Kỳ tích Trung Quốc: Tạo dựng được cả một ngành công nghiệp chỉ để phục vụ phương Tây, có những ngày xuất khẩu tới 12 triệu bưu kiện

Vũ Anh | 15:05 14/02/2025

Sức mạnh xuất khẩu hàng giá rẻ của Trung Quốc khiến toàn ngành bán lẻ và nền kinh tế toàn cầu rung chuyển.

Kỳ tích Trung Quốc: Tạo dựng được cả một ngành công nghiệp chỉ để phục vụ phương Tây, có những ngày xuất khẩu tới 12 triệu bưu kiện

Dãy nhà bê tông trắng gần sông Châu Giang, miền nam Trung Quốc chứng kiến một trong những ngành công nghiệp phát triển nhanh nhất thế giới: Xưởng may sản xuất quần áo giá rẻ, sau đó xuất khẩu thẳng đến các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ trên khắp toàn cầu. Điều đặc biệt, không phải trả thuế quan, cũng không phải kiểm tra hải quan.

Những lao động làm ra mặt hàng này chỉ kiếm được 5 USD/giờ. Có những ngày bận rộn, ca kíp có thể kéo dài lên 10 tiếng. Họ chỉ dám trả 130 USD/tháng để ngủ giường tầng, trong những căn phòng nhỏ phía trên nhà máy chất đầy máy khâu và vải vóc.

"Công việc này rất vất vả", Wu Hua, một thợ may nói. 

Những gã khổng lồ thương mại điện tử đã tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa các thị trường quốc tế và lao động chân tay như ông Wu. Sức mạnh khiến toàn ngành bán lẻ và nền kinh tế toàn cầu rung chuyển. 

Theo The New York Times, số lượng hàng hóa miễn thuế được vận chuyển đến Mỹ đã tăng hơn 10 lần kể từ năm 2016 lên 4 triệu bưu kiện mỗi ngày vào năm ngoái. Các lô hàng tương tự đến Liên minh châu Âu cũng tăng nhanh, đạt 12 triệu bưu kiện mỗi ngày vào năm ngoái. Các lô hàng miễn thuế đến các nước đang phát triển như Thái Lan và Nam Phi cũng cải thiện sản lượng đáng kể. 

Góc phía nam Trung Quốc này đã trở thành trung tâm sản xuất hàng giá rẻ kể từ những năm 1980. Sự gia tăng của những thương nhân thương mại điện tử trên toàn thế giới đã tạo ra nhu cầu triệt để đối với những lô hàng may mặc như thế này.

Quảng Châu nổi lên như một trung tâm toàn cầu của các lô hàng de minimis được miễn trừ thuế. Shein và Temu, những gã khổng lồ thương mại điện tử cạnh tranh của Trung Quốc, cùng nắm giữ ít nhất 30% ngành công nghiệp de minimis, điều phối phần lớn chuỗi cung ứng từ các văn phòng lớn tại Quảng Châu. Amazon trước đó cũng đã giới thiệu doanh nghiệp de minimis của riêng mình, Haul, để vận chuyển lô hàng từ Trung Quốc.

Ngành công nghiệp de minimis của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Quảng Châu. Nó cũng không giới hạn ở mặt hàng chính của ngành là quần áo.

Nghĩa Ô, một thành phố cách Quảng Châu 600 dặm về phía đông bắc, điều phối xuất khẩu các lô hàng de minimis đồ chơi, mũ và các mặt hàng nhỏ bé. Nơi đây còn được ví như thủ phủ của hoạt động bán hàng trực tiếp, nơi các streamer tham vọng livestream bất kể ngày đêm để đổi đời.

Shein, nói riêng, tự giới thiệu mình là một đế chế kinh doanh mới, kết nối những khách hàng xa xôi với các nhà máy sẵn sàng cắt và may hầu như mọi thứ trên đời. Hợp tác với 5.000 xưởng và nhà máy nhỏ trên khắp Trung Quốc, cách tiếp cận của Shein gần như loại bỏ hoàn toàn nỗi sợ hàng tồn kho, hoặc thậm chí là nhân viên cửa hàng và bán lẻ.

"Tại Shein, chúng tôi định hình lại chuỗi cung ứng bằng cách trao quyền cho hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp cho họ cái nhìn sâu sắc đầy đủ về những gì khách hàng của chúng tôi muốn và cần", công ty cho biết trên trang web của mình.

Tuy nhiên, chủ sở hữu xưởng ở Quảng Châu phàn nàn rằng Shein quá khắt khe.

Xưởng của Li Zhi đã sản xuất hàng may mặc cho một nhà thầu của Shein cách đây 4 năm, nhưng thỏa thuận chỉ kéo dài 1 năm là dừng. 

"Shein yêu cầu chất lượng cao nhưng lại đưa ra mức giá thấp", cô nói trong khi phân loại vải ren trên bàn.

Thay vào đó, hiện tại, Li chỉ bán cho các nhà bán buôn cho thị trường nội địa Trung Quốc, những người trả giá cao hơn cho cô. Việc kinh doanh khá khó khăn vì tình trạng thiếu hụt công nhân lao động.

"Kinh doanh đang xấu đi mỗi năm", Li cho biết. "Hiện nay, ngày càng có ít công nhân hơn — chủ yếu là những người sinh vào những năm 70 và 80".

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố bãi bỏ quy tắc de minimis đối với hàng hóa Trung Quốc. Những chiếc áo sơ mi giá 5 USD, đèn 10 USD hay đôi giày 20 USD trên các trang web mua sắm như Shein và Temu bắt đầu trở nên kém "hời".

"Đó sẽ là một cơn ác mộng", Matthew Cannon bình luận. "Không ai ở Mỹ biết gì về điều này, họ chưa bao giờ phải trải qua trừ khi họ mua thứ gì đó thực sự đắt tiền. Và thường thì nếu họ mua hàng đắt, nhà bán lẻ sẽ chi trả thuế thay cho họ".

Có lẽ cảm nhận được sự bất ổn, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây nhất ký một sắc lệnh hành pháp tạm dừng việc đình chỉ quy tắc miễn trừ de minimis. Sắc lệnh nêu rõ rằng de minimis sẽ được khôi phục đối với các gói hàng nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc cho đến khi Bộ trưởng Thương mại thông báo rằng các hệ thống phù hợp đã được triển khai để xử lý và thu thuế đầy đủ và nhanh chóng đối với các mặt hàng này. Khi ấy, người chịu thiệt hại nhất là khách hàng, theo Jayant Menon, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore).

Hiện các công ty thương mại điện tử Trung Quốc đã chuẩn bị sẵn sàng để vượt qua những thay đổi về chính sách. Theo Victor Gao, Phó chủ tịch của tổ chức tư vấn Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa tại Bắc Kinh, hạn chế của Mỹ chỉ khiến thương mại điện tử xuyên biên giới trở nên bớt dễ dàng chứ khó có thể hạ gục được toàn bộ ngành.

"Chi phí sẽ do người tiêu dùng gánh chịu và đó là phần đáng buồn của câu chuyện", ông đánh giá.

Được biết, Trung Quốc cho lắp đặt nhiều robot nhà máy hơn phần còn lại của thế giới cộng lại. Chuỗi cung ứng chi phí thấp sản xuất gần như mọi thứ trên đời. Bản thân Chủ tịch Tập Cận Bình cũng thúc đẩy các ngân hàng cho vay tiền nhiều hơn để xây dựng nhà máy, trong khi nhiều doanh nghiệp nỗ lực tìm cách vượt qua các rào cản thương mại bằng cách chia nhỏ lô hàng. Mỗi kiện có giá trị vừa đủ để được miễn thuế.

Theo: The New York Times, WSJ 


(0) Bình luận
Kỳ tích Trung Quốc: Tạo dựng được cả một ngành công nghiệp chỉ để phục vụ phương Tây, có những ngày xuất khẩu tới 12 triệu bưu kiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO