KTS Nhâm Chí Kiên: 20 năm vẫn cháy đam mê, đặc biệt sợ 1 điều trong thiết kế

Thu Hoài - Huyền Giang, Thiết kế: Hải An | 06:35 17/11/2023

Trong gần 20 năm theo đuổi lĩnh vực kiến trúc, KTS Nhâm Chí Kiên vẫn nhấn mạnh về “đam mê và tình yêu với nghề”. Đây chính là yếu tố cốt lõi để anh có thể đi trên 1 con đường dài, đạt những thành tựu nhất định và chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc.

KTS Nhâm Chí Kiên: 20 năm vẫn cháy đam mê, đặc biệt sợ 1 điều trong thiết kế

Gặp gỡ KTS Nhâm Chí Kiên tại văn phòng công ty anh, chúng tôi bất ngờ với hình ảnh 1 người KTS giản dị, thân thiện và hiếu khách. Dành nhiều giờ lắng nghe anh trải lòng, chúng tôi thấy rõ sự kinh nghiệm, niềm đam mê cũng như đường hướng phát triển sự nghiệp rất rõ ràng của anh.

Dù chia sẻ, nghề kiến trúc sư nhiều vất vả, trăn trở nhưng thu nhập đôi khi chưa tương xứng với công sức bỏ ra để theo công trình. Nhưng suốt cuộc trò chuyện, KTS Nhâm Chí Kiên luôn khẳng định “không bao giờ bỏ nghề”. Với anh, thiết kế đã ăn sâu vào máu của mình.

kts-box.jpg
kts-title-1.jpg
kts-quote-1.jpg

Anh đã bắt đầu hành trình với nghề KTS như thế nào, thưa anh?

Ngay từ thời học cấp 2, cấp 3, tôi đã rất thích vẽ. Hồi đó tôi chưa mường tượng ra được kiến trúc là nghề gì, chỉ biết đó là vẽ và thiết kế các công trình. Vì mẹ tôi cũng làm trong ngành xây dựng nên tôi quyết định theo học về kiến trúc và theo đuổi kiến trúc đến tận bây giờ.

Nếu không phải KTS, anh sẽ lựa chọn nghề gì khác?

Nghề kiến trúc liên quan tới cả kỹ thuật, mỹ thuật, thẩm mỹ. Từ khi học ở trường, các sinh viên đã phải đầu tư 1 khoản chi phí không nhỏ. Tuy nhiên, sau khi ra trường, thu nhập của phần đa anh em KTS lại chưa thỏa đáng so với công sức bỏ ra.

Thiết kế một công trình thường mất từ vài tháng đến 1 vài năm. Trước đây, nhiều khách hàng, chủ đầu tư không tưởng tượng được giá trị của công việc thiết kế kiến trúc ngay từ khi bắt đầu công trình. Vì vậy, họ thường thắc mắc rằng bỏ ra nhiều tiền để đầu tư thiết kế thì việc của KTS là gì. Các KTS phải theo tới tận khi công trình hoàn thiện, khách hàng mới thấy được giá trị của việc thiết kế kiến trúc. Dù vậy, nhiều năm liền, tôi chưa bao giờ nghĩ tới sẽ bỏ kiến trúc để làm nghề gì khác.

Anh là một KTS sáng tạo trong nhiều lĩnh vực như thiết kế quy hoạch, đô thị cảnh quan, thiết kế nội thất, kiến trúc, văn phòng, trường học… Tại sao anh không tập trung 1 lĩnh vực duy nhất để định hình tên tuổi dễ hơn?

Với tôi, định hình tên tuổi không phải mục tiêu quá lớn. Tôi nghĩ mình cứ chăm chỉ làm việc thôi, còn uy tín, tên tuổi để xã hội đánh giá. Cá nhân tôi hay các anh em trong văn phòng đều không muốn làm việc gì đó 1 màu nên ban đầu tôi chọn sáng tạo trong nhiều lĩnh vực.

Khi ra trường tôi làm quy hoạch song song với kiến trúc và sau thì thiên hơn về kiến trúc. Lĩnh vực này có nhiều loại hình từ mô hình nhà ở, tới mô hình công cộng, nghỉ dưỡng. Tôi chủ yếu làm các công trình nghỉ dưỡng và các công trình nhà ở.

Anh có nguyên tắc nào cụ thể trong thiết kế kiến trúc hay không?

Không có nguyên tắc nào để sử dụng chung cho tất cả các công trình. Mỗi đối tượng cụ thể sẽ yêu cầu 1 kiểu kiến trúc cụ thể. Kèm theo đó, vị trí công trình cũng làm KTS nảy ra những ý tưởng khác nhau.

Giá trị lớn nhất ở một công trình không chỉ nằm trong kiến trúc vật lý mang tính hình khối và không gian, mà còn trong hành trình mang kiến trúc xanh, văn hoá sống vào trong thiết kế. Điều này đồng nghĩa với việc kiến trúc đem lại môi trường sống tốt hơn cho gia chủ trong hiện tại và tương lai.

kts-title-2.jpg
kts-quote-2.jpg

Điểm khác biệt của “kiến trúc xanh” trong thiết kế của Nhâm Chí Kiên là gì?

Thật ra, kiến trúc xanh không phải đơn thuần là trồng cây xanh. Khi xây dựng nhà cửa, khách hàng nào cũng muốn gần gũi với thiên nhiên nên thường nghĩ ngay tới yếu tố cây xanh. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn các yếu tố khác như vật liệu sử dụng trong công trình có phải là tái sử dụng hay không, yếu tố giải pháp vi khí hậu, đối lưu không khí trong nhà như thế nào.

Hiện tại, SuoiHai Villa đang là dự án mà tôi tâm đắc vì mọi thứ đều là những trải nghiệm và thử nghiệm trên con đường kiến trúc xanh mà chúng tôi đang đi. Điểm đặc biệt của công trình này là được xây dựng ở bên hồ Suối Hai - Ba Vì, nhìn thẳng lên đỉnh Tản Viên. Công trình được APDI thiết kế và quản lý dự án, đi từ những nét vẽ đầu tiên đến hoàn thiện toàn bộ các chi tiết. Mọi thứ từ những viên gạch thông gió, thác nước, tay nắm cửa… đều được đầu tư thiết kế riêng cho công trình.

Kiến trúc xanh gắn liền với cây cối, nước, thông gió… Vậy làm thế nào có thể giải quyết được các vấn đề về nồm ẩm, côn trùng trong điều kiện khí hậu Việt Nam?

Ngày nay có rất nhiều biện pháp kỹ thuật để giải quyết các bài toán trên. Nồm là do chênh lệch áp suất không khí, tạo ra việc đọng nước trên bề mặt trần tường sàn. Vấn đề của KTS là làm sao để giảm bớt sự chênh lệch đó. Ví dụ sàn nhà sử dụng các lớp vật liệu có thể hạn chế truyền nhiệt lạnh từ phía dưới lên mặt sàn làm ngưng tụ hơi nước. Bên cạnh đó, KTS thường sử dụng thêm lớp xỉ than và cát vàng trước khi đổ vữa lót và lát gạch hoàn thiện bề mặt.

Về vấn đề côn trùng, KTS có thể dùng cửa lưới. Hệ cửa lưới giấu khuôn, giấu đố, âm sàn hoặc âm trần để khi không dùng đến thì sẽ biến mất là lựa chọn của nhiều người.

Điều này được áp dụng hiệu quả trong nhà của tôi - K house, được xây dựng từ năm 2010. Đó là thời điểm tôi mới ra trường, biết nhiều lý thuyết nhưng ít kinh nghiệm thực hành.

Công trình là một ngôi nhà ống đặc trưng ở đô thị Hà Nội, được xây dựng trên thế đất rộng 4,8m dài 25m. Thường một ngôi nhà dài và có một mặt tiền như vậy sẽ dẫn đến thiếu gió và ánh sáng. Thế nhưng tôi mong muốn thiết kế của mình “biến thiếu thành thừa”. Và thực tế tôi đã giải quyết được bài toán đó, bằng chứng là mọi không gian trong nhà đều có cây xanh, ánh sáng tự nhiên, thông gió và … không có côn trùng.

Với những ngôi nhà phố nhỏ, trong ngõ sâu đặc trưng như ở Hà Nội, TP.HCM, cần có yếu tố gì để đưa kiến trúc xanh vào?

Để đưa kiến trúc xanh vào trong những ngôi nhà phố nhỏ trong ngõ sâu ở Hà Nội, TP.HCM và các thành phố tương tự chúng ta có thể xem xét các yếu tố sau:

Thiết kế nhà thông thoáng: Đảm bảo rằng thiết kế tạo điều kiện cho sự lưu thông không khí tự nhiên. Sử dụng hệ thống cửa sổ, cửa thông hơi và các khe thoát khí để tạo ra sự đối lưu không khí trong ngôi nhà. Chúng ta cũng có thể sử dụng hệ thống vườn ban công, trên mái giúp tăng diện tích xanh, tạo ra không gian thư giãn, cung cấp thực phẩm và giúp tạo môi trường không khí sạch hơn.

kts-title-3.jpg
kts-quote-3.jpg

Anh đánh giá nhu cầu đưa kiến trúc xanh vào công trình của khách hàng có sự thay đổi thế nào?

Thời điểm hiện tại, mọi người có thu nhập, đời sống tốt hơn, nhiều trải nghiệm hơn. Vì vậy họ có những nhu cầu phù hợp với cuộc sống hiện đại hơn. Kiến trúc xanh là yếu tố người ta dễ nhìn nhận nhất, trở thành nhu cầu thiết yếu. Tôi nghĩ hiện tại hầu hết mọi người đều mong muốn đưa kiến trúc xanh vào không gian nhà của mình.

Không phải khách hàng nào cũng hiểu rõ nhu cầu thiết kế nhà của mình là gì. Vậy làm thế nào để KTS nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng?

Khi khách hàng tìm đến, không phải ai cũng đưa ra cho KTS những yêu cầu rõ ràng. Công việc của KTS không phải thiết kế đơn thuần mà còn phải tư vấn cho khách hàng.

Hơn nữa, ai cũng muốn công trình tồn tại với con người nhiều năm. Vì vậy tôi đưa ra nhiều kịch bản và kịch bản đó phù hợp với nhu cầu của khách hàng ở cả hiện tại lẫn tương lai. Tôi mong muốn các công trình mình thiết kế được chủ nhân yêu thích lâu dài. Và muốn làm được điều ấy công trình phải phù hợp với nhu cầu của chủ nhân trong hiện tại, tương lai.

Cuộc sống hiện đại người ta nhắc nhiều tới từ chữa lành. Vậy theo anh, KTS có cần tạo nên các công trình có thể chữa lành cho con người hay không?

Cá nhân tôi chưa thiết kế không gian chữa lành cho ai cả. Nhưng có 1 công trình tôi luôn nhớ. Không gian này có rất nhiều cây xanh ở cả bên trong lẫn bên ngoài. Lúc đầu, khách hàng khá ngại chăm sóc cây. Thế nhưng sau 2 năm, khách hàng lại rất yêu cây, thậm chí còn mở thêm 1 cửa hàng bán hoa. Chứng tỏ không gian ấy giúp khách trải nghiệm cuộc sống thú vị hơn.

Việc chữa lành tôi nghĩ cũng như vậy. Mỗi 1 không gian, người KTS đều có ý niệm truyền tải trong đó. Ngoài yếu tố thẩm mỹ, yếu tố cảm xúc của con người cũng là điều vô cùng quan trọng. Vì vậy, khi khách hàng cần 1 không gian chữa lành, KTS chắc chắn sẽ phải gửi gắm những yếu tố cụ thể vào công trình để tạo nên cảm xúc bình yên tự nhiên nhất.

Nhìn lại gần 20 năm làm nghề, anh có lời khuyên gì cho những bạn trẻ cũng có định hướng theo đuổi ngành kiến trúc?

Các bạn trẻ hãy đảm bảo bạn thực sự đam mê và yêu kiến trúc, học hỏi liên tục và trải nghiệm thực tế bằng cách đi các công trình kiến trúc trong nước và quốc tế, tham gia vào các dự án thực tế và đề xuất những ý tưởng trong các cuộc thi để luyện tư duy sáng tạo và phương pháp thiết kế.

Quan trọng hơn, bạn hãy tìm môi trường làm việc thực sự sáng tạo và học hỏi được tư duy thiết kế của người kiến trúc sư trưởng. Họ sẽ là người thầy vun đắp truyền cảm hứng giúp bạn vững bước trên con đường làm nghề KTS.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!


(0) Bình luận
KTS Nhâm Chí Kiên: 20 năm vẫn cháy đam mê, đặc biệt sợ 1 điều trong thiết kế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO