Đại gia Đường "bia" bán khách sạn dát vàng Dolce Hanoi Golden Lake
Mới đây, ông Nguyễn Hữu Đường (Đường “bia”) - Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình cho biết sẽ bán khách sạn dát vàng Dolce Hanoi Golden Lake với mức giá khởi điểm 250 triệu USD với nguyên nhân vì công ty hết tiền, không có tiền trả lương cho nhân viên.
Nói về khó khăn của công ty, ông cho biết trong 3 năm Covid-19, mỗi một năm Hoà Bình Group mất khoảng 1.000 tỷ doanh thu và 500 tỷ tiền lợi nhuận. Đặc biệt, năm 2022 còn lỗ hơn bởi đây là năm Hoà Bình khi đưa vào hoạt động cả 3 hệ thống khách sạn của Hòa Bình (gồm 3 khách sạn Somerset Hoa Binh, Dolce Hanoi Golden Lake và Danang Golden Bay). Khách sạn mở ra chỉ được 30% phòng được lấp đầy vì không có khách nước ngoài đến Việt Nam.
Do đó, Hòa Bình cũng đã chuẩn bị tái cơ cấu để chuyển sang việc kinh doanh đem lại hiệu quả lợi nhuận. Hòa Bình đã xin chuyển 2 khu đất 393 Lĩnh Nam và 468 Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) để làm nhà ở xã hội. “Ít nhất làm nhà ở xã hội vẫn có lãi và có tiền trả lương cho công nhân.”
FLC bán Bamboo Airways
Gần đây, tại phiên họp Đại hội cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường lần 2 diễn ra vào sáng ngày 4/3 của CTCP Tập đoàn FLC (mã: FLC), Chủ tịch Tập đoàn cho biết đang có kế hoạch xem xét chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt – Bamboo Airways (BAV).
FLC đã đầu tư vào Bamboo Airways 4.015 tỷ đồng, tương đương 21,7% vốn điều lệ của hãng hàng không này. Trong năm 2021, FLC đã trích lập cho khoản đầu tư này khoảng 373 tỷ đồng. Số FLC dự kiến trích lập cho năm 2022 có thể lên tới 3.642 tỷ đồng.
Như vậy, ước tính kết quả kinh doanh của Bamboo Airways lỗ gần 16.783 tỷ đồng. Việc hợp nhất kết quả kinh doanh của Bamboo Airways cũng khiến FLC lỗ khá lớn. Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 của FLC cho biết doanh nghiệp này đã lỗ 1.888 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022.
Vietnam Airlines bán Skypec, bán tàu bay
Covid-19 đã làm tê liệt ngành hàng không thế giới và "giáng đòn" mạnh vào KQKD của Vietnam Airlines. Với 12 quý lỗ liên tiếp, Vietnam Airlines đang lỗ lũy kế hơn 34.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 10.200 tỷ đồng, cổ phiếu của hãng hàng không cũng đã bị HoSE lưu ý về khả năng bị hủy niêm yết.
Theo đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 của Vietnam Airlines, một trong các nhóm giải pháp là tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền. Vietnam Airlines cho biết sẽ bán hoặc bán và thuê lại các tàu bay cũ, thoái vốn, chuyển nhượng vốn đối với một số danh mục đầu tư tài chính, thực hiện chủ yếu từ 2022-2024.
Cụ thể, Vietnam Airlines dự tính bán 32 tàu bay, trong đó có 26 chiếc phản lực thân hẹp A321CEO và 6 chiếc ATR72. Việc này đem lại thu nhập cho doanh nghiệp, cũng là hoạt động để thay thế dần đội bay bằng các tàu hiện đại và tiết kiệm nhiên liệu hơn. Với các tàu bay mới, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch bán và thuê lại (SLB) 12 tàu thân hẹp và hai động cơ dự phòng.
Vietnam Airlines còn có chủ trương tái cơ cấu danh mục đầu tư, thoái vốn khỏi công ty con/công ty liên kết để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính.
Theo đó, Vietnam Airlines muốn bán Skypec - công ty nhiên liệu hàng không do Vietnam Airlines nắm giữ 100% vốn điều lệ. Gần đây, Vietnam Airlines thông báo mời các đơn vị tư vấn lập và triển khai phương án chuyển nhượng vốn của hãng tại Skypec.
Skypec đã và đang cung cấp nhiên liệu cho tất cả các hãng hàng không trong nước và hơn 100 hãng hàng không nước ngoài. Năm 2018 - 2019, thời điểm Vietnam Airlines đạt doanh thu kỷ lục với khoảng 97.000 - 99.000 tỷ đồng, Skypec chiếm tới 30% tỷ trọng doanh thu của hãng.
Angimex giải thể và bán công ty con
Sau khi ghi nhận quý thứ 3 liên tiếp thua lỗ, CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang liên tiếp thông báo giải thể và chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại một số công ty con.
Theo đó, ngày 21/02, HĐQT AGM thông qua nghị quyết giải thể công ty TNHH Một thành viên Thu mua Lương thực Angimex nhằm sắp xếp lại cơ cấu tổ chức Công ty.
Trước đó, ngày 20/02, HĐQT cũng đã thông qua chuyển nhượng 100% vốn của Công ty tại TNHH Dịch vụ Phát triển Nông nghiệp Đồng Tháp (Dasco). Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là sản xuất phân bón.
Động thái cơ cấu lại công ty diễn ra trong báo cảnh Angimex đang gặp nhiều khó khăn về tài chính. Công ty đang chậm thanh toán lãi hai lô trái phiếu AGMH2123001 và AGMH2223001. Đầu tháng 2, Hội nghị Chủ sở hữu Trái phiếu mã AGMH2123001 đã thông qua việc phát mại tài sản đảm bảo của gói trái phiếu này để trả hết nợ gốc cộng lãi trái phiếu chậm nhất đến ngày 31/3.
Novaland cân nhắc bán bớt tài sản
Theo thông tin của CTCK Bản Việt (VCSC) sau buổi gặp gỡ nhà đầu tư của CTCP Đầu tư Tập đoàn Địa ốc No Va (Novaland) diễn ra vào ngày 10/02 cho biết Novaland đang cân nhắc khả năng bán bớt tài sản.
Thời gian gần đây, Novaland gặp khó khăn về nguồn tiền, công ty và nhiều công ty khác trong cùng hệ sinh thái công bố chậm trả gốc, lãi trái phiếu do chưa thu xếp được nguồn thanh toán.
Novaland đã và đang cân đối và nỗ lực đề xuất tất cả các phương án có thể để thực hiện nghĩa vụ của mình với Trái chủ bao gồm: nỗ lực thanh toán lãi đến hạn, giãn thời hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu trong thời gian phù hợp, hoặc hoán đổi tiền gốc, lãi trái phiếu với các sản phẩm BĐS do Công ty đang đầu tư và phát triển. Theo Novaland, hiện đã có hàng trăm trái chủ đồng ý hoán đổi trái phiếu bằng các sản phẩm BĐS trong thời gian qua khi công ty đưa ra các đề xuất nêu trên.
Ngoài ra, Novaland đã đạt được thỏa thuận với Dallas Vietnam Gamma Ltd. Theo đó, nhà đầu tư này sẽ nhận một phần vốn góp/cổ phần trong hai công ty thành viên của Novaland là Công ty TNHH Đầu tư Địa Ốc Thành Nhơn và Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng Hợp Mũi Né để đổi lấy việc hủy bỏ một số lượng Trái phiếu và Chứng quyền tương ứng mà Công ty đã phát hành cho nhà đầu tư.