Nền tảng thương mại điện tử Sendo của Việt Nam đã thông báo dừng hoạt động tại thị trường cốt lõi vào ngày 15 tháng 4. Động thái bắt nguồn từ thực tế thống trị của Shopee, TikTok Shop và Lazada, song chưa hẳn là dấu chấm hết cuối cùng.
Theo Rest of World, công ty đã đổi tên thành Sendo Farm, thu hẹp quy mô hoạt động thương mại điện tử rộng lớn để tập trung hoàn toàn vào hàng tạp hóa trực tuyến — thị trường ước tính giá trị 2,8 tỷ USD vào năm 2024. Mô hình này phụ thuộc nhiều vào mạng lưới các bà nội trợ, người làm việc từ xa và chủ cửa hàng nhỏ lẻ.
Jane Ha, giám đốc tiếp thị cấp cao tại công ty nghiên cứu thị trường quốc tế Kantar, chia sẻ với Rest of World rằng: “Sự thay đổi chiến lược của Sendo là chỉ tập trung vào Sendo Farm và thoái vốn khỏi các hoạt động thương mại điện tử. Điều này cho thấy sự cạnh tranh gay gắt và quá trình hợp nhất dần đang diễn ra trong thị trường trực tuyến của Việt Nam. Sự chuyển đổi cho thấy nhu cầu thích nghi của những công ty nhỏ trong một thị trường ngách để tồn tại”.
Từ khi ra mắt vào năm 2012 đến năm 2021, Sendo phục vụ 12,5 triệu khách hàng trong một thị trường đạt 61 triệu người mua sắm trực tuyến vào năm 2023, dưới sự hậu thuẫn của FPT, công ty CNTT lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 2024, thị phần công ty giảm xuống dưới 1%, theo Kantar. Mức giảm phản ánh xu hướng chung ở Đông Nam Á, khi 3 năm qua, nhiều nền tảng trong nước thu hẹp quy mô hoặc đóng cửa vì cạnh tranh quá gay gắt. Theo Cube Asia, ngành thương mại điện tử của khu vực đã tăng trưởng 15% mỗi năm.
Sendo Farm nhận đơn đặt hàng trước một ngày thông qua ứng dụng. Sáng hôm sau, công ty sẽ giao một lượng lớn các đơn đặt hàng đến ‘mạng lưới mặt đất’ (thường là các bà nội trợ hay chủ cửa hàng nhỏ) để phân loại, phân phối trong khu phố. Khách hàng cũng có thể nhận hàng tại địa điểm của đối tác.
Những công ty lớn như Shopee và Lazada đã giành được thị phần bằng cách cung cấp các chương trình giảm giá và miễn phí vận chuyển. Chiến thuật giúp họ bán được khối lượng sản phẩm lớn đa dạng, từ đó hình thành lợi thế kinh tế lớn theo quy mô — điều mà Sendo không thể duy trì khi cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.

“Vấn đề là, nếu không còn miễn phí vận chuyển nữa, không có chương trình khuyến mãi sản phẩm, không có chương trình giảm giá chớp nhoáng hoặc phiếu giảm giá, khách hàng sẽ ngừng mua hàng”, Đức Phạm, người đã đảm nhiệm nhiều chức vụ tại Sendo từ năm 2014 đến năm 2021, chia sẻ với Rest of World. Anh cho biết Sendo phải tạo sự khác biệt vì tất cả các nền tảng đều cung cấp các sản phẩm tương tự và nhắm đến cùng một nhóm khách hàng.
Mô hình Sendo lựa chọn để tồn tại lấy cảm hứng từ gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc Pinduoduo. Mô hình kinh doanh của Pinduoduo tập trung vào việc khuyến khích người mua gộp đơn hàng để nhận được các khoản chiết khấu theo nhóm. Năm 2021, Sendo Farm khai trương kho hàng đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian phong tỏa vì Covid-19.
Giao diện ứng dụng di động của Sendo Farm hiển thị nhiều danh mục sản phẩm và chương trình khuyến mãi, bao gồm thực phẩm, sản phẩm vệ sinh và giảm giá cho khách hàng lần đầu. Thanh trên cùng có chức năng tìm kiếm và cài đặt vị trí, trong khi các biểu tượng nhiều màu sắc biểu thị các mục như ‘Siêu khuyến mại’ và ‘Rau tươi’. Lê Thị Lan, 53 tuổi, đã phải vật lộn để mua hàng tạp hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian phong tỏa, cho đến khi bà phát hiện ra Sendo Farm trên Facebook. “Lúc đầu, tôi sợ bị lừa đảo”, chị Lan nói với Rest of World. “Tuy nhiên sau đó, tôi thử chấp nhận rủi ro xem sao”.
Vào cuối năm 2022, ngay khi Trung Quốc mở cửa trở lại, Tổng giám đốc điều hành Sendo Trần Hải Linh và Phó tổng giám đốc điều hành Nguyễn Phương Hoàng đã bay đến Trung Quốc tìm hiểu hoạt động kinh doanh tạp hóa trực tuyến, với mục đích “làm những điều chưa ai từng làm trước đây”.
.png)
“Những thông tin giá trị thu thập được đã được triển khai ngay tại Sendo sau khi chuyến công tác kết thúc”, ông Hoàng viết.
Theo bà Thảo, Sendo Farm đã thu hút được 1 triệu khách hàng, hàng chục nghìn đối tác giao hàng và hàng trăm nhà cung cấp nông sản tươi sống cùng các loại tạp hóa khác. Bà cho biết công ty mua hàng tạp hóa trực tiếp từ nguồn để giảm chi phí trung gian và duy trì khả năng cạnh tranh.
Nguyễn Duy Lư, người trước đây từng làm việc tại Sendo, chia sẻ với Rest of World rằng mặc dù Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng về cách các khu dân cư và chung cư tổ chức mua hàng tạp hóa theo nhóm, song cơ sở hạ tầng vẫn có sự khác biệt.
“Việc sản xuất ở Việt Nam bị phân mảnh hơn, vậy nên theo dõi các nguyên liệu đầu vào khá khó. Số lượng người dùng Sendo vẫn chưa đủ lớn”, anh Lư nói. “Vì vậy, Sendo Farm cần thêm thời gian”.
Theo các chuyên gia, thương mại điện tử Đông Nam Á chủ yếu được thúc đẩy bởi các mặt hàng không dễ hư hỏng, chẳng hạn như mỹ phẩm và đồ điện tử, nhưng tốc độ tăng trưởng của các danh mục này đang chậm lại, theo Peem Benjasiriwan, giám đốc công ty dữ liệu và thông tin thị trường Cube Asia. Ông nói thêm rằng, hàng tạp hóa trực tuyến mở ra một hướng tăng trưởng mới, nhưng khá khó vì các công ty phải đầu tư rất nhiều tiền vào cơ sở hạ tầng để giữ sản phẩm tươi ngon.
Theo Dang Nguyen, nghiên cứu viên tại Trung tâm ARC ở Melbourne, thành công của Sendo phụ thuộc vào mức độ kết nối giữa những người quá bận rộn để mua sắm với những người có thời gian rảnh rỗi.

Lan, khách hàng của Sendo tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã trở thành đối tác vào năm ngoái, một phần vì người điều hành trung tâm nhận hàng gần đó thường không có nhà.
Nguyễn Lan Hương, bắt đầu trở thành khách hàng của Sendo Farm vào năm 2023 vì tò mò, cũng đặt hàng cho người thân và sau một tháng quyết định đi lên trở thành đối tác. Với sự giúp đỡ của mẹ, cô kiếm được trung bình 6 triệu đồng/tháng.
“Mức đó đủ để trang trải chi phí của tôi”, Hương nói với Rest of World. Sendo Farm quảng cáo rằng các đối tác của họ có thể kiếm được tới 8 triệu đồng/tháng.
Điều khiến Hương và người thân quay lại Sendo Farm là giá cả.
“Một số thứ thậm chí còn rẻ hơn ở chợ địa phương của tôi”, cô nói.
Trong khi đó, sự cạnh tranh đang nóng dần. Các siêu thị giới thiệu nhiều tùy chọn mua sắm trực tuyến, trong khi đối thủ lớn như Shopee và TikTok Shop đẩy mạnh tập trung vào phân khúc này.
“Vào năm 2024, chúng tôi đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể, với các loại đồ uống và thực phẩm cho thấy mức tăng giá trị lớn nhất. Người mua sắm hiện có thể thuận tiện mua thực phẩm tươi và đông lạnh trực tuyến với các tùy chọn giao hàng trong ngày”, chuyên gia Jane Ha nói.
Dẫu vậy, lợi thế tiết kiệm chi phí của Sendo Farm cho đến nay, chuyển chi phí lưu kho và giao hàng chặng cuối cho các đối tác địa phương, có thể trở thành rào cản đối với việc mở rộng quy mô trong tương lai. Nhận định được đưa ra bởi Nguyễn Bình Minh, giám đốc phát triển nguồn nhân lực tại Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM).
Theo: Rest of World