Với địa hình nằm lọt trong vùng lòng chảo, bao quanh bởi các dãy núi đá vôi, thoát nước chậm, Tân Hóa thường xuyên bị ngập nặng vào mỗi mùa mưa từ tháng 9 tới tháng 11 hàng năm. Bù lại, nơi đây sở hữu nhiều hang động tráng lệ với thảm động thực vật phong phú đã từng được chọn làm bối cảnh để quay phim. Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến tác phẩm "Kong: Đảo Đầu Lâu" của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts.
Oxalis, một doanh nghiệp du lịch mạo hiểm có trụ sở chính ở Phong Nha đã tiên phong khai thác du lịch mạo hiểm tại hệ thống hang động Tú Làn (Tân Hóa) từ năm 2011 và chỉ vài năm sau, biến nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Từ 2013 đến 2022, có hơn 63.000 lượt khách tham gia các tour khám phá hang động Tú Làn, Hang Tiên do Oxalis tổ chức, nhưng tất cả đều không nghỉ lại Tân Hóa. Cho tới cuối năm 2022, khi Oxalis chính thức khai trương Tú Làn Lodge - một khu nghỉ tiện nghi nằm bên sườn núi, Tân Hóa mới bắt đầu đón khách lưu trú.
Cũng từ đây, ý tưởng về một sản phẩm du lịch thích ứng thời tiết chính thức ra đời.
Bên trong mỗi căn nhà ở Tân Hóa đều có một gác nhỏ, tiếng địa phương gọi là “tra”, được tạo thành bởi vài tấm gỗ kê ngang cách mái nhà khoảng 1 mét, là nơi trú ẩn cho người dân khi lũ lên.
“Ở đây, các nhà sẽ trổ cửa từ “tra” thông ra ngoài. Thuyền buộc sẵn bên ngoài, hễ nước dâng cao, ngập tới “tra” thì phải “bỏ của chạy lấy người”. Ông bà già, trẻ nhỏ, vợ chồng, con cái đưa nhau sang thuyền, lên núi gần đây trú”, ông Trương Xuân Thơm, 53 tuổi ở thôn 2 Yên Thọ - Tân Hoá, hồi tưởng về quá khứ chạy lũ.
Những năm gần đây, ông Thơm và bà con trong xã đã đỡ vất vả hơn sau khi mô hình nhà nổi ra đời. Với kết cấu khung thép, được lắp đặt thùng phuy tự động nổi, những căn nhà thích ứng thời tiết này là nơi ở lý tưởng, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong lúc nước dâng cao.
Hiện tại, hầu hết các hộ dân ở Tân Hóa đã có nhà nổi. Sử dụng chính những căn nhà chống lũ, trang hoàng tiện nghi thành homestay đón khách trong cả những ngày ngập lụt, đó là ý tưởng lõi của sản phẩm du lịch thích ứng thời tiết được triển khai tại Tân Hoá từ quý II năm nay.
Theo Giám đốc Sở du lịch tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Ngọc Quý, giải thưởng của UNWTO dành cho làng Tân Hoá rất danh giá. Vì để được một tổ chức thuộc Liên hợp quốc công nhận phải trải qua quá trình xét duyệt hồ sơ, chấm các tiêu chí và bàn thảo kỹ lưỡng. Trong đó, hai tiêu chí của Tân Hoá được Ban tổ chức đánh giá cao là phát triển du lịch xanh, bền vững và sản phẩm du lịch thích ứng thời tiết, biến đổi khí hậu.
Ông Hà Văn Siêu - Phó cục trưởng Cục du lịch quốc gia Việt Nam nhận định mô hình làng du lịch Tân Hoá đã đưa ra những sản phẩm dịch vụ phù hợp với xu hướng của thời đại là du lịch xanh, du lịch gần gũi với thiên nhiên, văn hoá bản địa. Đặc biệt, lối sống của người dân được tô điểm thành những giá trị hấp dẫn thu hút khách.
Làm rõ thêm những ý kiến còn băn khoăn xoay quanh mức độ nổi tiếng của Tân Hóa khi được nhận giải thưởng, ông Nguyễn Châu Á – Tổng giám đốc Công ty TNHH Chua me đất (Oxalis) cho biết: Danh hiệu “Làng du lịch tốt nhất thế giới” không nhằm mục đích vinh danh những làng du lịch được biết đến nhiều nhất, có doanh thu cao nhất hay đã thành công vang dội. Tiêu chí của UNWTO là công nhận những mô hình du lịch nông thôn tôn trọng, gìn giữ các giá trị tự nhiên, văn hóa, phát huy giá trị của du lịch cộng đồng và có cam kết rõ ràng về phát triển bền vững.
“Một dẫn chứng thực tế là trong lần trao giải vừa rồi, ngoài Tân Hóa thì còn có 54 làng được công nhận là Làng du lịch tốt nhất thế giới. Trong đó nhiều cái tên như làng Saty ở Kazakhstan, làng Sehwa ở Hàn Quốc, làng Al Sela ở Jordan,... đều chưa nổi tiếng nhưng đều được công nhận dựa trên tiêu chí đánh giá của UNWTO”, ông Châu Á bổ sung.
Trong xu hướng toàn cầu hiện nay, khi các Chính phủ đưa ra cam kết mạnh mẽ về mục tiêu Netzero vào năm 2050, kinh tế “xanh” và phát triển bền vững đang ngày càng trở nên phổ biến. Con đường phát triển du lịch thích ứng thời tiết, ứng phó với biến đổi khí hậu của làng Tân Hóa vừa vặn phù hợp với xu hướng tất yếu này. Nhưng, chỉ hợp xu hướng thôi, liệu có đủ để một mô hình làng du lịch “sống” và phát triển trong tương lai?
Du lịch cộng đồng tại Việt Nam đã xuất hiện từ những năm 1990 tại một số tỉnh, thành phố như Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Nam,... đến nay mở rộng trên khắp cả nước. Mỗi địa danh du lịch lại thu hút khách bởi những nét đặc trưng riêng về phong cảnh thiên nhiên, văn hóa truyền thống.
Tuy nhiên, điểm hạn chế chung của các mô hình làng cộng đồng hiện nay là thiếu sự liên kết giữa các bên liên quan, bao gồm điểm du lịch, công ty lữ hành và công ty vận chuyển. Bên cạnh đó, tình trạng các hộ kinh doanh mở homestay tự phát dẫn đến cung vượt quá cầu, không có đơn vị kiểm soát về chất lượng dịch vụ,... đã khiến các mô hình làng du lịch cộng đồng sau một thời gian nổi lên dần trở nên vắng khách.
“Nút thắt” này đã được giải quyết trong cách làm du lịch tại Tân Hoá, với mô hình liên kết hiệu quả giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.
Ông Trương Xuân Thơm là một trong những người tham gia vào dự án homestay từ tháng 5 năm nay. Trước đó, khi lãnh đạo Oxalis về bàn chuyện hợp tác làm ăn, nói có khách sẵn sàng bỏ tiền triệu để ngủ đêm trong căn nhà nổi dập dềnh ngày mưa lũ, ông Thơm cảm thấy thật khó tin.
53 tuổi, gần cả cuộc đời ông Thơm chỉ quen thuộc rừng núi, ruộng nương, không có nhiều va chạm với xã hội bên ngoài nên mang tâm lý e ngại và dè dặt. Người đàn ông này là đại diện cho một phần không nhỏ những người dân ở làng du lịch Tân Hóa.
Hơn 70% những đối tác của Oxalis trong mô hình liên kết này có tuổi đời trên 40. Ban đầu, đa phần họ đều từ chối vì không có lòng tin vào tính khả thi của dự án.
Kiên trì đến từng nhà dân giải thích, vận động, thậm chí kêu gọi người trong UBND xã đứng ra làm mẫu, đó là những gì mà Chủ tịch Trương Thanh Duẩn và các cán bộ xã Tân Hóa đã thực hiện trong suốt thời gian một tháng đầu tiên khi bắt đầu triển khai.
“Nếu không có sự ủng hộ và hỗ trợ của chính quyền xã, đặc biệt trong việc thuyết phục, làm chỗ dựa để xây dựng lòng tin cho bà con, dự án chắc chắn không thể đi được đến bước này”, ông Châu Á nhớ lại.
Trong mối liên hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân ở Tân Hóa, có thể thấy được giá trị mà đôi bên mang lại cho nhau khá cân bằng. Với Oxalis, đó là bề dày hoạt động 13 năm với 12 tour thám hiểm hang động, trong đó nổi tiếng nhất là hang Sơn Đoòng, mỗi năm đưa về trên dưới 10.000 lượt khách trong và ngoài nước.
Những con số này chứng minh được uy tín, năng lực và thương hiệu của công ty trên thị trường du lịch. Đây chính là nền tảng vững chắc để đảm bảo yếu tố “có khách” khi mô hình du lịch đi vào vận hành.
Bên cạnh đó, với đội ngũ nhân sự lành nghề, nhiều năm kinh nghiệm và hệ thống quy trình phối hợp tổ chức bài bản, Oxalis sẽ giúp đảm bảo chất lượng cho các dịch vụ, sản phẩm du lịch được triển khai.
Ở chiều ngược lại, một làng quê bình yên, không có tệ nạn xã hội, trộm cắp,... cùng cộng đồng người dân thân thiện, chất phác đem tới cho Oxalis những đối tác đáng tin cậy để đồng hành đường dài. Điều này phù hợp với chiến lược kinh doanh của Chua Me Đất trong suốt 13 năm hoạt động là tập trung vào ba ưu tiên bao gồm: An toàn, Bảo tồn và Có sự tham gia của cộng đồng.
“Chúng tôi xác định việc người dân địa phương tham gia vào chuỗi hoạt động kinh doanh là thành tố quan trọng tạo nên chất lượng các sản phẩm dịch vụ, làm nên thương hiệu của công ty”, người đứng đầu Oxalis khẳng định.
Ở một khía cạnh khác, với cách làm hiện tại, người dân Tân Hoá có thể làm chủ homestay mà không phải bỏ quá nhiều chi phí cho việc xây dựng cơ sở lưu trú. Bởi lẽ, trên những nhà nổi sẵn có của bà con, phía doanh nghiệp hỗ trợ lắp đặt, trang bị vật chất bên trong như điều hòa, giường, máy nước nóng, chăn đệm,... để đủ điều kiện đón khách. Đây là điểm quan trọng giúp người dân không phải đầu tư số tiền lớn, là một phương án “an toàn” hơn về tài chính khi so sánh với mô hình kinh doanh homestay ở các làng du lịch cộng đồng khác.
Cuối cùng, từ kinh nghiệm nghiên cứu nhiều mô hình du lịch cộng đồng đã thành công cũng như thất bại, ông Châu Á hiểu được không thể bắt những người dân nông một sớm một chiều trở thành người làm kinh tế. Vì thế, Oxalis chọn cách đi chậm, đồng hành, làm cùng người dân từ những việc nhỏ nhất để họ dần thành thạo và tự tin.
“Nếu vì nhanh mà làm không tốt, bà con thất vọng, du khách thất vọng mà chúng tôi cũng thất vọng!”, CEO Châu Á nói.
Người già trong làng kể lại, khoảng 300 năm trước, nhóm cư dân đầu tiên chọn vùng thung lũng được bao quanh bởi những ngọn núi đá vôi trùng điệp làm nơi sinh sống, hình thành nên làng Tân Hóa với hơn 700 hộ gia đình của ngày nay.
Người dân xứ này mưu sinh chủ yếu dựa vào nương ngô, ruộng lúa nhưng chỉ được một vụ trong năm. Chăn nuôi không quá thuận lợi do điều kiện thời tiết tương đối khắc nghiệt và khó khăn về đầu ra của sản phẩm. Người dân cũng có một số công việc thời vụ như thu hoạch keo (gỗ cây keo), lên rừng kiếm lá làm nón nhưng thu nhập bấp bênh.
“Muốn lấy lá làm nón phải đi sang huyện khác, xa lắm, em đi xe máy mất 2 tiếng. Tùy theo làm ít hay nhiều, mỗi ngày em được từ 100, 150 đến 300 nghìn đồng. Nhưng trên rừng nhiều rắn rết rồi nhiều người đi lấy, lá cũng hết”, Trần Thị Lam, sinh năm 1994 kể về công việc trước đây của cô.
Lam nói thêm, đi thu hoạch cây keo cũng tương tự như lấy lá nón, đi xa và vất vả, thậm chí có nguy cơ bị tai nạn cây đổ vào người. “Chịu thương chịu khó nhưng chẳng dành dụm được bao nhiêu, nếu có ốm đau, vài triệu đi viện cũng phải vay mượn”, đó là lý do vì sao hai vợ chồng cô đã chọn rời làng, tìm kế sinh nhai ở thành phố lớn.
Vợ chồng Lam là hai trong số khoảng vài trăm lao động trẻ ở Tân Hóa rời quê đi làm ăn xa. Ông Trương Thanh Duẩn, Chủ tịch xã Tân Hóa cho biết, đa phần thanh niên trong làng khi trưởng thành vào miền Nam làm việc, một số ít đi xuất khẩu lao động.
Kể về những năm ở TP Hồ Chí Minh, Lam cho hay, nhờ gặp được “quý nhân” nên vợ chồng cô có công việc thuận lợi, vừa học vừa làm nghề nấu ăn và nấu bia, kinh tế đỡ vất vả hơn. Dẫu vậy, cảnh xa quê luôn khiến cô lo cho cha mẹ và hai đứa con thơ.
“Mỗi bận ông bà hay trẻ con ốm đau rồi mỗi mùa nước lụt lên, vợ chồng em lại gác hết công việc để về nhà”, Lam tâm sự.
Đầu năm nay, nghe tin Oxalis triển khai mô hình liên kết du lịch cùng người dân làm homestay đón khách, vợ chồng Lam quyết định về hẳn để lập nghiệp trên chính quê hương. Giờ cô đã là bà chủ của một homestay có tên Danh Lam và một quán ăn nhỏ tại nhà.
“Em có nghĩ đây là một cơ hội không?”, tôi hỏi.
“Có chớ ạ. Chẳng gì được bằng ở quê. Bố mẹ cũng lớn tuổi, mình phải về phụng dưỡng, con cái đến tuổi đi học cần chăm nom nên mình không thể đi đâu lâu được. Người ở đây ít khi bỏ xứ đi lắm. Thấy công ty có việc cho mình làm ở gần nhà là tụi em mừng”, Lam chia sẻ.
Có một dòng chảy ngầm đã len lỏi vào cơ cấu lao động ở vùng đất này. Đó là sự trở về của những người con từng đi xa để mưu sinh! Theo thống kê, có khoảng 50 nhân sự người Tân Hóa đang làm việc cho Oxalis trước đó đều từng làm công nhân ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai,... Con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai khi công ty mở rộng hoạt động kinh doanh và tuyển dụng thêm nhân sự tại địa phương.
Ông Trương Thanh Duẩn, Chủ tịch xã Tân Hoá cho biết, sau giải thưởng, xã được chính quyền tỉnh Quảng Bình quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển du lịch và bắt đầu tập trung nguồn lực để từng bước giúp địa phương hoàn thiện hạ tầng, điện nước, vệ sinh môi trường, cảnh quan và đào tạo nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cùng với nhiều tổ chức cấp huyện, cấp tỉnh và Trung ương sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực về ngoại ngữ cũng như kiến thức, kỹ năng cần thiết để người dân nắm chắc các hoạt động du lịch đang làm.
Trong tương lai, Tân Hóa sẽ phối hợp cùng Công ty Oxalis, Sở Du lịch trong việc định hình chiến lược phát triển, mô hình quản lý, nâng cao nhận thức, kỹ năng, nghiệp vụ để bà con chủ động, từng bước tự thực hiện thành thạo các hoạt động và dịch vụ du lịch tại địa phương.
Về phía doanh nghiệp, ông Châu Á chia sẻ, Oxalis cũng đang từng bước đào tạo lực lượng hướng dẫn viên, quản lý người địa phương để tương lai chuyển giao cho đội ngũ kế cận phát triển Tân Hoá.
“Chúng tôi đang tài trợ cho 12 bạn học Cao đẳng du lịch. Nếu tương lai các bạn có kiến thức, kỹ năng, đủ khả năng vận hành và phát triển mô hình du lịch cộng đồng thì chúng tôi sẽ chuyển giao toàn bộ. Đến lúc đó, Oxalis sẽ chỉ là một trong các đối tác của Làng Tân Hoá mà không còn mô hình liên kết như hiện nay”, ông Châu Á thông tin thêm.