Là ngân hàng đầu tiên của Hoa Kỳ lập chi nhánh tại Việt Nam, tại sao Citibank phải dừng cuộc chơi bán lẻ sau 30 năm?

An Vũ | 16:55 02/03/2023

Ngày 1/3 mới đây, Citi công bố đã hoàn tất việc chuyển nhượng mảng ngân hàng bán lẻ và thẻ tín dụng khách hàng cá nhân tại Việt Nam cho Ngân hàng United Overseas Bank Limited (UOB).

Là ngân hàng đầu tiên của Hoa Kỳ lập chi nhánh tại Việt Nam, tại sao Citibank phải dừng cuộc chơi bán lẻ sau 30 năm?

Trên website của mình, Citibank thông báo chính thức, từ ngày 01/03/ 2023, Ngân hàng Citibank, N.A., - Chi nhánh Hà Nội và Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển quyền sở hữu hoạt động kinh doanh của khối ngân hàng bán lẻ cho Ngân hàng TNHH Một thành viên United Overseas Bank (Việt Nam) (Mã số doanh nghiệp 0314922220).

UOB Việt Nam là tổ chức phát hành của tất cả sản phẩm thuộc khối ngân hàng bán lẻ mang nhãn hiệu “Citi” tại Việt Nam, và Ngân hàng Citibank, N.A., - Chi nhánh Hà Nội và Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đang cung cấp một số hỗ trợ nhất định trong giai đoạn chuyển tiếp liên quan đến các sản phẩm đó.

Các nhãn hiệu “Citi”, “Citibank”, “Citigroup”, thiết kế Vòng Cung cùng tất cả nhãn hiệu tương tự và những hình thức phái sinh từ chúng được UOB Việt Nam tạm thời sử dụng theo giấy phép từ Tập đoàn Citigroup và các tổ chức có liên quan - Thông báo của Citibank cho hay.

Hình ảnh citibank với logo có thiết kế vòng cung trên đầu

Citibank là ngân hàng quốc tế có quy mô rộng lớn, được thành lập từ năm 1812 với tên gọi là City Bank of New York, sau đó là First National City Bank of New York.

Citibank trực thuộc Tập đoàn Citigroup – hoạt động lớn thứ 3 tại Mỹ tính theo tổng giá trị tài sản (chỉ sau Bank of America và JL Morgan Chase).

Từ năm 1972 đến 1975, Citibank đã bắt đầu hoạt động tại Việt Nam và đến năm 1993 thì ngân hàng này có văn phòng đại diện ở Hà Nội. Đây là ngân hàng đầu tiên của Hoa Kỳ có giấy phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam. Chi nhánh thứ 2 được mở tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1998.

Các sản phẩm ngân hàng bán lẻ của Citibank gồm có: tài khoản thanh toán, tiền gửi, vay tiêu dùng, thẻ tín dụng,.. 

Giải thích về lý do chấm dứt hoạt động mảng ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam, Citi cho biết, vào tháng 04/2021, ngân hàng đã thông báo một kế hoạch tái cấu trúc để tập trung đầu tư nhiều hơn vào những lĩnh vực chiến lược khác bao gồm khối ngân hàng doanh nghiệp, để thúc đẩy và cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho khách hàng cũng như mang lại lợi nhuận cao hơn cho các cổ đông.

Theo đó, khối ngân hàng bán lẻ của Citi sẽ tập trung hiện diện tại Singapore, Hong Kong, London và UAE – đồng thời sẽ rút khỏi 13 thị trường bán lẻ ở châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông và châu Phi, bao gồm cả Việt Nam.

Được biết, kể từ khi công bố ý định ngừng cung cấp dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại một số thị trường này, Citi đã ký thỏa thuận chuyển nhượng mảng kinh doanh này tại 9 thị trường và hiện đã hoàn tất quá trình chuyển nhượng tại 6 thị trường bao gồm Úc, Bahrain, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Trước đó, Citi cũng thông báo ngừng hoạt động mảng kinh doanh ngân hàng bán lẻ của mình tại Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng thời quá trình dừng toàn bộ hiện diện thương mại của Citi tại Nga cũng đang được tiến hành.

Đối tác chuyển nhượng mảng ngân hàng bán lẻ của Citibank ở Việt Nam là UOB - một ngân hàng hàng đầu tại Châu Á với mạng lưới toàn cầu gồm hơn 500 chi nhánh và văn phòng tại 19 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Châu Á – Thái Bình Dương, Châu Âu và Bắc Mỹ. 

UOB lần đầu hiện diện tại Việt Nam thông qua việc thành lập một văn phòng đại diện vào năm 1993 và trở thành một ngân hàng có vốn nước ngoài vào năm 2018. 

Hiện nay, UOB Việt Nam có ba văn phòng, bao gồm hai văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh và một văn phòng tại Hà Nội, và UOB Việt Nam cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân và doanh nghiệp cho cả khách hàng Việt Nam và nước ngoài trên toàn quốc thông qua mạng lưới liên kết xuyên suốt của UOB trong khu vực.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Là ngân hàng đầu tiên của Hoa Kỳ lập chi nhánh tại Việt Nam, tại sao Citibank phải dừng cuộc chơi bán lẻ sau 30 năm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO