SSI Digital Ventures vừa chính thức ra mắt với cam kết đầu tư lên đến 200 triệu USD và kế hoạch đầu tư tổng giá trị đạt 500 triệu USD trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ số và Blockchain.
Theo đó, SSI Digital Ventures được quản lý bởi Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), một thành viên của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI.
Bước đầu, SSI Digital Ventures đã ký kết hợp tác với các đối tác chiến lược, bao gồm Tether – đơn vị tiên phong tạo ra stablecoin đầu tiên trên thế giới và là một trong những tài sản số có giá trị vốn hoá lớn nhất, KuCoin – nền tảng giao dịch tài sản số uy tín với mạng lưới đối tác quốc tế rộng khắp, và SBI Digitals Market – thành viên của Tập đoàn Tài chính SBI, tập đoàn trong các lĩnh vực dịch vụ tài chính và quản lý tài sản tại Nhật Bản.
Đồng thời, sáng ngày 21/01/2025, SSID đã chính thức khởi động Dự án Tổ hợp Công nghệ Số và Blockchain trên diện tích 1,7 ha tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. Dự án được định hướng trở thành trung tâm R&D tiên phong của Việt Nam, đồng thời đang chuẩn bị nền tảng để trở thành một trong các sandbox đầu tiên nhằm thúc đẩy đổi mới và phát triển công nghệ số cùng Blockchain, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hệ sinh thái chuyển đổi số toàn cầu.
Công nghệ số: nền tảng quan trọng cho Việt Nam "cất cánh"
Ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vào hôm 13/1, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt.
Đây chính là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc.
Trong đó, Việt Nam cần phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới. Đến năm 2030, đưa Việt Nam vào top 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển công nghệ số, đồng thời tạo ra ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế.
Thực tế, công nghệ số đã và đang khẳng định vai trò động lực chủ chốt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội. Doanh nghiệp công nghệ số ngày càng đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế.
Theo báo cáo từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong năm 2024 đạt gần 158 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp ước tính đạt khoảng 272.000 tỷ đồng, đóng góp 43.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.
Tổng số nhân lực đạt 1,67 triệu người, tăng 67% so với năm 2019; Toàn ngành có 73.788 doanh nghiệp đang hoạt động tăng 10,12% so với 2023.
Hiện Việt Nam có 11 doanh nghiệp công nghệ số đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, 11 doanh nghiệp công nghệ số nghìn tỷ này có doanh thu 82.251 tỷ đồng, tương đương 3,3 tỷ USD.
Trong bản đồ công nghệ số, Việt Nam đang đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; Đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; Đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; Đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử; Đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm.
Mục tiêu năm 2025, doanh thu ngành công nghiệp công nghệ là 4.320.000 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm 2024.