Làm thế nào một công ty dệt lưới đánh cá có thể tạo ra hàng trăm tỷ đồng doanh thu với chỉ vỏn vẹn 5 tỷ đồng máy móc thiết bị?

An Vũ | 10:42 14/03/2023

Công ty cổ phần dệt lưới Sài Gòn tiền thân là Trúc Giang Kỹ Nghệ Công ty được thành lập từ năm 1968, là một trong những công ty dệt lưới đánh cá lớn và uy tín nhất ở miền Nam Việt Nam.

Làm thế nào một công ty dệt lưới đánh cá có thể tạo ra hàng trăm tỷ đồng doanh thu với chỉ vỏn vẹn 5 tỷ đồng máy móc thiết bị?

Năm 1978, theo quyết định số 2282/STS-TCCB ngày 15/12/1978 của Sở Thủy sản sáp nhập Xưởng Nhựa số 6, công ty Trần Phục Phát và Việt Nam dệt lưới công ty thành lập Xí nghiệp quốc doanh Dệt lưới bao bì, tiếp tục kế thừa, duy trì và phát triển sản phẩm truyền thống của Trúc Giang Kỹ Nghệ công ty là sản xuất các loại chỉ cước và lưới đánh bắt thủy hải sản, chủ yếu phục vụ cho ngư trường miền Nam.

Sau này, xí nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ ở miền Trung, một số tỉnh phía Bắc và xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Á.

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, năm 2000, doanh nghiệp chính thức cổ phần hóa, hoạt động theo mô hình công ty CP, cổ đông Nhà nước nắm giữ 40% vốn điều lệ của công ty.

Năm 2006, công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (sau đó chuyển về giao dịch trên SGDCK Hà Nội), mã SFN.

Hình ảnh minh họa

Hiện nay, SFN có quy mô tổng tài sản khá khiêm tốn, chỉ 77,7 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2022. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tài sản là tiền (44%) và hàng tồn kho (33%). Doanh nghiệp hiện không sử dụng đòn bẩy tài chính nên các hệ số nợ và thanh toán đều ở mức bảo đảm.

Điểm đáng chú ý trong bảng cân đối cuối 2022 của SFN đó là mặc dù là doanh nghiệp sản xuất nhưng giá trị tài sản dài hạn của công ty lại rất khiêm tốn, chỉ vỏn vẹn hơn 5 tỷ đồng. Tài sản cố định hữu hình có nguyên giá 126 tỷ đồng đã được khấu hao gần hết, giá trị còn lại đến cuối năm 2022 là hơn 5 tỷ đồng.

Theo thuyết minh BCTC kiểm toán năm 2021, nguyên giá TSCD hữu hình (chủ yếu là máy móc thiết bị) đã khấu hao hết nhưng vẫn sử dụng 111,7 tỷ đồng. Nghĩa là số máy móc thiết bị này đã hết thời gian khấu hao theo sổ sách nhưng vẫn đang hoạt động và tạo ra giá trị cho doanh nghiệp.

Đây là một lợi thế về giá thành của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại (giảm chi phí khấu hao), tuy nhiên cũng đặt ra thách thức trong tương lai khi máy móc sản xuất ngày càng giảm giá trị sử dụng, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đầu tư mới.

Về hiệu quả kinh doanh, mặc dù quy mô nhỏ nhưng SFN vẫn đều đặn có lãi qua các năm. 

Doanh thu - Lợi nhuận SFN theo năm (từ 2018-2022)

Doanh thu SFN không có sự biến động quá lớn trong 5 năm gần đây, ngoại trừ năm 2021, doanh thu giảm về mức 139,5 tỷ đồng do chịu tác động nặng nề của Covid, công ty phải tạm đóng cửa trong 2 tháng.

Năm 2022, doanh thu đạt 171 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước đó, tuy nhiên lợi nhuận lại giảm mạnh. Trước thuế, công ty chỉ ghi nhận 10,6 tỷ đồng lợi nhuận, giảm tới hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nguyên nhân được doanh nghiệp giải thích, bởi:

- Giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh

- Giá xăng, dầu tăng liên tục từ đầu năm, đặc biệt tăng mạnh trong quý 2 và nửa đầu quý 3 năm 2022. Nghề đi biển, khai thác thủy hải sản được xem là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề trong cơn bão giá xăng dầu. Nhiều tài đánh bắt thủy hải sản nằm bờ, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ về chỉ - lưới - vật tư đánh bắt giảm sút.

- Quý 4/2022, tác động của tỷ giá USD/VND ảnh hưởng đến giá thành của sản phẩm do nguyên liệu phải nhập khẩu.

Cổ phiếu SFN hiện đang được giao dịch với giá 22.100 đồng/cp. Đây cũng là cổ phiếu có lịch sử trả cổ tức bằng tiền rất đều đặn từ 2013 đến nay.

Lịch sử trả cổ tức của SFN một số năm gần đây - Thống kê theo Fireant

Mức chi trả cổ tức cho năm 2022 sẽ được quyết định bởi Đại hội cổ đông công ty diễn ra vào tháng 4 tới đây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Làm thế nào một công ty dệt lưới đánh cá có thể tạo ra hàng trăm tỷ đồng doanh thu với chỉ vỏn vẹn 5 tỷ đồng máy móc thiết bị?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO