Kỳ vọng tổng cầu thực phẩm tăng sẽ thúc đẩy giá lợn tăng

Thu Hà | 15:57 18/03/2022

Các chuyên gia kỳ vọng sau khi chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ trở lại bình thường sẽ góp phần đẩy giá thịt lợn lên cao hơn, giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi.

Kỳ vọng tổng cầu thực phẩm tăng sẽ thúc đẩy giá lợn tăng
Giá lợn hơi ngày 18/3 biến động trái chiều tại nhiều tỉnh, thành.

Thị trường lợn hơi tuần qua nhìn chung không có nhiều sự biến động các ngày đầu tuần.

Sau thời gian đứng yên thì đến giữa tuần giá lợn hơi có sự biến động trái chiều tại một số tỉnh thành trên cả nước. Mức giao dịch thu mua tăng, giảm rải rác từ 1.000 đồng/kg – 3.000 đồng/kg.

Theo khảo sát của Markettimes, giá lợn hơi ngày hôm nay (18/3), trên cả 3 miền biến động từ 1.000 - 3.000 đồng/kg so với hôm qua. Hiện giá lợn hơi được thu mua trong khoảng 51.000 - 57.000 đồng/kg.

Cụ thể, tại thị trường miền Bắc biến động trái chiều từ 1.000 - 3.000 đồng/kg so với hôm qua.

Thái Nguyên giảm 1.000 đồng/kg xuống còn 51.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực.

Trong khi đó, Lào Cai và Phú Thọ điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg lên mức 53.000 đồng/kg; ngang bằng với các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình và Tuyên Quang.

Còn tại Bắc Giang và Hưng Yên, giá lợn hơi tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg, hiện giao dịch trong khoảng 55.000 - 57.000 đồng/kg.

Tại thị trường miền Trung – Tây Nguyên đang điều chỉnh tăng giảm trong khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg.

a111.png

Các tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh và Thanh Hóa đang thu mua trong khoảng 53.000 - 54.000 đồng/kg, tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg trong hôm nay.

Ngược lại, Quảng Bình và Quảng Trị quay đầu giảm 2.000 đồng/kg, hiện giao dịch chung mốc 52.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực.

Tại thị trường miền Nam giá mặt hàng này cũng tăng giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với hôm qua. Trong đó, 3 tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Cà Mau và Bến Tre cùng tăng 1.000 đồng/kg, hiện thu mua trong khoảng 52.000 - 55.000 đồng/kg.

Các địa phương như Vũng Tàu, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng đang giao dịch với giá từ 51.000 - 52.000 đồng/kg, giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg so với giá ngày 17/3.

Theo các chuyên gia, thị trường sản xuất thịt lợn vẫn tăng mạnh bất chấp các vấn đề về bệnh dịch tả lợn CSF. Ngay cả với chương trình tiêm phòng vắc xin CSF, vẫn có khoảng 100.000 con lợn cần phải tiêu hủy trong năm 2021.

Các chương trình tái đàn lợn với việc nhập khẩu lợn nái giống đã được tiến hành từ năm 2018, nhưng do tình trạng tắc nghẽn vận tải toàn cầu trong năm 2021 đã làm chậm trễ việc nhập khẩu lợn giống của Nhật Bản. Do đó, tốc độ giết mổ đã vượt quá tốc độ tái đàn.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu các loại về Việt Nam trong năm 2021 đạt trên 4,93 tỷ USD, tăng 28,4% so với năm 2020. Như vậy, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong năm qua cao hơn năm 2020 tới hơn 1 tỷ USD (năm 2020 đạt 3,841 tỷ USD) và là mức cao nhất trong lịch sử nhập khẩu nhóm hàng này.

Các thị trường chủ yếu cung cấp thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu cho Việt Nam là Argentina, Mỹ, Brazil và EU. Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ Argentina, đạt 1,66 tỷ USD, chiếm 33,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu của cả nước, tăng 7,8% so với năm 2020.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), việc tăng giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua là do nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm, nguồn cung trong nước hạn chế, chi phí vận chuyển tăng cộng thêm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến sản lượng một số loại ngũ cốc chính của một số quốc gia sụt giảm.

Biến đổi khí hậu đã làm một số nước là đối tác cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính cho Việt Nam như Mỹ, Argentina, Brazil,… bị khô hạn nên diện tích ngô, lúa mì, đậu tương phải thu hẹp làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và giá. Do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm cũng tăng.

Trong khi đó, kết quả khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam đối với chuyên gia và doanh nghiệp ngành thức ăn chăn nuôi về nhu cầu của một số sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong năm 2022 cho thấy có xu hướng tăng lên do nhu cầu đối với thủy sản, lợn và gia cầm, trong đó thủy sản là phân khúc được dự đoán sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất.

Còn theo dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ là khoảng 28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11-12%/năm; trong đó quá nửa sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (14,5-15 triệu tấn) sẽ dành cho ngành gia cầm.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam cho rằng, kỳ vọng tổng cầu thực phẩm trong thời gian tới tăng lên, đặc biệt, trong quý 2 và quý 3/2022 tới đây khi du lịch, các trường học, bếp ăn tập thể... quay trở lại hoạt động bình thường sẽ đẩy giá thực phẩm chăn nuôi trong đó có thịt, trứng, gia cầm tăng lên, giảm khó khăn cho người chăn nuôi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Kỳ vọng tổng cầu thực phẩm tăng sẽ thúc đẩy giá lợn tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO