Theo như MarketTimes đã thông tin, lãi suất huy động 2 tuần đầu của tháng 3 liên tục điều chỉnh theo hướng giảm, người dân không mặn mà với kênh tiết kiệm.
Theo đó, hơn 10 ngân hàng công bố giảm lãi suất huy động, gồm PGBank, BVBank, BAOVIET Bank, GP Bank, ACB, Agribank, VPBank, PVCombank, DongA Bank, MB, Techcombank… Một số ngân hàng thậm chí có đến 2 lần giảm lãi suất từ đầu tháng 3, gồm BaoViet Bank, GP Bank, BVBank.
Trong thông báo mới nhất, Techcombank đưa ra biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân mới với mức giảm 0,1 điểm % ở các kỳ hạn gửi dưới 6 tháng. Ngân hàng. Thương mại cổ phần Quân đội (MB)cũng đã thông báo giảm tiếp lãi suất huy động khách hàng cá nhân từ 12/3, với mức giảm dao động trong khoảng 0,1-0,3 điểm % tùy kỳ hạn.
Ngân hàng Nhà nước đang hút 30.000 tỉ đồng bằng kênh tín phiếu thông qua hai phiên ngày 11.3 và 12.3.2024.
Đến hôm nay (ngày 13.3.2024), NHNN tiếp tục thông báo chào đấu thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày và có 13 thành viên trúng thầu với khối lượng gần 15.000 tỉ đồng, lãi suất 1,4%.
Chuyên gia Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng trong bối cảnh tỷ giá căng thẳng NHNN đã có động thái hút tiền về qua kênh đấu thầu tín phiếu nhằm mục tiêu quan trọng là đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao hơn, sát hơn so với lãi suất USD nhằm giảm áp lực tỷ giá.
Trong 3 ngày 11-13/3/2024, NHNN đã hút thành công 45.000 tỷ đồng bằng kênh tín phiếu. Thông thường khi NHNN hút tiền thì lãi suất sẽ nhích lên. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại khi hệ thống ngân hàng vẫn còn “tồn kho” hàng chục triệu tỷ đồng. Hơn nữa, tín dụng 2 tháng đầu năm đang ở mức âm, thì việc hút tiền về cũng chưa có dấu hiệu của đợt tăng lãi suất liên ngân hàng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng hiện nay tỷ giá đang biến động mạnh, nếu bán USD trong dự trữ ngoại hối là điều khá nguy hiểm vì có thể không giữ được tỷ giá mà còn hao tổn dự trữ ngoại hối.
Việc tăng lãi suất cũng là một giải pháp. Tuy nhiên, tăng lãi suất không chỉ ở thị trường liên ngân hàng mà còn tăng lãi suất tiết kiệm cư dân. Tăng lãi suất tiết kiệm không có nghĩa tăng lãi suất cho vay. Song, để hỗ trợ tăng trưởng thì mấu chốt nằm ở lãi suất cho vay.
Mới đây, trong Hội nghị của Chính phủ về chính sách tiền tệ, lãnh đạo doanh nghiệp PVN rất mong Chính phủ, NHNN tiếp tục giữ chính sách lãi suất tối ưu và ổn định. Đồng thời, NHNN có các giải pháp để giữ cho tỷ giá ổn định. Bởi, ổn định tỷ là ưu tiên đầu tiên trong điều hành chính sách tiền tệ.
"Năm 2020, 2021, ngành ngân hàng đã lãi đậm vì giảm nhanh lãi suất huy động mà giảm chậm lãi suất cho vay; năm nay, tình hình chắc sẽ khác”, một số chuyên gia nhấn mạnh.
Sau giai đoạn các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất, thì mới đây, bắt đầu có một số ngân hàng thương mại rục rịch tăng nhẹ lãi suất tiền gửi từ 0,1-0,4 điểm % như Sacombank, BVBank, ACB. Sự điều chỉnh này được nhìn nhận như là một biện pháp thu hút thêm tiền gửi sau dịp Tết Nguyên đán.
Lãi suất tăng nhẹ chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn, các kỳ hạn dưới 5 tháng ở nhóm ngân hàng cổ phần, phổ biến từ 2,5-3,8%/năm. Riêng với tiền gửi 12 tháng vẫn dao động trên dưới 5%/năm.
Lãnh đạo một ngân hàng lý giải việc tăng lãi suất chỉ ở một vài kỳ hạn, do các kỳ hạn này có mức lãi suất thấp hơn mặt bằng chung nên điều chỉnh tăng. Mặt bằng chung lãi suất huy động vẫn ở mức thấp và xu hướng là ổn định.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng việc điều chỉnh lãi suất huy động trái chiều của một số ngân hàng trong tháng 2 đi cùng xu hướng tăng dần của lãi suất liên ngân hàng có thể hàm ý kịch bản lãi suất huy động có thể nhích tăng dần từ quý II/2024, sớm hơn so với kỳ vọng trước đó của nhóm phân tích là lãi suất huy động có thể tăng từ nửa cuối năm 2024.