích thích của Trung Quốc cho thị trường bất động sản vốn đã gặp nhiều áp lực, động lực tăng của giá sắt càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi nền kinh tế này tiến hành mở cửa trở lại. Điều đó giúp cho đà phục hồi đối với giá quặng sắt trở nên rõ rệt hơn kể từ đầu tháng 12 cho đến nay.

Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng là nhân tố mới thúc đẩy ngành thép. Sẵn sàng vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023, Ấn Độ đang ở giữa thời kỳ bùng nổ xây dựng. Do đó, nền kinh tế này đang nổi lên như một vị cứu tinh cho nhu cầu thép toàn cầu.

Cũng theo dự báo của WS, nhu cầu thép tại Ấn Độ sẽ tăng 6,7% lên khoảng 120 triệu tấn vào năm 2023, mức tăng trưởng cao nhất trong số các nền kinh tế tiêu thụ sắt thép lớn. Con số này có thể sẽ lên tới 200 triệu tấn vào năm 2030, với nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng được dự báo sẽ bùng nổ.

thep-gia.png

Phía DN trong nước, hầu hết lãnh đạo các DN niêm yếu cùng khẳng định khó khăn nhất của ngành đã đi qua. Đơn cử, lãnh đạo Thép Nam Kim (NKG) dù từ chối đưa nhiều nhận định, song vẫn nhấn mạnh: “Chỉ biết giai đoạn khó khăn nhất 2 quý vừa rồi đã qua, khởi đầu năm 2023 dự ổn hơn”.

Hay Hoà Phát (HPG), báo cáo cuối năm Công ty có đánh giá: “Ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục. Công ty đã và đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt”.

Theo nguồn tin từ Kallanish, Hòa Phát đã khởi động lại một lò cao ở Hải Dương và nâng công suất thép thanh thêm 700.000 tấn/năm. Lò cao này đã được khởi động lại từ ngày 27/12/2022 và sẽ mất 7 ngày để bắt đầu sản xuất phôi. Đây cũng là một tín hiệu cho thấy tình hình thị trường thép xây dựng đã cải thiện hơn.

Đặc biệt, Hòa Phát cũng đang dự tính khởi động lại thêm 1 lò cao, nhưng sẽ tùy thuộc vào tình hình thị trường và nhu cầu thép; song song đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, phát triển thêm sản phẩm mới ngành hàng điện máy gia dụng….

Không riêng Hoà Phát, lãnh đạo Thép Pomina (POM) cũng tiết lộ kế hoạch mở lại lò cao vào quý 4/2023. Bởi, khó khăn nhất của ngành đã đi qua, và POM nhận thấy 6 tháng đầu năm tới nhu cầu từ các công trình đầu tư công tăng, thúc đẩy tăng tiêu thụ thép. Chưa kể, thị trường bất động sản sẽ dần hồi phục vào có khả năng bắt đầu trở lại vào 6 tháng cuối năm: Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho HĐKD của ngành nói chung và POM nói riêng.

"Trung Quốc chấm dứ chính sách Zero Covid và chính phủ nước này cũng đã có chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản. Đặc biệt, ở Ấn Độ thị trường thép tăng trưởng nhanh do nhu cầu xây dựng tăng cao. Giá nguyên liệu thế giới tăng, kéo theo phế liệu tăng giá từ 370-450 USD/tấn.

Mặt khác, một điểm sáng cho ngành thép còn liên quan đến lạm phát thế giới đang giảm, các nước phương Tây giảm đà tăng lãi suất và có nhu cầu thép trở ại. Hay Hoà Phát cũng đang xuất khẩu nhiều thép qua châu Âu...", phía POM cho biết thêm.

Về kinh doanh, khép lại năm 2022, hầu hết nhóm doanh nghiệp (DN) thép niêm yết đã công bố báo cáo tài chính với “bức tranh” sớm được dự báo. Trong đó, 8 DN ghi nhận tổng mức lỗ gần 4.400 tỷ đồng trong quý 4/2022, tương ứng lợi nhuận cả năm 2022 của nhóm công ty thép niêm yết sụt giảm nghiêm trọng từ mức 41.000 tỷ (năm 2021) chỉ còn khoảng 5.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân được biết do nhu cầu sụt giảm trong lẫn ngoài nước, giá bán lao dốc trong khi giá nguyên vật liệu tăng (đặc biệt giá than đột biến)…, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh cùng tác động lên hoạt động của DN.

Dù vậy, vẫn có điểm sáng khi sang quý 4, loạt công ty lớn giảm lỗ đáng kể so với quý liền trước.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Lãnh đạo DN nhận định khó khăn đã qua, cổ phiếu thép nhanh chóng “bung lụa”, HSG kịch trần: Đi qua cơn bĩ cực, ngành thép đã đến ngày thái lai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO